Hà Giang

Đổi mới, hội nhập và khẳng định thương hiệu Khoa Báo chí

11:31, 06/06/2017

PGS,TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền trả lời phỏng vấn nhân dịp Kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí (1962 - 2017).

Thưa Giám đốc, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Khoa Báo chí đối với hoạt động đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền?

PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Có thể khẳng định rằng, ra đời từ năm 1962, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cái nôi đào tạo báo chí sớm nhất ở Việt Nam. Khoa Báo chí là một “thương hiệu” quen thuộc, có uy tín cao trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp của Việt Nam.

Suốt chặng đường 55 năm qua, Khoa Báo chí đã đào tạo hàng ngàn nhà báo có trình độ trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đáp ứng phần lớn nhu cầu nguồn nhân lực báo chí truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thông ở Trung ương, các địa phương và các cơ quan báo chí thường trú ở nước ngoài. Nhiều nhà báo từng là sinh viên Khoa Báo chí đã đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và quốc tế. Họ đã và đang góp phần không nhỏ để làm nên diện mạo của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Khoa Báo chí còn đào tạo cán nhiều bộ báo chí cho các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Thưa ông, đâu là hướng đi đối với các chuyên ngành đào tạo báo chí - truyền thông ở Học viện Báo chí chí và Tuyên truyền nói chung và với Khoa Báo chí nói riêng?

PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và trình độ dân trí ngày càng cao, các trường đào tạo báo chí buộc phải tư duy lại mô hình đào tạo của mình, phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo.

Bám sát mục tiêu “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”, có nghĩa là, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, chứ không phải cái nhà trường có, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, họ có thể tìm được việc làm và sống được bằng nghề đã được đào tạo. Chính vì vậy, chương trình đào tạo phải sát với thực tế, có tính thực hành và ứng dụng cao, giảm thiểu lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành, chỉ cung cấp cho sinh viên khối lượng kiến thức tinh gọn, căn bản và thiết yếu để làm được nghề báo (70 -80% thực hành, 20 - 30% lý thuyết).

Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đổi mới quan trọng theo cả chiều rộng và chiều sâu, có thể khái quát thành các hướng đi căn bản sau đây:

Thứ nhất, hoạt động đào tạo báo chí truyền thông phát triển theo hướng vừa chuyên biệt hoá các loại hình, như: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử... theo hướng tích hợp đa phương tiện. Xu hướng này đem lại cho người học các lựa chọn khác nhau, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Thứ hai, Học viện đã và đang xây dựng, triển khai một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế, nhằm nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên. Đây là sự thích ứng mau lẹ của Học viện trước những thay đổi của nền báo chí, trước nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao ngành báo chí - truyền thông của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông.

Thứ ba, chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Đây là con đường để Học viện đổi mới mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến. Hiện nay, Học viện hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân Quảng cáo -  Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Học viện theo phương thức nhượng quyền. Chương trình này là đòn bẩy và động lực để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, lấy sinh viên làm trung tâm.

Thứ tư, chương trình đào tạo đang chuyển dần từ phương thức đào tạo chuyên sâu có tích hợp đa phương tiện, sang hoàn toàn tích hợp đa phương tiện. Đây là sự chuyển đổi cần thiết trước xu hướng tích hợp truyền thông đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tất nhiên, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng cần có lộ trình và những giải pháp hợp lý để tránh gây ra những xáo trộn đột ngột, đồng thời bảo đảm sự toàn vẹn của hệ thống.

Được biết, thời gian gần đây Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất quan tâm đến lĩnh vực hợp tác quốc tế. Theo ông, điều kiện gì để Khoa Báo chí khẳng định trong tiến trình hội nhập đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay?

PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Nhiều năm qua, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ khá bền chặt với nhiều cơ sở đào tạo báo chí quốc tế, như: Đại học Truyền thông Trung Quốc; Đại học Truyền thông Luân Đôn, Đại học Middlsex (Vương quốc Anh); Đại học Tổng hợp Viên (Áo); Đại học Truyền thông đại chúng (Philippin); Đại học Truyền thông Stockhom (Thụy Điển); Đại học Truyền thông Bon (Đức), Tổ chức Jaika (Nhật Bản), Tổ chức Koica (Hàn Quốc)... Đây là nhân tố không thể thiếu, đã và đang được coi trọng và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay, Học viện, trong đó có Khoa Báo chí giữ vai trò chính đang triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế, cụ thể là:

- Xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao năng lực đào tạo báo chí và truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền”. Đề án này đưa các giảng viên của Học viện đi đào tạo tại Hàn Quốc, nhằm nâng cao hiểu biết thực tế của giảng viên về truyền thông và quan hệ công chúng Hàn Quốc. Giảng viên không chỉ tham gia các bài giảng trên lớp mà còn đi nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại các cơ quan truyền thông, công ty quảng cáo hay các cơ quan quảng bá chính sách của Chính phủ Hàn Quốc...

- Hợp tác chặt chẽ với Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo) để tổ chức các khóa thực tập, hội thảo và nghiên cứu chung. Hàng năm, các giảng viên và nghiên cứu sinh của Học viện sang tham gia chương trình nghiên cứu truyền thông châu Âu đương đại tại Đại học Tổng hợp Viên, báo Wiener Zeitung, Đài Truyền hình cộng đồng OKTO hay Văn phòng báo chí Liên bang... Đây là cơ hội để giảng viên Học viện tăng cường tri thức, đồng thời phát triển tư duy quốc tế, mở rộng các chủ đề nghiên cứu.

- Triển khai nhiều hoạt động khoa học và nghiên cứu quốc tế về các chủ đề trọng tâm. Đề tài “Nghiên cứu năng lực truyền thông vì sự phát triển của xã hội” được triển khai với 8 trường đại học ở Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Đức và Áo, nhằm nghiên cứu quốc tế về truyền thông chính sách và năng lực truyền thông với các đối tác châu Á và châu Âu..

Để khẳng định vị thế của mình trong tiến trình hội nhập đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, Khoa Báo chí cần đảm bảo những điều kiện căn bản sau:

Thứ nhất, phát triển đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuẩn hóa, có trình độ tiến dần lên đẳng cấp khu vực và quốc tế, như: có bản lĩnh chính trị, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, có kỹ năng giao tiếp tốt để mở rộng các mối quan hệ xã hội uy tín, sẵn sàng hợp tác quốc tế khi có cơ hội.

Thứ hai, có chương trình đạo tạo chuẩn, hiện đại và tương đối mở để có thể thích ứng với sự thay đổi không ngừng của nhu cầu xã hội. Theo đó, cần có bộ giáo trình chuẩn, luôn được cập nhật tri thức mới. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cũng phải thường xuyên đổi mới, đầu tư theo hướng chất lượng cao.

Thứ ba, xây dựng được mối quan hệ “cung - cầu” tương đối ổn định và hiệu quả giữa cơ sở đào tạo báo chí truyền thông - Khoa Báo chí, với cơ quan sử dụng lao động là các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông.

Điều cốt lõi làm nên thương hiệu đào tạo báo chí - truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đó có Khoa Báo chí, đó là gì, thưa ông?

PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Để có được thương hiệu và uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học như hiện nay (thể hiện qua lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm sau luôn cao hơn năm trước, mặc dù điểm chuẩn đầu vào rất cao, tỷ lệ cạnh tranh rất lớn), phải kể đến những nhân tố cơ bản sau đây:

Thứ nhất, trước sự phát triển nhanh chóng, đổi mới mạnh mẽ của báo chí nước ta, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm và tạo điều kiện cho công tác đào tạo báo chí phát triển. Đảng ta có nhiều chủ trương, định hướng đúng cho công tác đào tạo; Nhà nước đầu tư ngân sách và cơ sở vật chất tốt hơn, xã hội theo dõi sát sao quá trình và chất lượng đào tạo. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy và học tập của sinh viên ngành Báo chí.

Thứ hai, điều căn bản nhất vẫn là chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ngày càng được nâng cao, giảng dạy gắn với làm nghề. Tôi cho rằng, giảng viên Khoa Báo chí tuy khá trẻ về tuổi đời nhưng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với nghề nghiệp, rất năng động, vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa đi học nâng cao trình độ, vừa hướng dẫn luận văn, luận án, viết và biên soạn giáo trình, vừa sử dụng khả năng ngoại ngữ của mình để dịch và biên soạn nhiều tài liệu báo chí nước ngoài có giá trị để nghiên cứu. Mặc dù không làm chính thức ở cơ quan báo chí nhưng không có giảng viên báo chí nào lại chưa trải qua làm báo. Các giảng viên vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa thực hành tác nghiệp báo hằng ngày ở các tòa soạn. Hàng năm, giảng viên Khoa Báo chí đều được bố trí đi thực tế dài hạn ở các cơ quan báo chí trong cả nước. Học viện hiện nay cũng như một “cơ quan báo chí”, vì có đầy đủ các cơ sở thực hành: với 1 tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, 1 website Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ajc.hcm.vn),  1 website: Sóng trẻ (songtre.vn), 1 website Báo chí với trẻ (cmvn.vn), 1 tòa soạn Đặc san Báo chí Trẻ, 1 studio truyền hình, 1 studio phát thanh…được trang bị hiện đại. Thầy và trò có điều kiện trực tiếp làm nghề, sản xuất các sản phẩm truyền hình, phát thanh, tờ báo in, trang web... ngay tại Học viện.

Thứ ba, chương trình đào tạo báo chí luôn được cập nhật và đổi mới cho phù hợp với thực tế. Nhìn lại con số nhà báo đã trưởng thành, thành danh từ mái trường Học viện, có thể khẳng định rằng, việc cải tiến liên tục chương trình đào tạo là điều kiện “cần” và rất quan trọng để giữ vững thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện.

Tuy nhiên, Học viện cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức, đó là số chuyên gia ngành báo chí vẫn còn ít và được bổ sung chậm. Chính vì vậy, việc cập nhật tri thức mới cho bộ giáo trình chuẩn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng giảng viên kiêm nhiệm từ bên ngoài tuy nhiều nhưng không thể sử dụng thường xuyên, vì phụ thuộc vào kế hoạch làm việc chính của họ ở cơ quan.

Thứ tư, từ nhiều năm nay, Khoa Báo chí đã gây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí - truyền thông trong cả nước. Các cơ quan báo chí này là nơi để sinh viên thực hành rèn nghề báo trong những năm học trong trường. Đây cũng là nơi “sàng lọc”, kiểm định sản phẩm đào tạo.

Trong thời gian tới, Học viện và Khoa Báo chí sẽ tổ chức nhiều hình thức định hướng nghề nghiệp như: giáo dục, tư vấn cá nhân, diễn đàn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm của những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các khóa… để sinh viên có quan niệm đúng hơn về chọn nghề, chọn việc sau khi tốt nghiệp…

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

 

Hà Nội, ngày 3/5/2017

Thực hiện: THS. NGUYỄN THỊ HẰNG THU

(Giảng viên Khoa Báo chí) 

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phẫu thuật cho 137 trẻ em khuyết tật năm 2017

BHG- Từ ngày 29.5 - 3.6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật - Ủy ban Quốc tế Hà Lan II, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh tổ chức phẫu thuật cho 137 trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

31/05/2017
Xâm hại tình dục trẻ em: Nhận diện nguyên nhân

BHG- Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc mà các bậc phụ huynh cũng vô cùng lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em gia tăng đột biến và ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, xã hội cần khỏa lấp những "kẽ hở" trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

31/05/2017
Hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"

BHG- "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2017 được triển khai từ 15.4 đến 15.5 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu". Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo (BCĐ) VSATTP tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các ngành, cấp, công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm ATVSTP đạt nhiều kết quả.

31/05/2017
Dấu ấn sức trẻ huyện Xín Mần

BHG- Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, nhiệm kỳ 2012 - 2017 đánh dấu nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Huyện đoàn Xín Mần và để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong các phong trào phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp và phong trào thanh, thiếu nhi... góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh, xây dựng quê hương Xín Mần ngày càng phát triển trong thời kỳ hội nhập.

30/05/2017