Vướng mắc trong bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn ở Vị Xuyên

08:38, 02/03/2017

BHG - Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ điện, bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định. Thế nhưng, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Vị Xuyên vẫn còn nhiều công trình lưới điện hạ áp nông thôn (công trình điện) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành. Việc bàn giao lưới điện cho ngành Điện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trưởng thôn Lùng Chư Phùng trao đổi với phóng viên.
Trưởng thôn Lùng Chư Phùng trao đổi với phóng viên.

Hiện nay trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 4 công trình điện được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang, đó là: Công trình điện đường dây ĐDK 22 kV, Trạm biến áp (TBA) Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân; ĐDK 35 kV, ĐZ 0,4 kV và TBA Nậm Lầu, xã Xín Chải; ĐDK 35 kV, ĐZ 0,4 kV và TBA Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải; ĐDK 35 kV, ĐZ 0,4 kV TBA Nậm Tà, TBA Nậm Lịch xã Thanh Đức. Qua kiểm tra của ngành Điện, các công trình này đều không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn để đóng điện đưa vào vận hành. Điều này trực tiếp gây khó khăn trong việc sử dụng điện cho nhiều hộ dân 4 xã trên và khó khăn chính cho chủ đầu tư là Sở Công thương và ngành Điện quản lý.

Năm 2015, 24/27 hộ dân ở thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải đã đăng ký sử dụng điện. Điện về, bà con phấn khởi khi được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó có 11 hộ được dùng điện, nhưng bà con phải mua với giá cao, và gần đây công trình điện bị hỏng không được sửa chữa, bà con không có điện dùng. Anh Giàng Seo Cháng, quản lý đại diện công tơ của các hộ dân thôn Lùng Chư Phùng cho biết: “Điện về, bà con mua nhiều đồ sử dụng điện lắm, cuộc sống đỡ vất vả, tiện hơn nhiều. Nhưng gần đây, đường dây từ công tơ tổng đến các gia đình đã bị hỏng, công tơ bị kẹt, thậm chí có những công tơ cũ không quay được. Đến nay chưa được sửa chữa. Bà con phải nộp tiền tôi thu từ tháng 5.2016 được có 100 nghìn đồng, chịu tổn thất 10%, giá điện mua cũng cao hơn giá ngoài thành phố nữa”. Trưởng thôn Lùng Chư Phùng, Giàng Seo Xìa cho biết: “Trong quá trình vận hành đường dây từ công tơ tổng về thôn, đường dây dài, bị hỏng hóc. Nên khi mua điện các hộ dân phải gánh phần thất thoát điện năng. Trong khi đời sống bà con còn nghèo, khó khăn lắm”.

Trạm biến áp thôn Lùng Chư Phùng tại xã Lao Chải chưa được bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý.
Trạm biến áp thôn Lùng Chư Phùng tại xã Lao Chải chưa được bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý.

Đồng chí Lý Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Xuyên cho biết: “Hiện tại huyện Vị Xuyên có 2 công trình điện thôn Làng Má, xã Đạo Đức và thôn Ngài Là Thầu, xã Lao Chải do Ban Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường bộ làm chủ đầu tư. Sau thời gian khai thác sử dụng đều đã bị hỏng hóc. Hà Giang thường xuyên xảy ra thiên tai mưa lũ, gió lốc, sét, gây thiệt hại đối với các công trình điện. Khi xảy ra sự cố, huyện Vị Xuyên phải bỏ chi phí không ít để sửa chữa, khắc phục. Hàng năm ngành Điện vẫn tiếp nhận những vấn đề liên quan và trước khi bàn giao các công trình này cho ngành Điện quản lý chúng tôi vẫn có sự phối kết hợp kiểm tra giữa các bên”.

Cuối năm 2015, căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh Hà Giang xem xét phê duyệt danh mục 28 công trình điện đã hoàn thành và định giá tài sản để UBND các huyện bàn giao cho ngành Điện. Tuy nhiên, việc bàn giao này lại gặp vướng mắc vì các địa phương có nhu cầu bàn giao công trình lưới điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến của Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan, mới có cơ sở hướng dẫn thực hiện. Trong Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận vốn, tài sản sau đầu tư, quản lý vận hành và bán điện đến hộ gia đình theo các quy định hiện hành”. Tuy nhiên các Bộ, ngành liên quan như Tài chính, Công thương chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức hoàn trả vốn (theo hình thức ghi tăng tài sản bên nhận và ghi giảm tài sản bên giao, hay hình thức ngành Điện phải trả lại vốn đầu tư cho ngân sách). 

Đồng chí Vũ Hồng Quang, Giám đốc Điện lực huyện Vị Xuyên cho biết: “Khó khăn trong bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý là do tiền Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình điện, nên kinh phí sửa chữa, vận hành sẽ tăng và chờ lâu, nếu được giao hết cho ngành Điện đầu tư, quản lý thì sẽ dễ dàng hơn. Hiện tại vốn đầu tư các công trình điện vẫn do Sở Công thương làm chủ đầu tư. Hệ thống lưới điện có một số tuyến cấp điện cho trên 12.000 khách hàng ở Vị Xuyên vào mùa mưa bão hay xảy ra sự cố mất điện, bị sét đánh và mưa bão làm hỏng đường dây. Việc bàn giao tài sản còn nhiều vướng mắc”.

Có điện đồng nghĩa với việc thắp lên hy vọng đổi thay ở những thôn, bản vùng xa của Hà Giang. Bà con sẽ được tiếp cận với những kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học - công nghệ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trẻ em không phải học tập bên ngọn đèn dầu. Tuy nhiên, Hà Giang là một tỉnh biên giới, địa bàn dân cư thưa thớt, rất khó thu hút vốn để đầu tư lưới điện. Thiết nghĩ, rất cần các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về phương thức bàn giao và hoàn trả vốn với những công trình điện nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách cho ngành Điện nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành lưới điện và người dân vùng cao được sử dụng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước.

Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ghi nhận ở Bệnh viện Đa khoa Quang Bình

BHG- Đi lên từ một Phòng khám Đa khoa khu vực, sau 10 năm chính thức thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình đã áp dụng hàng loạt phương pháp điều trị tiên tiến của ngành Y học trong nước và quốc tế để trở thành điểm thu dung người dân đến khám và chữa bệnh ở khắp mọi nơi. Vậy làm thế nào để có được đội ngũ thầy thuốc có "Tâm – Tài" được nhân dân tin tưởng như hiện nay?

28/02/2017
Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

BHG- Ngày 27.2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

28/02/2017
Huyện đoàn Quang Bình giúp người dân tiêu thụ cam sành Hà Giang

BHG - Thời gian qua, Huyện đoàn Quang Bình phối hợp với Tỉnh đoàn và Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn triển khai chiến dịch hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cam sành Hà Giang.

28/02/2017
UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, tôn vinh thầy thuốc nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2

BHG - Chiều 27.2, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức gặp mặt, tôn vinh thầy thuốc nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2017). Đến dự có các đồng chí: Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chi Lăng, nguyên Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; 

27/02/2017