Nàng Cút vẫn nghèo vì... đông con (!)

09:00, 06/05/2017

BHG - Chạng vạng chiều tháng 4, con đường đất lầy lội chạy giữa thôn Nàng Cút, xã Thu Tà (Xín Mần) càng trở nên khó đi bởi đám trẻ con chơi trò đuổi bắt và đàn lợn đen được thả rông chạy nháo nhác. Vừa tới thôn, chúng tôi gặp một đám trẻ nheo nhóc, nhem nhuốc, thấy người lạ đến, chúng vội vàng bỏ chạy. Hỏi ra mới biết đó là 5 đứa con của vợ chồng anh Sùng Seo Phình. Đến đây, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những phận đời cứ mải miết bơi trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát: Nghèo – đông con – càng đói nghèo.

Thực tế việc đông con, đói nghèo ở Nàng Cút dẫn đến việc trẻ em ở đây không được chăm sóc đầy đủ, dễ bỏ học giữa chừng. Trong ảnh: Trẻ em Nàng Cút.
Thực tế việc đông con, đói nghèo ở Nàng Cút dẫn đến việc trẻ em ở đây không được chăm sóc đầy đủ, dễ bỏ học giữa chừng. Trong ảnh: Trẻ em Nàng Cút.

Anh Sùng Seo Phù, Trưởng thôn Nàng Cút, cho biết: “Thôn có 43 hộ với 230 khẩu, 100 % dân tộc Mông thì có 2 hộ cận nghèo, còn lại là nghèo hết. Nguyên nhân do đông con, không có điện, thời tiết khắc nghiệt, điểm trường không có, đang mượn trụ sở thôn, lớp học cũng xuống cấp rồi. Gia đình sinh 2 đến 3 con trong thôn chỉ có vài hộ, còn lại đa số đẻ 5 đến 6 đứa con, nhà nhiều nhất hơn 10 đứa. Đông con nên bữa ăn cũng thường chỉ có cơm với rau rừng nấu canh, vẫn nhận đều trợ cấp gạo hàng tháng của Nhà nước”.

Căn nhà trình tường rộng chưa đầy 30m2, xung quanh được ghép lại bởi những tấm ván gỗ, tre nứa là nơi trú ẩn của 7 con người nhà anh Sùng Seo Sấn. Chúng tôi đến nơi, không thấy bố mẹ đâu, 5 đứa con của anh chị ù té chạy và khóc vì gặp người lạ. Được một lúc, tôi sang nhà hàng xóm thì thấy anh Sấn. Quá trưa hơn 12 giờ, tôi vẫn thấy anh Sấn đi chơi loanh quanh nhà bên cạnh, tôi ngỏ ý hỏi, vợ anh không ở nhà, anh không về nấu cơm cho con ăn à? Anh nói: “Đi làm nương về trước, vợ làm đến tối mới về, nghe nhà báo đến, tôi ra nhà trưởng thôn xem, 2 vợ chồng đi làm nương từ sớm, cơm thì nấu một nồi to để từ sáng, 5 đứa con ai ăn thì lấy thôi, nấu làm gì nhiều. Mà ở đây, nhà nào bố mẹ cũng đi làm nương từ 6 giờ sáng, con nhỏ thì cõng theo, mang cơm nắm lên đồi ăn, trưa không về vì nương xa, làm đến 6 giờ tối về. Con thì đứa lớn hơn cứ để ở nhà tự chơi với nhau thôi. Mình thì sinh năm 1987, vợ sinh năm 1989. Nhà có 3 con trai, 2 gái. Con gái lớn sinh năm 2006, nó học hết lớp 5 bỏ học rồi”.

Chúng tôi tiếp tục đến gia đình ông Sùng Seo Lình, sinh năm 1967 và vợ là bà Cháng Thị Đớ, ông sinh được 13 đứa con thì đẻ ra bị ốm chết 3 đứa, hiện còn 10 đứa con, trong đó có 5 con trai, 5 con gái. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, hằn nếp nhăn của người vợ, không ai nghĩ bà sinh năm 1977, cái tuổi nếu được sống ở điều kiệp tốt hơn, bà trông sẽ trẻ hơn rất nhiều. Cả 2 ông bà đều không nói được tiếng phổ thông, chỉ có các con. Anh con cả Sùng Seo Dí, sinh năm 1995 đã có vợ và 2 con cho biết: “Bố mẹ mình lấy nhau khổ lắm, quanh năm làm quần quật vài nương ngô, lúa không đủ ăn, lại còn bảo đẻ nhiều cho đông vui, có người làm nương, hầu hết các em mình bỏ học giữa chừng, có mình được ra ngoài đi học nhiều nhất ở trường Nội trú hết lớp 12. Vì thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc nên mẹ mình đẻ con ra chết mất 3 người. Biết là khổ, nên đến đời mình chỉ đẻ 2 đứa con thôi”.Theo tìm hiểu được biết, ở Nàng Cút có nhóm 9 hộ với 46 khẩu theo hệ phái tin lành, nên việc tiếp cận tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho bà con ở đây gây khó khăn với cán bộ dân số. Cùng quan niệm “đẻ được thì nuôi được”, trình độ dân trí thấp nên người dân nhận thức kém. Với họ, sinh con nhiều, khó khăn thì được hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều chế độ chính sách như giảm tiền học cho con, trợ cấp gạo... Thế là sinh ra tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Anh Lù Văn Xưởng, cán bộ chuyên trách dân số xã Thu Ta, cho biết: “Xã đã tích cực vận động các hộ, chị em trong độ tuổi sinh đẻ dùng các biện pháp tránh thai nhưng kết quả đạt được ở Nàng Cút còn quá thấp. Hầu như bà con đều hiểu rõ việc sinh đông con sẽ nghèo, nhưng họ vẫn cứ đẻ. Đẻ nhiều vì muôn vàn lí do, nào là đẻ cho đông vui, có con trai nối dõi...”

Vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học cứ bám riết lấy người dân. Đôi vai gầy guộc nhỏ bé của các em cũng phải gánh một phần nỗi lo cơm áo. Chia tay Nàng Cút, cơn mưa chiều nặng hạt dần theo những nếp nhà chúng tôi qua. Cuộc sống cứ âm thầm trôi. Các ông bố bà mẹ phía sau những căn nhà trình tường lụp xụp ấy vẫn cứ tiếp tục sinh con, những đứa trẻ cứ ra đời... Thiết nghĩ cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành về việc tăng cường công tác truyền thông DS-KHHGĐ theo nội dung, hình thức phù hợp với phong tục, tập quán từng địa phương, để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân.

Bài, ảnh: MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Tháng công nhân" - Ngày hội hướng về người lao động

BHG - Từ năm 2012, thực hiện kết luận của Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc lấy tháng 5 hàng năm là "Tháng Công nhân" với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; trong những năm qua, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh đã tổ chức phát động và thực hiện hiệu quả chủ trương này.

29/04/2017
Ngày hội việc làm huyện Yên Minh năm 2017

BHG - Sáng 27.4, huyện Yên Minh đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm năm 2017. Tham dự ngày hội, có Thường trực HĐND-UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện; đại diện các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đông đảo người lao động trên địa bàn huyện.

27/04/2017
Bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

BHG - Ngày 25.4, tại Công ty Điện lực Hà Giang đã diễn ra Lễ bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Giang.

26/04/2017
Khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ năm 2017

BHG - Sáng 26.4, Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ năm 2017. Tới dự có lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện Trường Chính trị, các giảng viên và đông đủ học viên.

26/04/2017