Khuổi Dò, những điều trăn trở

08:20, 03/05/2018

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên), tôi cũng thực hiện được dự định đặt chân đến Khuổi Dò, thôn xa nhất và khó khăn nhất của xã. Một ngày tháng Tư, con đường đất uốn lượn, vắt ngang lưng núi dẫn vào thôn trở nên trơn trượt hơn sau cơn mưa rào đêm trước; đường ngoằn ngoèo, khó đi như chính giấc mơ thoát nghèo của người dân nơi đây…

Lớp học của các cháu Mầm non điểm trường Khuổi Dò.
Lớp học của các cháu Mầm non điểm trường Khuổi Dò.

Ban đầu, tôi dự định tự chinh phục đường vào Khuổi Dò bằng con “ngựa sắt già, yếu” của mình, nhưng nghe Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Văn Vinh: “Tối qua mưa, đường đất vào thôn trơn lắm, chị tay yếu, đi không quen, không cầm lái được đâu”. Nghe theo “tiền bối”, tôi đành ngồi sau để Phó Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Nhì điều khiển “ngựa”. Men theo trục đường chính rải nhựa phẳng lỳ được khoảng 3 km, chiếc xe cài số 1, nổ gằn, ngược dốc, xuyên vào rừng thẳm. Sau 2 giờ, chúng tôi cũng vượt qua quãng đường 18 km vào đến thôn.

Ngôi nhà được ghép bằng tre nứa của gia đình anh Sùng Seo Phái.
Ngôi nhà được ghép bằng tre nứa của gia đình anh Sùng Seo Phái.

Trong làn sương mờ ảo, Khuổi Dò hiện ra thật đẹp và nên thơ. Những đồi Sim tím chạy dài mơ mộng, những mái nhà ẩn hiện lưng đồi. Tiếng trẻ ê a tập đọc xuyên qua những tán cây rừng kéo tôi đến điểm trường thôn. Thầy giáo Nguyễn Văn Hồi cho biết: Điểm trường Khuổi Dò có 2 giáo viên Mầm non và 1 Tiểu học, 35 học sinh; trong đó có 18 em Mầm non, 17 em học lớp ghép 1, 2. Việc duy trì sỹ số gặp nhiều khó khăn, một phần do quãng đường đến trường vất vả, một phần do nhiều phụ huynh vẫn còn tư tưởng để các em ở nhà giúp việc gia đình, nhất là vào ngày mùa vụ.

Nhìn ngôi nhà gỗ lợp phi - bro xi - măng, bưng bằng mấy tấm ván cũ với bàn ghế đơn sơ; ở đây cũng bảng đen, phấn trắng, cũng cô – trò ríu rít mà sao tôi thấy ngậm ngùi. Thầy Hồi dạy lớp ghép, 2 chiếc bảng đen được kê 2 đầu phòng học, mấy đứa nhỏ ngồi quay lưng vào nhau, thầy dạy bên này, chốc lại chạy sang bên kia, sự nghiệp “gieo chữ” cứ nhọc nhằn như thế. Sang lớp Mầm non thấy các cháu đang ngồi học trên những chiếc ghế nhựa, nền xi - măng thủng lỗ chỗ, loang lổ vết nứt. Mấy đứa trẻ thấy người lạ lấm lét nhìn, chân tay, mặt mũi đứa nào cũng đen thui, cáu bẩn. Lớp học chỉ có một bảng chữ cái, vài đồ chơi do các cô tự chế, điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc dạy và học thiếu trăm bề.

Đón chúng tôi tại trụ sở thôn với cái nắm tay chặt, Trưởng thôn Khuổi Dò, Lý Văn Minh chia sẻ: Thôn hiện có 56 hộ, trong đó, gần 100% đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây chưa có điện lưới, sóng điện thoại, giao thông đi lại khó khăn, vì vậy cuộc sống của bà con nhiều năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn chiếm trên 85%, toàn thôn có 14 ha đất trồng lúa 1 vụ, 12 ha đất trồng hoa màu. Do thiếu đất canh tác nên nguồn thu của người dân chủ yếu nhờ hái lá Giang, Bông chít trên đồi về bán, nhưng vì giao thông khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương; đời sống người dân vẫn chủ yếu tự cung, tự cấp.

Dẫn chúng tôi đến gia đình anh Sùng Seo Phái, Trưởng thôn Lý Văn Minh cho biết, đây là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của thôn, vợ chồng trẻ lại đông con, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc hái Bông chít trên rừng đem bán. Ngôi nhà lụp xụp được ghép bằng những thanh tre, nứa, bên trong không vật giá trị, anh Phái vừa chở Chít ra thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) bán, ở nhà chỉ còn vợ và 4 đứa con nhỏ. Chị Pàn, vợ anh Phái chia sẻ: “Hai vợ chồng ở riêng được vài năm, bố mẹ 2 bên giúp dựng ngôi nhà nhỏ này. Vì thiếu đất sản xuất nên hàng ngày 2 vợ chồng lên rừng hái lá Giang, Bông chít chở ra ngoài thị trấn bán. Đường đi khó, giá thu mua thấp nên nhiều khi chỉ đủ tiền xăng xe”.

Rời nhà anh Phái, chúng tôi đến mấy hộ nữa trong thôn trước khi “xuống núi”, mang theo những trăn trở làm sao để cuộc sống của bà con Khuổi Dò vơi bớt nhọc nhằn. Quá trưa, chúng tôi mới ra đến trục đường chính để về trụ sở xã, ngoảnh lại nhìn, Khuổi Dò khuất sau những dãy núi mờ sương, nhưng tiếng ê a tập đọc với khuôn mặt lấm lem của những đứa trẻ và những ngôi nhà tạm, dột nát vẫn quẩn quanh trong tâm trí tôi.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc được biết: Nguyên nhân khiến cho cuộc sống của các hộ dân thôn Khuổi Dò còn nhiều khó khăn là do trình độ nhận thức còn hạn chế, địa hình chia cắt, thiếu đất canh tác, giao thông đi lại khó khăn, điện lưới Quốc gia chưa về đến bản. “Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân phát triển sản xuất; hỗ trợ tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi của Nhà nước, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế rừng…”.

Ghi chép của NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dương Thanh Hiền - nữ Nhiếp ảnh gia nơi cực Bắc

BHG - Có thể khẳng định tới thời điểm khi tôi viết bài này, nghệ sỹ Nhiếp ảnh Dương Thanh Hiền là phụ nữ duy nhất ở của tỉnh có tước hiệu trên con đường nghệ thuật Nhiếp ảnh ở vùng cực Bắc biên cương. Chị được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam; được Tổ chức Nhiếp ảnh Quốc tế Piat phong Danh hiệu APAVA (Nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc). Để có được những danh hiệu của một tổ chức uy tín nghề nghiệp trong nước và quốc tế như vậy, bất cứ văn nghệ sỹ nào cũng phải có một quá trình rèn luyện qua thử thách nghiệt ngã: Có năng khiếu bẩm sinh, lòng đam mê nghề mình theo đuổi và một nghị lực khao khát sáng tạo. Và nữ Nhiếp ảnh gia Dương Thanh Hiền đã vượt qua "Vũ môn" để đạt được những đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp như vậy! 

30/04/2018
Lan tỏa tinh thần Marathon quốc tế

BHG - Ngày 30.4, tại huyện Đồng Văn, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Giải Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh phúc - năm 2018. Đây là lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức Giải Marathon quốc tế nhưng đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các tổ chức, các cá nhân và các vận động viên (VĐV), qua đó lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Marathon quốc tế; là dịp để Hà Giang tiếp tục quảng bá tiềm năng du lịch với sự đặc sắc của văn hóa truyền thống các dân tộc, những nét đẹp của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến với du khách trong nước và quốc tế.

30/04/2018
Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Diễn tập sự cố; Diễn tập an toàn năm 2018

BHG - Trong 2 ngày 26-27.4, tại huyện Quang Bình, Công ty Điện lực Hà Giang (Công ty) đã tổ chức Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Diễn tập sự cố; Diễn tập an toàn năm 2018. Tình huống diễn tập được Công ty đặt ra là khắc phục sự cố điện do thiên tai gây ra, trong đó lắp đặt mới cầu dao phụ tải vị trí 155, đường dây 35kV Tân Trịnh – Quang Bình lộ 371E22.3.

 

28/04/2018
Chị Nguyễn Thị Hòa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm

BHG - Là cán bộ thuộc Sở Y tế, chị Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1977 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, xứng đáng tấm gương sáng của ngành. Thân thiện, cởi mở là ấn tượng đầu tiên khi được gặp chị Hòa. Được biết, trước khi chuyển đến Trung tâm Hành chính công tỉnh, chị Hòa công tác tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế, thực hiện nhiệm vụ đi cơ sở tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh...

27/04/2018