Cuộc "cách mạng" thay đổi tư duy ở thị trấn Yên Bình

08:14, 03/10/2017

BHG - Những ngôi nhà lụp xụp được ghép bằng tre, gỗ, mái lợp cỏ gianh, bên trong không một vật dụng giá trị; những mảnh vườn chỉ để dành cho cỏ dại mọc um tùm... Đó là những gì hiện hữu ở thôn Thượng Sơn và Hạ Sơn, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) mà nhiều người vẫn gọi là nơi “vườn không, nhà trống”...

Từ những mảnh vườn không và những ngôi nhà trống...

Vượt quãng đường núi hơn 8 km, chúng tôi đến thôn Hạ Sơn. Cảnh tượng đầu tiên, dễ dàng nhận thấy là những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp nằm nép bên sườn núi, chủ yếu lợp bằng cỏ gianh và vách nhà bưng bằng tre, liếp. Hầu như nhà nào cũng có mảnh vườn nhưng không trồng bất cứ loại rau gì, cây ăn quả cũng “vắng bóng”. Theo chân Trưởng thôn Làn Văn Sỉ, chúng tôi đi bộ men theo sườn núi đến thăm một vài hộ trong thôn. Cái nắng gay gắt giữa trưa hè khiến ai nấy đều thấm mệt, mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng những đứa trẻ ở đây dường như chẳng ngại nắng gió, chúng tụ tập chơi trước một khoảng sân nhỏ, đứa nào cũng cởi trần, mặt mũi lấm lem bùn đất.

Ngôi nhà tạm bưng bằng tre, nứa, bên trong không một vật dụng giá trị của một hộ dân thôn Hạ Sơn.
Ngôi nhà tạm bưng bằng tre, nứa, bên trong không một vật dụng giá trị của một hộ dân thôn Hạ Sơn.

Sau một hồi cuốc bộ, Trưởng thôn Làn Văn Sỉ dẫn chúng tôi ghé vào một ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn, hơi nóng bỏng rát. Chủ nhà Tẩn Lào Sán, 42 tuổi vừa rót nước mời khách vừa nói: “Vợ mình đi uống rượu ở làng bên chưa về, hôm nay người họ hàng bên đấy làm cỗ, mình cũng vừa về đây. Say quá, không uống được nữa nên về nhà ngủ thôi...”. Khi chúng tôi hỏi: “Thế ở nhà mùa này không trồng cấy gì à? Nhà có nuôi lợn hay trâu, bò gì không mà hai vợ chồng cùng đi uống rượu thế? Các con đi đâu hết rồi?” thì anh ngượng nghịu phân trần: “4 đứa con thì 3 đứa đi học, còn 1 đứa bỏ học rồi, chả biết hôm nay nó đi chơi đâu. Ở nhà mùa này chỉ lên nương trồng sắn thôi, mà mấy hôm nay trời nắng quá không đi làm được. Nhà có trâu, bò gì đâu, có mỗi 1 con lợn bé bé thôi, cứ thả ngoài vườn ấy, nó muốn ăn gì thì ăn...”.

Rời ngôi nhà được bưng bằng tre liếp, bên trong trống hoác, trống huơ của anh Sán, chúng tôi rẽ vào nhà chị Sìn Thị Quy, 34 tuổi. Đang tất bật ủ men nấu rượu, thấy khách đến chị nhanh tay rắc nốt chỗ men còn lại rồi lấy ghế cho chúng tôi ngồi. Chị Quy không biết tiếng phổ thông nên Trưởng thôn phải phiên dịch giúp. Qua trò truyện, được biết chị có 3 người con, chồng mất cách đây đã vài năm. Nhìn khoảnh vườn không được trồng cấy 1 loại rau gì, chúng tôi ngạc nhiên hỏi Trưởng thôn Làn Văn Sỉ, sao người dân trong thôn nhà nào cũng có vườn mà lại để, cho cỏ dại mọc um tùm như thế, sao không trồng rau để cải thiện bữa ăn? Anh Sỉ cho biết: “Bà con không biết vun luống, trồng rau đâu. Mà cũng chả biết mùa nào thì trồng rau gì ấy. Mấy lần mua hạt rau ở chợ về gieo mà có thấy nó lên đâu. Đất thì cằn cỗi, nước thì phụ thuộc vào ông trời nên chắc rau nó không sống được. Chỉ có một loại rau Bao (thân cỏ, lá dẹt hình bầu dục, vị đắng), là được ăn quanh năm thôi, không phải làm luống hay tưới nước gì cả, cứ quãi hạt xuống là nó tự mọc lên thôi mà...”.

Thôn Hạ Sơn có 58 hộ, 333 khẩu với 2 dân tộc cùng sinh sống là Pà Thẻn và La Chí, trong đó 100% hộ nghèo và cận nghèo. Trước đây, các hộ này di cư từ nơi khác đến vào những năm 1970, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, các hộ đã định cư tại đây thành 2 thôn Thượng Sơn và Hạ Sơn. Do nhận thức còn hạn chế, người dân vẫn quen tập quán sản xuất, sinh hoạt cũ nên cuộc sống của họ bấp bênh và năm này qua năm khác vẫn thuộc diện “nghèo bền vững”...

Đến cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy...

Theo lãnh đạo địa phương nguyên nhân khiến cho cuộc sống của 112 hộ dân ở 2 thôn Thượng Sơn và Hạ Sơn bao năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ” là do trình độ nhận thức của còn hạn chế, lười lao động, không có chí hướng phấn đấu vươn lên; hơn nữa điều kiện thiên nhiên lại khắc nghiệt, đất canh tác không màu mỡ, chủ yếu là đất đồi chỉ trồng được ngô, sắn và cây lâm nghiệp, đất trồng lúa ít nên tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra.

 Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình, Hoàng Việt Chông cho biết: “Do nhận thức của người dân ở 2 thôn này còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc vận động bà con phát triển kinh tế cũng khó khăn không kém do đại bộ phận người dân lười lao động, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp phân công từng cán bộ và các ngành, đoàn thể xuống tận thôn để giúp nhân dân; giao cho Hội Phụ nữ hướng dẫn chị em cách vun luống, gieo hạt, tưới nước, bón phân để trồng các loại rau xanh cải thiện bữa ăn; giao Hội Nông dân tiến hành xây dựng lò đốt rác, hướng dẫn nhân dân phân loại rác thải, vệ sinh môi trường để đảm bảo môi trường sống trong lành, tránh phát sinh dịch bệnh; Đoàn Thanh niên hỗ trợ bà con mở mới, tu sửa các tuyến đường liên thôn để thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Đồng thời, phân công mỗi cán bộ phụ trách 1 – 3 hộ, có trách nhiệm vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp...”.

Từ đầu năm đến nay, thị trấn đã mở 1 lớp xóa mù chữ cho bà con, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân để có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhận định, đối với 2 thôn Thượng Sơn và Hạ Sơn sẽ tập trung phát triển chăn nuôi dê, lợn và trồng cây lâm nghiệp vì địa hình dốc, đất đai cằn cỗi khó có thể trồng cây lương thực được. Đồng thời, các ngành, đoàn thể hướng dẫn nhân dân thủ tục để vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình.

“Phải nói, đây thực sự là một cuộc “cách mạng” vì thay đổi được tư duy, nhận thức của bà con nơi đây không hề dễ dàng và không thể một sớm, một chiều. Người dân họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, lúc thiếu ăn thì vào rừng hái măng, đào củ mài. Vì thế, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và mỗi cán bộ phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, “cầm tay chỉ việc” cho bà con để người dân thay đổi nhận thức, tích cực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới...” – Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình, Hoàng Việt Chông cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh quan tâm, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi

BHG - Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi (NCT) luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở coi trọng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đảm bảo an sinh xã hội.

30/09/2017
Lễ phát động hiến máu tình nguyện năm 2017

BHG - Ngày 28.9, tại Trung tâm VHTT&DL huyện, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động hiến máu tình nguyện lần thứ nhất năm 2017. 

29/09/2017
Khai giảng khóa bỗi dưỡng Kỹ năng phỏng vấn báo chí

BHG - Ngày 29.9, tại thành phố Thái Nguyên, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai giảng Khóa bồi dưỡng Kỹ năng phỏng vấn báo chí. 

29/09/2017
Bệnh dại và những biện pháp phòng ngừa

BHG- Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại là chó, mèo lên da bị tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 95 - 97%) sau đó là mèo; người đã phát bệnh dại hầu hết là tử vong.             

28/09/2017