Nhiều giải pháp hạn chế ngộ độc thực phẩm ở Mèo Vạc

10:16, 18/12/2018

BHG - Những ngày trước, trong và sau Tết là thời điểm ở Mèo Vạc có nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm rất cao. Để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là trong các trường học.

Vườn rau sạch của Trường Mầm non xã Pải Lủng góp phần đảm bảo bữa ăn an toàn cho các cháu học sinh.
Vườn rau sạch của Trường Mầm non xã Pải Lủng góp phần đảm bảo bữa ăn an toàn cho các cháu học sinh.

Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tại các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành về pháp luật ATTP cho gia đình và cộng đồng.

Bữa ăn tập thể của các cháu học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trà luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bữa ăn tập thể của các cháu học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trà luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Đội Quản lý thị trường số 6, huyện Mèo Vạc: Công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa được triệt để. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến, bảo quản thực phẩm ngày càng tinh vi và đa dạng. Công tác kiểm tra ATTP tại chợ huyện, chợ xã, một số cửa hàng kinh doanh tại các cổng trường học và các cửa hàng sản xuất chế thực phẩm; cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thường xuyên. Ngoài ra, việc xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt tiêu chuẩn hoặc chưa khắc phục sau tái kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn…

Đồng chí Ngô Chí Cường, Trưởng phòng Y tế huyện Mèo Vạc cho biết: Công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do cán bộ thực hiện công tác này còn thiếu, nhất là tuyến xã, thị trấn. Ngoài ra, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và kiểm tra ATTP; nhận thức của người dân còn hạn chế, khi mua các mặt hàng thường không để ý các sản phẩm nhãn mác, hạn sử dụng nên rất dễ dẫn đến tình trạng mua phải hàng kém chất lượng. Mặc dù tình trạng ngộ độc thực phẩm đã được hạn chế nhiều so với các năm trước nhưng qua vụ việc đầu tháng 10 vừa qua, hơn 150 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái bị ngộ độc thực phẩm đang đặt ra bài toán về đảm bảo VSATTP trong các trường học.

Những giải pháp giảm thiểu

Để tránh những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc có thể xảy ra, huyện Mèo Vạc đã tăng cường chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện chủ động phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát, tuyên truyên cho nhân dân nắm được các chính sách pháp luật về ATTP; hướng dẫn bà con cách thức xem nhãn mác khi mua các sản phẩm; kiểm tra thường xuyên các đơn vị có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên toàn địa bàn; phối hợp tổ chức lấy các mẫu VSATTP đối với những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, như: Rau, củ, quả, thịt, thủy hải sản đông lạnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm đối với những tổ chức cá nhân vi phạm về VSATTP; tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, định kỳ, đột xuất và hậu kiểm; đẩy mạnh áp dụng hình thức thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những cá nhân buông lỏng quản lý, bao che cho những hành vi vi phạm về ATTP; thực hiện chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; rà soát, giám sát việc thực hiện sau cấp phép…

Theo đồng chí Lý Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, được biết: Qua vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái cho thấy, việc xử lý tình huống còn khá nhiều lúng túng. Do đó, nắm chắc quy trình xử lý vụ ngộ độc, triển khai ứng phó kịp thời các tình huống khi ngộ độc xảy ra, tuyệt đối không để tử vong do ngộ độc thực phẩm là điều đặc biệt quan trọng. Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các trường học, cần kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm và đảm bảo được khâu bảo quản, chế biến thực phẩm; lãnh đạo nhà trường phải thực sự quan tâm, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP.

Mới đây, trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm của các đơn vị trường học, nhất là các trường bán trú, nơi tập trung nhiều học sinh trực tiếp ăn ở và sinh hoạt tại nhà trường, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã chuyên canh sản xuất các sản phẩm rau, củ, thịt gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu các bếp ăn tập thể theo hướng tự cung, tự cấp, đảm bảo VSATTP ngay tại địa phương. Các trường học tận dụng quỹ đất xây dựng mô hình trồng rau, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Đồng thời, huyện xây dựng phương án, cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tổ hợp tác đã được thành lập, đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc và thu nhập ổn định cho các thành viên. Đến nay, toàn huyện 22 Tổ hợp tác và 2 HTX với trên 100 hộ tham gia. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, không những đảm bảo VSATTP cho các trường học mà còn giúp người dân chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất an toàn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đội Quản lý thị trường số 6 tăng cường kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm

BHG - Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ, hàng hóa, thực phẩm của người dân tăng mạnh. Do vậy, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 (gồm 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là ở khu vực biên giới, khu trung tâm huyện, các xã với mục tiêu đảm bảo thị trường hàng hóa phát triển ổn định, không để xảy ra tình trạng gom hàng, tăng giá.

 

18/12/2018
Chung tay chăm sóc người bệnh tâm thần

BHG - "Bệnh tâm thần rất dễ tái phát. Nếu tuân thủ nghiêm các quy tắc trong điều trị thì bệnh có thể được cải thiện, phục hồi hoặc giữ ổn định. Điều này giúp người bệnh tránh sự sa sút về trí tuệ, biết kiểm soát hành vi, tránh những khoảng vô thức có thể gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng dân cư" – Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Bá Giang, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ.

18/12/2018
Sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong quý I năm 2019

BHG - Theo đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lựa chọn được vắc xin ComBE Five (5 trong 1) thay thế cho vắc xin Quinvaxem và khi có vắc xin mới thay thế, tỉnh sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ, dự kiến thời gian sớm nhất trong qúy I năm 2019.

18/12/2018
Góp phần thực hiện thành công chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng Sởi – Rubella trên địa bàn tỉnh

BHG - Bệnh Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... 

18/12/2018