Nàn Ma, vang mãi khúc tráng ca!

17:54, 27/07/2018

BHG - Xã Nàn Ma (Xín Mần) những ngày tháng Bảy thật yên bình với màu xanh mướt của lúa nương và tán cây mận Hậu. Nhưng cách đây hơn 60 năm, cũng tại mảnh đất rẻo cao này đã ghi dấu một sự kiện đau thương gắn với sự hy sinh của 11 chiến sỹ Đội văn công hỏa tuyến Trung đoàn 148. Ký ức về các anh, chị là một khúc ca bi tráng trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai của quân và dân ta.

Bức Phù điêu tạc hình 11 thành viên Đội văn công Trung đoàn 148 bị Phỉ sát hại.
Bức Phù điêu tạc hình 11 thành viên Đội văn công Trung đoàn 148 bị Phỉ sát hại.

Xã Nàn Ma tiếp giáp với xã Si Ma Cai, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Năm 1952 nơi đây là điểm nóng trong phòng và tiễu Phỉ của miền Tây Bắc Tổ quốc. Tháng 7.1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, còn gọi là Tây tiến nhằm ngăn chặn mưu đồ mở rộng chiến tranh của địch ra toàn miền Bắc. Để chi viện kịp thời cho Lai Châu, Sơn La, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục điều lên mặt trận Tây Bắc 7 đại đội Tây tiến, đây cũng là thời điểm Đội văn công Trung đoàn 148 được thành lập, với tên gọi ban đầu “Đội Tuyên văn”; diễn viên được tuyển chọn từ những chiến sỹ có năng khiếu về văn nghệ ở các Đại đội võ trang tuyên truyền như: Nguyễn Quang Tạo, Đỗ Tùng, Nguyễn Văn Sự, Hà Văn Cầu, Nguyễn Văn Miên, Dương Bách Niên và tuyển mộ thêm một số văn nghệ sĩ ở Hà Nội tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa như: Lê Văn Chương, nhạc công ở Nhà thờ Hà Nội, Nguyễn Thị Hảo (vợ Lê Văn Chương) – nghệ sỹ múa, Nguyễn Văn Thịnh, Trần Đình Ngà, Nguyễn Viết Đàm. Tất cả họ đều ở độ tuổi đang chín của cuộc đời từ 20 - 30. Đầu năm 1952, Đội văn công được lệnh lên Hà Giang phục vụ chiến đấu; trên đường hành quân, gặp các trạm hay các đội cứu thương, bệnh binh tuyến lửa, Đội văn công đều dốc lòng phục vụ. Ngoài việc biểu diễn văn nghệ, Đội còn tham gia công tác vệ sinh, giặt giũ, khâu vá quần áo cho thương bệnh binh. Giữa tháng 5.1952, sau gần ba tháng phục vụ ở Hà Giang, đoàn được lệnh trở về Lào Cai. Sau thời gian trèo đèo lội suối, Đội đến Cốc Pài dừng chân biểu diễn phục vụ bà con chiến sỹ tại đây, chẳng ngờ đây lại là lần biểu diễn cuối cùng của các anh, chị.

Theo Hồi ký của đồng chí Đỗ Tùng, người duy nhất còn sống sót của Đội văn công và lời kể của các cụ già người Mông thôn Nàn Ma, kết thúc buổi biểu diễn phục vụ bà con và chiến sỹ tại Cốc Pài, Đội tiếp tục hành quân đến nghỉ tại địa phận Nàn Ma. Vào khoảng 3h đêm ngày 15.5.1952, hàng trăm tên Phỉ từ Si Ma Cai kéo về khu vực Nàn Ma cướp phá, một toán Phỉ lùng sục và phát hiện Đội văn công đang ở trong ngôi nhà của Giàng Seo Dìu (lúc đó cả gia đình ông Giàng Seo Dìu đã đi di tản), chúng bao vây ngôi nhà trình tường nơi Đội văn công nương náu. Trước sự hung hãn của giặc Phỉ, chỉ với 1 khẩu súng tiểu liên, 3 khẩu súng trường và con dao, toàn Đội văn công lúc này thành các chiến sỹ quả cảm xông ra đánh Phỉ phá vòng vây. Đội trưởng Bùi Như Yên cùng các anh, chị em chiến đấu đến những viên đạn cuối cùng, diệt được một số tên Phỉ rồi mới hy sinh; chị Nguyễn Thị Hảo - thành viên nữ duy nhất trong Đội bị Phỉ chém mất một cánh tay, bị xả một bên chân, và bị hành quyết ném xác xuống hố sâu cùng đồng đội. Bốn thành viên còn lại là Dương Bách Niên, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Chương và Nguyễn Quang Tạo mở đường máu vượt được vòng vây, nhưng do trời tối lại không thông thuộc địa bàn nên đều bị Phỉ bắt. Buổi trưa ngày hôm sau, bọn Phỉ hành quyết các anh. Trước họng súng của Phỉ, 4 chiến sĩ của Đội văn công vẫn đứng hiên ngang hát vang lời bài hát về Binh đoàn 148 anh hùng!

Ngày nay xã Nàn Ma đã trở thành một điểm du lịch với những danh thắng đẹp và bình yên. Những dấu tích gắn với sự hy sinh xương máu của 11 thành viên Đội văn công Trung đoàn 148 trên nền nhà cũ của ông Giàng Seo Dìu đã trở thành di tích lịch sử, một Nhà bia tưởng niệm đã được dựng lên. Bên hố sâu nơi Phỉ vứt xác các anh, chị có một bức Phù điêu tạc hình 11 chiến sỹ văn công hỏa tuyến được dựng lên đầy trang nghiêm. Trước Di tích lịch sử Nàn Ma, chúng ta đều nghẹn lòng tưởng nhớ và nghiêng mình tự hào trước sự hy sinh quả cảm của Đội văn công Trung đoàn 148, câu chuyện của các anh, chị sẽ mãi gắn với đất và người nơi đây.

Bài, ảnh:  TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dừng khai thác khoáng sản do Giấy phép khai thác hết hiệu lực

BHG - Căn cứ Công văn số 1000/STTMT-KSN ngày 19.7.2018, về việc chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản do Giấy phép hết hạn; giải quyết đề nghị cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản tại thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu, xã Minh Sơn (Bắc Mê), UBND tỉnh Hà Giang vừa có văn bản chỉ đạo Công ty Cổ phần thép An Khang thực hiện một số nội dung sau:

27/07/2018
Thương binh Vũ Đức Chự tỏa sáng giữa đời thường

BHG - Sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, thương binh Vũ Đức Chự (sinh năm 1946), thôn Trung Sơn, xã Trung Thành (Vị Xuyên) vẫn lạc quan, yêu đời, cống hiến hết mình cho công tác xã hội và vượt qua mọi đau đớn của bệnh tật để lao động, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân.Dù ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng trí nhớ của thương binh Vũ Đức Chự còn rất minh mẫn, ông nhớ như in những ngày tháng tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.

27/07/2018
Khai mạc lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở

BHG - Ngày 26.7, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên tổ chức Khai mạc lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018. Dự khai mạc có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh; UBND huyện Vị Xuyên; Ban Dân tộc huyện Vị Xuyên và các học viên ở thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên.

 

27/07/2018
TAND tỉnh Hà Giang: Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp Nhà văn hóa thôn tại huyện Xín Mần.

BHG - Thực hiện Quyết định số 247-QĐ/TU, ngày 10.3.2016 của BTV Tỉnh ủy Hà Giang về phân công các sở, ban ngành của tỉnh phụ trách xã đặc biệt khó khăn. TAND tỉnh Hà Giang được phân công phụ trách, đỡ đầu xã Nàn Ma, huyện Xín Mần. Với mong muốn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân thôn Lùng Sán, xã Nàn Ma. 

27/07/2018