Chuyện chưa kể về một cựu chiến binh chống Pháp

07:15, 23/12/2017

BHG - Ngày kỷ niệm lần thứ 73 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12, tôi có dịp đọc cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phú Linh (Vị Xuyên). Tuy cuốn sách không nêu chi tiết những thành tích tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp của xã nhà, nhưng nói lên những đóng góp quan trọng của về sức người, sức của trong một thời gian địa bàn xã là hậu cứ của tỉnh lỵ Hà Giang. Trong đó, về sức người,  là số dân công hỏa tuyến và số thanh niên lên đường nhập ngũ khá nhiều so với dân số của xã lúc bấy giờ. Để tìm hiểu kỹ hơn, tôi đến thăm và hỏi chuyện bác Lý Văn Tương, một trong số thanh niên hồi đó tham gia nhập ngũ, cũng là một trong số rất ít bộ đội chống Pháp của xã đang còn sống.

Bác Lý Văn Tương (ngồi giữa) cùng các con, cháu.
Bác Lý Văn Tương (ngồi giữa) cùng các con, cháu.

Bác Lý Văn Tương ở chung với con trai út tại thôn Mường Bắc, xã Phú Linh. Với dáng người cao gầy, đôi mắt sáng, giọng trầm ấm, luôn cười tươi; tuy còn khỏe và minh mẫn, nhưng đi đứng phải chống gậy vì bác là bệnh binh. Tôi gợi ý muốn gặp bác để tìm hiểu thêm lịch sử của xã Phú Linh trong thời gian chống Pháp và cá nhân bác trong quá trình tham gia bộ đội, công tác…, bác vui vẻ nhận lời. Bác kể lại lưu loát từng vấn đề: Về số thanh niên tham gia bộ đội chống Pháp của xã hồi đó khá nhiều và đi thành nhiều đợt, những đợt đi trước bác, đi cùng bác và đi sau bác đến năm 1954 gồm những ai, họ tên là gì, nay ai đã mất hay còn sống tại xã hoặc ở tỉnh khác, bác đều nhớ hết. Riêng đợt đi cùng bác vào tháng 8.1953 có 3 người, trong đó bác là thanh niên tình nguyện, mới đủ 16 tuổi người nhỏ gầy, Xã đội lúc đó làm hồ sơ tăng thêm cho một tuổi thành 17 tuổi. Ngày nhập ngũ, bác cùng các bạn đi bộ từ Phú Linh ra tỉnh lỵ Hà Giang để nhập đơn vị, nhận trang phục và đồ dùng cá nhân như: quần áo đồng bộ màu nâu, giầy vải, mũ cứng… Sau một thời gian huấn luyện ngắn ngày, bác được đơn vị phân công đi bảo vệ cán bộ ở địa bàn tỉnh Lào Cai, sau đó được điều sang làm công tác vận động kháng chiến. Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, bác được điều động đi làm công tác quản lý tù binh tại Trại 22 ở xã Quang Minh và Vô Điếm (Bắc Quang). Tháng 7.1954, bác tham gia Đoàn trao trả tù binh tại Việt Trì rồi tiếp tục làm công tác vận động tiễu Phỉ ở Hoàng Su Phì; từ năm 1955-1956 tham gia Cuộc vận động thành lập Khu tự trị Việt Bắc tại hai huyện Bắc Quang và Hoàng Su Phì. Suốt thời gian ở bộ đội, công việc chủ yếu của bác là làm công tác hậu cần; cuối năm 1955 bác bị thương tật trong một lần vác hòm đạn qua suối bị trượt chân, từ đó một chân không đi lại được bình thường. Cuối năm 1956, bác được phục viên với chức vụ Tiểu đội trưởng, được hưởng chế độ thêm 1 năm vì bác là người tình nguyện nhập ngũ. Năm 1959, bác làm kế toán HTX mua bán của xã, rồi kế toán HTX nông nghiệp Tiền Phong, cán bộ phụ trách Hội người cao tuổi HTX Nông nghiệp Tân Trào. Cuối năm 1966, bác được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và tiếp tục công tác đến năm 1998 mới được nghỉ. Năm nay, bác tròn 80 tuổi và được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Khi hỏi về chuyện gia đình, đặt tên các con lại trùng hợp kỳ lạ với một sự kiện trọng đại của đất nước, như một sự tiên đoán trước? - Bác cười: Bác lấy vợ vào năm 1956, có 6 người con gồm 5 trai và 1 gái. Con trai cả sinh năm 1957, đặt tên là Lý Văn Hòa, sau này đi bộ đội là Liệt sỹ hy sinh trong Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tại mặt trận Cao Bằng. Các anh, chị sinh sau, bác đặt tên lần lượt là Bình – Dân - Chủ - Thống - Nhất. Khi đặt tên cho các con, bác nghĩ: Vì có hòa bình mình mới được phục viên, mình mong ước làm sao thế giới và đất nước được hoà bình; nước ta được độc lập sẽ xây dựng một nền dân chủ nhân dân và cuối cùng là mong muốn đất nước ta lúc đó đang bị chia cắt làm 2 miền Nam – Bắc sẽ sớm được thống nhất nước nhà. Một sự trùng hợp kỳ diệu là con trai út Lý Văn Nhất, sinh đúng 10 giờ ngày 30.4.1975, ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đây có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ có dám tiên đoán gì đâu! – bác cười…

Qua tiếp xúc, tôi thấy bác là một người khiêm tốn, giản dị, ít nói về mình; hàng ngày bác thích nghe thời sự và mong có người tâm huyết đến chơi nói chuyện cho vui; về lịch sử nếu có người quan tâm hỏi đến bác mới nói. Vì vậy từ ước vọng của bác đến việc đặt tên cho các con có sự trùng hợp với sự kiện của đất nước thì ngay cả anh em thân thích và người trong làng, trong xã chưa ai biết cụ thể. Mọi người chỉ biết bác là người cựu chiến binh chống Pháp, người đảng viên mẫu mực; bác và các con, cháu đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bài, ảnh: Đinh Minh Tung


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ

BHG - Trong cuộc sống hiện tại với bộn bề lo toan, vì hoàn cảnh nghèo khó, vì mưu cầu hạnh phúc, hay vì lý do nào đó… một số người đã đặt con cái mình vào vòng xoáy đưa đẩy của số phận. Điều đáng nói la, có những người làm cha, làm mẹ sẵn sàng bỏ rơi chính những đứa con mang nặng đẻ đau của mình để tìm đến hạnh phúc mới.

23/12/2017
Quận ủy Long Biên ( Hà Nội) tặng quà trị giá hơn 6,5 tỷ đồng cho xã Lùng Tám (Quản Bạ)

BHG - Ngày 20.12, đoàn công tác của Quận ủy Long Biên (Hà Nội) do đồng chí Đỗ Mạnh Hải, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Quận làm trưởng đoàn, đã đến thăm và trao tặng quà cho trường PTDT Bán trú Tiểu học và 40 hộ nghèo xã Lùng Tám (Quản Bạ). Cùng dự Lễ trao tặng, có đồng chí Hoàng Đình Phới, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ,  các đồng chí Thường trực HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ huyện Quản Bạ.

22/12/2017
Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trao tặng nhà tình nghĩa tại xã Đông Minh.

BHG - Ngày 21.12, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức Lễ trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Lù Thị Điệp, sống tại thôn Bản Lò, xã Đông Minh, huyện Yên Minh. Tới dự có Đại tá Phạm Văn Khoa, Phó Chủ nhiệm  Chính trị, Bộ CHQS tỉnh; đại diện UBND huyện Yên Minh; cấp ủy, chính quyền địa phương… Công trình nhà tình nghĩa xây dựng cho gia đình bà Lù Thị Điệp, mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Kinh, được sử dụng từ nguồn quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" Bộ Tư lệnh Quân khu 2 với số tiền hỗ trợ là 70 triệu đồng. 

22/12/2017
Sẵn sàng bước vào Ngày hội An toàn giao thông đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc

BHG - Ngày hội An toàn giao thông (ATGT) đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc năm 2017, do UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, chính thức diễn ra các hoạt động từ 7h30 phút đến 22 giờ, ngày 23.12 tại Quảng trường 26.3 (thành phố Hà Giang) dưới hình thức sân khấu hóa. Theo Ban tổ chức, Ngày hội có sự tham dự của 3 nghìn người, gồm đại biểu các bộ, ban, ngành T.Ư, cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đại diện Ban ATGT các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc gồm Hà Giang, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

22/12/2017