Cuộc sống mới ở Tùng Nùn - Kỳ cuối: Giải bài toán sinh kế cho người dân vùng lũ

08:22, 17/08/2018

BHG - Câu chuyện “an cư” của người dân vùng tâm lũ đang được các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay thực hiện. Những ngôi nhà mới đang mọc lên mang theo nhiều hy vọng về cuộc sống mới ổn định. Nhưng bài toán “lạc nghiệp” lại đang khiến những người có trách nhiệm ở địa phương trăn trở.

Mẹ con chị Mua Thị Pó đào bới lớp đá, tìm đất trồng ngô.
Mẹ con chị Mua Thị Pó đào bới lớp đá, tìm đất trồng ngô.

7 hộ dân mất nhà trong trận lũ dữ vừa qua đã được di dời đến nơi ở mới. Nhưng còn hơn chục hộ dân khu vực bị sạt, lở chưa thể di dời vẫn hàng ngày sống trong sợ hãi mỗi khi mưa xuống. Theo người dân Tùng Nùn, những ngày đầu tháng 8 vừa qua, mưa nhiều, nước lớn tiếp tục đổ về. Hôm nào mưa to, các hộ dân khu vực này phải di chuyển đến nhà người thân. Trong nhiều lần đi rừng, người dân phát hiện vẫn còn vết nứt phía trên đỉnh núi, những mảng đất, đá lớn ngấm đầy nước mưa có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Đưa thông tin này trao đổi với Trưởng thôn Giàng Mí Cháng, anh bảo: Tôi có nắm được, nhưng thời gian qua, vừa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa phải cung cấp thông tin cho các đoàn từ thiện; rồi tổ chức đón nhận, phân phát quà hỗ trợ, lại phải vận động người dân sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích… nên chưa có thời gian khảo sát cụ thể. Ít hôm nữa, Ban Cán sự thôn sẽ trực tiếp đi kiểm tra các dãy núi, nếu phát hiện vết nứt bất thường, sẽ báo ngay cho chính quyền để có phương án chủ động di dời dân.

Được biết, Quản Bạ là một trong những địa phương thực hiện tốt việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt, lở cao theo Đề án quy tụ dân cư của tỉnh. Tuy nhiên, cuộc sống bên những ngọn núi giống như một cuộc đánh cược bởi mỗi năm, thiên tai càng khắc nghiệt, khó lường hơn. Những triền núi bao bọc người dân Tùng Nùn hàng chục năm qua, nay nham nhở những vết nứt trượt dài, ám ảnh cuộc sống người dân. Các cấp, các ngành cần sớm kiểm tra, rà soát, kịp thời di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, đặc biệt trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay.

Trưởng thôn Giàng Mí Cháng vừa chạy ra xã xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề cấp phát giống ngô cho người dân ổn định sản xuất. Trong những ngày qua, ngoài hỗ trợ các nhu yếu phẩm, lương thực, tiền… một số tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ giống ngô lai, bò cái sinh sản giúp người dân Tùng Nùn khôi phục sản xuất. Thôn Tùng Nùn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cây lương thực chủ yếu là ngô, lạc. Trận lũ quét vừa qua, nhiều diện tích đất sản xuất bị vùi lấp, trong đó phần lớn không thể phục hồi, khiến cho nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ tái nghèo, thiếu lương thực…

Mặt trời dần đứng bóng, nhưng hai mẹ con chị Mua Thị Pó vẫn mải miết đào bới lớp đất, đá để gieo những hạt ngô giống. Chị Pó chia sẻ: Hôm bị lũ, nương ngô nhà tôi rộng khoảng 4.000 m2 bị vùi lấp, ngô chuẩn bị thu hoạch thì mất trắng; không có đất trồng ngô, nay cố gắng gạt đá, gieo được cây nào hay cây đấy, mong trời thương, đừng mưa lũ nữa, không thì năm nay đói ăn mất.

Theo thống kê, xã Lùng Tám có hơn 15 ha đất sản xuất không thể phục hồi do đất, đá vùi lấp, trong đó phần lớn thuộc thôn Tùng Nùn. Đến thời điểm hiện tại, những diện tích có khả năng phục hồi, người dân đang nỗ lực cải tạo trồng ngô. Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thường xuyên cử cán bộ xuống thôn khảo sát, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tám Nguyễn Ánh Dương cho biết: Trước mắt, xã tập trung hỗ trợ người dân khôi phục diện tích đất bị vùi lấp; kiến nghị với huyện hỗ trợ giống ngô lai, vật tư, phân bón giúp người dân khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn lương thực. Lùng Tám có HTX Dệt vải lanh truyền thống với doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, nhiều phụ nữ Tùng Nùn biết nghề dệt lanh sẽ được hỗ trợ trở thành thành viên HTX để tham gia sản xuất, tăng thu nhập. Về lâu dài, xã sẽ phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi; đối với những hộ được tặng bò giống sẽ được hỗ trợ để phát triển đàn bò hàng hóa; tái tạo và phát triển đàn ong gắn với Đề án mỗi làng một sản phẩm; đẩy mạnh đào tạo nghề cho người dân để chuyển đổi nghề nghiệp, vận động thanh niên đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Chia tay Quản Bạ khi bóng chiều trải dài trên đỉnh núi, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới ngỏ lời mời: Sau khi ổn định chỗ ở, huyện sẽ tập trung các giải pháp để tạo sinh kế cho người dân; thêm một thời gian nữa, mời phóng viên quay lại để cảm nhận cuộc sống hồi sinh trên vùng lũ Tùng Nùn!

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quang Bình ký kết Quy chế phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm với Đảng ủy trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam

BHG - Nhằm từng bước giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, ngày 16.8, Huyện ủy Quang Bình đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm với Đảng ủy Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Dự buổi lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Ủy viên BTV Đảng ủy Tập đoàn Than Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Triệu Tài Phong, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy.

16/08/2018
Hội nghị triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2018-2020

BHG - Sáng 16.8, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Sở Y tế; đại diện Phòng Y tế 11 huyện, thành phố và một số nhà thuốc trên địa bàn. Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2018-2020 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc...

16/08/2018
Gặp mặt động viên trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đi phẫu thuật

BHG - Chiều 15.8, tại Sở Lao động - TBXH, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức buổi gặp mặt động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đi phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh đợt II, tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội. Trong đợt II, qua khám sàng lọc, các bác sỹ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã phát hiện 10 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, chỉ định cần can thiệp sớm bằng phẫu thuật để bảo vệ cuộc sống, dự kiến chi phí mổ miễn phí trên 500 triệu đồng. 

16/08/2018
Cuộc sống mới ở Tùng Nùn - Kỳ 1: Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

BHG - Hơn tháng sau ngày thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên, cuộc sống mới đang hồi sinh. Những ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố đang dần hoàn thiện, mầm xanh của ngô đã vươn lên mạnh mẽ, những đứa trẻ vui đùa tại điểm trường trước thềm năm học mới và người già không còn tiếng thở dài nhìn về phía núi mờ xa…

 

15/08/2018