Đảng bộ huyện Bắc Mê - dấu ấn chặng đường 35 năm phát triển

08:47, 27/12/2018

BHG - Cách đây 35 năm, Đảng bộ huyện Bắc Mê được thành lập, đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đảng bộ huyện. Quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Chính sức mạnh đoàn kết, tự lực tự cường là chìa khóa thành công, tạo dấu ấn để bứt phá trên chặng đường đã qua.

Nằm ở phía Đông tỉnh, cách thành phố Hà Giang hơn 50 km, không chỉ được biết đến là một miền quê non nước hữu tình, Bắc Mê còn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng, yêu nước, kiên cường…Huyện Bắc Mê được thành lập trong bối cảnh tình hình KT-XH gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như chưa có gì, đội ngũ cán bộ trong những ngày đầu vừa thiếu, vừa yếu; đó là những thách thức lớn cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Với sự khởi đầu hết sức khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, song dưới sự giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao. Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh và giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” và “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”. Khi thành lập huyện, Đảng bộ có 29 tổ chức cơ sở Đảng với 458 đảng viên, nhiều thôn, bản và cơ quan chưa có chi bộ. Qua 9 nhiệm kỳ Đại hội đến nay, toàn Đảng bộ có 59 tổ chức cơ sở Đảng (43 chi bộ cơ sở và 16 Đảng bộ cơ sở), có 214 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; 3.811 đảng viên (tăng 3.353 đảng viên so với thời điểm chia tách thành lập huyện).

Công tác phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cấp luôn được quan tâm. Tính đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo các phòng, ban của huyện có trình độ đại học và trên đại học; cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học và trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Ý thức trách nhiệm, chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng cao.

Diện mạo KT-XH của huyện có những chuyển biến căn bản. Từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, nông nghiệp là chính; đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng về công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ ngày càng tăng cao. Thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, năm 2018 ước đạt 177,691 tỷ đồng, tăng 102,2% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đặc biệt, trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt, những năm đầu thành lập huyện chủ yếu sản xuất tự nhiên, tự cung, tự cấp; đến nay, với việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào thâm canh, thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.

Đặc biệt thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế và thành lập các tổ dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Đến nay, sản xuất nông - lâm nghiệp đã và đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao: Giá trị sản xuất bình quân/1 ha đất canh tác hàng năm đạt 48,5 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 886,5 tỷ đồng… Nhiều hàng hóa nông nghiệp của huyện đã có thương hiệu và được trao đổi ở các thị trường trong và ngoài nước như: Sản phẩm tinh bột nghệ của Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc; Mô hình trồng và sản xuất tinh dầu Hồi tại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm; Dự án liên kết trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định của Công ty Cổ phần phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang… qua đó, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, thu nhập bình quân của huyện đạt 22,6 triệu đồng/người, tăng 7,7 triệu đồng so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; bình quân lương thực đạt 566,6 kg/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 31,56% giảm 3,86% so với năm 2017.

Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, hệ thống lưới điện Quốc gia liên tục được đầu tư; trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn được xây dựng kiên cố. Về giáo dục và đào tạo, huyện đã chỉ đạo tập trung đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương cho học sinh; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên đã có 13 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác y tế, dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được quan tâm thực hiện tốt, hệ thống khám, chữa bệnh ở cơ sở được từng bước đầu tư.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai quyết liệt; đến nay, 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới là Minh Ngọc, Yên Định, Yên Phong; các xã còn lại đạt từ 7 tiêu chí trở lên. Các chế độ, chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao về chất lượng. Các lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm, tạo nên bản sắc riêng của con người Bắc Mê như: Vui Tết Độc lập, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, Lễ hội Đua mảng gắn với phát triển du lịch liên kết vùng thu hút được đông đảo du khách.

Với những thành tích đạt được, huyện Bắc Mê được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huận chương Chiến công hạng Nhì năm 1985; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2014; nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh… Điều đó thể hiện niềm tin và sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của nhân dân huyện Bắc Mê trong những năm qua.

Bước vào giai đoạn mới, Đảng bộ tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; công tác phát triển Đảng luôn được cấp ủy quan tâm, chỉ đạo gắn liền với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm cho sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ ngang tầm với sự phát triển của huyện.

BÙI VĂN TUÂN (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn tăng cường quản lý thị trường dịp cuối năm

BHG - Thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh, thị trường hàng hóa cũng được các hộ kinh doanh bổ sung hết sức phong phú. Chính vì vậy, những diễn biến phức tạp trong kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh ATTP… Để đảm bảo thị trường dịp cuối năm được ổn định, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) huyện Đồng Văn (Đội QLTT số 6) đã tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại trên địa bàn.

 

26/12/2018
Đoàn từ thiện Chùa Phúc Hưng (Hà Nội) tặng quà Liên trường xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì)

BHG - Ngày 26.12, Đoàn Phật tử từ thiện Chùa Hưng Phúc, thành phố Hà Nội do Đại đức Thích Thanh Phương, Chủ nhiệm Dự án Hỗ trợ học sinh dân tộc vùng cao làm Trưởng đoàn đã tổ chức Chương trình trao quà cho giáo viên và học sinh Liên trường xã Bản Luốc nhân dịp Tết Dương lịch 2019. Tại xã Bản Luốc Đoàn đã trao tặng hơn 700 suất quà gồm: Chăn ấm, áo ấm, mũ len, tất, khăn mặt cho cán bộ, giáo viên và học sinh...

26/12/2018
Hội Đông y tổ chức Hội nghị BCH (mở rộng) lần thứ 11

BHG - Ngày 25.12, Hội Đông y tỉnh tổ chức Hội nghị BCH (mở rộng) lần thứ 11, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Dự hội nghị có lãnh đạo một số ban, ngành và đại diện Hội Đông y 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hội Đông Y tỉnh có hơn 3.500 hội viên, mạng lưới tổ chức Hội được xây dựng, phát triển và hoạt động tại 3 cấp từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn. Các cấp Hội đã giữ vững và thực hiện đều các hoạt động đặc thù của Hội, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng Y học cổ truyền; tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh không để xảy ra sai phạm trong công tác chuyên môn, kết hợp chặt chẽ giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền. 

25/12/2018
Văn phòng UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà cho học sinh trường Mầm non Hoa Hồng (xã Tùng Bá)

BHG - Ngày 25.12, Văn Phòng UBND tỉnh phối hợp cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh  đến tặng quà học sinh trường Mầm non Hoa Hồng, thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá (Vị Xuyên). Cùng đi có cấp ủy, chính quyền xã Tùng Bá. Trường Mầm non Hoa Hồng có 5 điểm trường với tổng số 26 cán bộ, giáo viên và 299 học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông. Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2 điểm trường đang học nhờ trường Tiểu học và trụ sở thôn... 

25/12/2018