Người dân thôn Đông Mơ và Bản Sương bao giờ... được sử dụng điện?

08:34, 07/09/2017

BHG - Công trình cấp điện thôn Đông Mơ và Bản Sương, xã Đông Minh (Yên Minh) được phê duyệt đầu tư và thực hiện thi công từ những năm 2009, 2010. Sau rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri 2 thôn và cấp ủy, chính quyền xã Đông Minh cùng nhiều bài viết phản ánh về tình trạng chậm tiến độ, thi công ì ạch của công trình này, chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị thi công công trình đã không ít lần “hứa lên, hứa xuống” với người dân về thời gian hoàn thành công trình và đóng điện phục vụ nhân dân. Nhưng đến nay, người dân hai thôn này vẫn phải dùng đèn dầu hoặc kéo nhờ điện từ các hộ dân thôn khác cách đó 2 -  3 km (!). Không biết bao giờ công trình này mới hoàn thành và đóng điện?!

Dù đường điện được kéo từ năm 2011 đến nay nhưng gia đình anh Nông Văn Đoàn, thôn Đông Mơ vẫn phải dùng đèn dầu mỗi tối.
Dù đường điện được kéo từ năm 2011 đến nay nhưng gia đình anh Nông Văn Đoàn, thôn Đông Mơ vẫn phải dùng đèn dầu mỗi tối.

Chính người viết bài tháng 4.2016 đã phản ánh về công trình cấp điện ở 2 thôn này. Đây là công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 30a với tổng kinh phí sau khi điều chỉnh trên 5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ cấp điện cho gần 60 hộ dân của 2 thôn. Ngay sau khi bài viết được đăng tải trên Báo Hà Giang, đại diện chủ đầu tư – Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên minh đã trả lời sẽ bố trí thêm vốn cho đơn vị thi công (Công ty TNHH Việt Hải – Hà Giang) và khi có vốn, chỉ thi công trong 1 tháng sẽ hoàn thành, bởi thời điểm đó công trình đã đạt 90% khối lượng. Nếu đơn vị thi công không hoàn thành, chứng tỏ năng lực quá kém và sẽ kiên quyết đổi nhà thầu thi công khác. Đến nay đã hơn 1 năm, dù người dân phản ánh đơn vị thi công đã thực hiện thêm nhiều hạng mục dở dang nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành để cấp điện cho dân. Chủ tịch UBND xã Đông Minh, Mùng Văn Tiên, cho biết: “Từ khi công trình cấp điện cho 2 thôn Đông Mơ và Bản Sương thi công đến nay, người dân và xã đã không biết bao nhiêu lần kiến nghị về tiến độ thi công của công trình. Ngay trong Kỳ họp thứ 3 - HĐND huyện Yên Minh (nhiệm kỳ 2016 – 2021) vừa qua, kiến nghị này đã được trả lời công trình sẽ hoàn thành trong tháng 7. Để phục vụ việc đóng điện, không ít lần các đơn vị yêu cầu xã phải phát quang các loại cây đảm bảo an toàn đường dây, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành để cấp điện cho dân”.

Một số hộ dân Bản Sương không thể chờ công trình điện hoàn thành đã tự đóng góp kéo đường điện (Trong ảnh: Đường điện được mắc nhờ vào cột điệt của đường điện Dự án).
Một số hộ dân Bản Sương không thể chờ công trình điện hoàn thành đã tự đóng góp kéo đường điện (Trong ảnh: Đường điện được mắc nhờ vào cột điệt của đường điện Dự án).

Trực tiếp trao đổi với một số hộ dân thôn Đông Mơ và Bản Sương, chị Vàng Thị Cha, thôn Bản Sương cho biết: Vì không thể đợi công trình này hoàn thành, những năm trước gia đình tôi và một số hộ dân trong thôn đã tự đóng góp kinh phí kéo điện ở một số hộ dân thôn khác cách cả cây số về dùng mấy năm nay. Do các hộ dân còn khó khăn, không có nhiều kinh phí kéo đường dây và dựng cột kiên cố nên đường điện đã xuống cấp, gây tiêu hao điện và tiềm ẩn nguy hiểm. Những tưởng công trình sẽ sớm hoàn thành, song đợi mãi vẫn không thấy. Vì vậy, vừa rồi chúng tôi lại phải góp mỗi hộ hơn 1 triệu đồng kéo đường điện mới để đảm bảo an toàn.

Không được may mắn như những hộ dân thôn Bản Sương, anh Hoàng A Páo và Nông Văn Đoàn, thôn Đông Mơ, than thở: Đường điện 0,4 kv kéo về thôn chúng tôi từ năm 2011 đến nay, nhưng điện chẳng thấy đâu. Đường dây điện không sử dụng, phơi mưa, nắng nên giờ cũng mục, hỏng rồi. Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn phải dùng đèn dầu, xay ngô bằng tay... Nhà nào có điều kiện thì mua được cái ắc quy để mỗi tối dùng 2 đến 3 tiếng ăn cơm và cho con học bài hay sạc điện thoại phục vụ liên lạc, nhưng vài ngày lại phải đi sạc ắc quy nhờ, mỗi lần sạc cũng mất 5 – 10 nghìn đồng. Nguồn nước sinh hoạt trong thôn ở xa và thấp nên muốn có nước dùng nhiều hộ vẫn phải mang can đi xách do không có điện để dùng máy bơm nước về. Năm 2016, thấy bảo điện sẽ được đóng và cấp đến. Năm nay cũng nói thế nhưng giờ đã gần cuối năm vẫn vậy(!).

Câu hỏi của các hộ dân và cấp ủy, chính quyền xã Đông Minh cũng là câu hỏi mà Báo Hà Giang rất muốn có câu trả lời từ chủ đầu tư dự án này.

Người dân Đông Mơ và Bản Sương rất muốn có điện để mua các loại máy cơ giới sử dụng cho đời sống nhưng hiện tại họ vẫn phải dùng bằng tay (Trong ảnh: Người dân Đông Mơ say ngô bằng tay).
Người dân Đông Mơ và Bản Sương rất muốn có điện để mua các loại máy cơ giới sử dụng cho đời sống nhưng hiện tại họ vẫn phải dùng bằng tay (Trong ảnh: Người dân Đông Mơ say ngô bằng tay).

 LƯƠNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất

BHG - Tình huống 1: Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở những khu vực đã dự kiến trước.

Các hoạt động ứng phó khẩn cấp cần thực hiện:

31/08/2017
Chuẩn hóa công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

BHG - Với nội dung cô đọng, xúc tích, cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (TDSKBM&TE) không chỉ là phương thức hướng đến mục tiêu chuẩn hóa công cụ TDSKBM&TE trên địa bàn tỉnh mà còn là cuốn sổ hữu ích cho mẹ bầu trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) của con từ quá trình thai kỳ đến khi con tròn 6 tuổi.

31/08/2017
Người dân thôn Bản Tha tự làm cầu qua suối

BHG - Ngày 27.8, nhân dân thôn Bản Tha, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đã tự nguyện đóng góp công sức làm cầu qua suối, hưởng ứng ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường 5. 9".

31/08/2017
Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam: Trao học bổng "Chào năm học mới tươi đẹp" cho các em học sinh nghèo huyện Đồng Văn

BHG- Nhân dịp khai trương Văn phòng Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai - ichi Việt Nam tại Hà Giang; chiều 30.8, tại hội trường UBND huyện Đồng Văn, Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp" thuộc Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng "Chào năm học mới tươi đẹp" cho các em học sinh vùng khó khăn trên địa bàn huyện. Dự  buổi lễ có lãnh đạo huyện Đồng Văn, Hội Khuyến học tỉnh, đại diện Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam…

31/08/2017