Để một mùa Trung thu an toàn

07:21, 11/08/2016

BHG- Bánh Trung thu là món ăn được nhiều người ưa thích và không thể thiếu mỗi dịp Rằm tháng 8. Đây cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều sản phẩm bánh bị làm giả, làm nhái và mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đây cũng là nỗi lo ngại của người tiêu dùng.

Khách chọn mua bánh Trung thu tại cửa hàng Nhật Cường.
Khách chọn mua bánh Trung thu tại cửa hàng Nhật Cường.

Hơn 1 tháng nữa mới đến Trung thu, nhưng tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Giang đã bắt đầu bán bánh Trung thu từ rất sớm. Theo chị Nguyễn Thị Lệ Nhật, chủ cửa hàng tạp hóa Nhật Cường cho biết: “Nhà chị đã nhập hơn 20 triệu tiền bánh Trung thu từ giữa tháng 7, chủ yếu của các hãng như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... Cũng theo quản lý siêu thị Hồng Hà anh Phạm Ngọc Khánh cho biết thêm: “Bánh Trung thu năm nay khá đa dạng về mẫu mã và hương vị. Người tiêu dùng cũng bắt đầu mua bánh nhiều, chủ yếu là để ăn thử và làm quà. Giá bánh Trung thu năm nay cũng tuỳ theo từng loại, rẻ nhất là gần 40 nghìn/cái, đắt nhất từ 2-3 triệu đồng/ cặp”. Nhưng chỉ nhìn vào giá thành cũng không thể đánh giá được bánh Trung thu có ATVSTP hay không.

Bánh Trung thu nhiều năm trở lại đây không chỉ đơn thuần là có bánh dẻo và bánh nướng theo kiểu truyền thống. Nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường các loại bánh có mầu sắc hấp dẫn, hình thù lạ mắt như các con vật, nhân vật hoạt hình... nhắm vào đối tượng trẻ em. Việc sử dụng màu thực phẩm, chất phụ gia độc hại trong các sản phẩm này là rất khó kiểm soát. Thêm nữa trên bao bì một số sản phẩm thông tin sơ sài, không đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Giang cho biết: Bánh Trung thu là loại bánh chỉ sản xuất đặc thù theo thời vụ, không bảo quản được lâu. Nhân bánh làm từ thịt, trứng, lạp xườn... khi gặp môi trường ô nhiễm rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, khâu bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng. Cũng không thể nhìn vào giá thành để đánh giá chất lượng sản phẩm. Bánh Trung thu an toàn cần đảm bảo các tiêu chí như: Có giấy tờ chứng nhận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về bao bì phải có đầy đủ tem, mác; có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng; ghi rõ thành phần và chỉ tiêu chất lượng. Không bị ẩm mốc, bao bì nguyên vẹn. Người tiêu dùng cũng nên dựa vào những lưu ý này để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Trên địa bàn thành phố Hà Giang hiện nay có hơn 200 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó có hơn 10 cơ sở sản xuất liên quan đến phục vụ Trung thu như sản xuất bánh, kẹo... Theo nhận xét của ông Chưởng, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố về cơ bản làm đúng tiêu chuẩn, nguyên liệu đảm bảo, chủ cơ sở cũng ý thức được tầm quan trọng của công tác ATVSTP. Được biết, Chi cục ATVSTP đã lên danh sách các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, tiến hành kiểm tra, đánh giá nếu đạt sẽ cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn chất lượng sản xuất. Trên thị trường Hà Giang cũng chưa phát hiện bánh Trung thu bị làm giả, làm nhái.

Để giảm thiểu hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh gây ngộ độc trong Tết Trung thu năm nay. Cục ATVSTP đã xây dựng các biện pháp đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Trung thu và năm học mới 2016-2017. Theo đó, Cục sẽ phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo ATVSTP của tỉnh. Cuối tháng 8, sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra mạnh mẽ; tuyên truyền giáo dục, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm tại các cơ sở chế biến kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, cửa hàng bán lẻ và thực hiện ký cam kết ATTP. Đơi với các mặt hàng được sử dụng nhiều trong Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu... cần kiểm tra chặt chẽ. Nhất là đối với các huyện vùng cao, trình độ dân trí của người dân còn thấp, chưa biết phân biệt đâu là hàng có chất lượng đảm bảo, đâu là hàng không an toàn.

Mong rằng, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất trong việc bảo vệ ATVSTP, Tết Trung thu năm nay người tiêu dùng Hà Giang sẽ được sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng.

PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tin cảnh báo mưa lớn diện rộng, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang

BHG- Theo tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 21-23 độ vĩ Bắc đang hoạt động mạnh dần lên, trên cao áp cao cận nhiệt đới đang lấn về phía tây.

10/08/2016
Ngân hàng Nhà nước tỉnh tặng bò hộ nghèo xã Lũng Pù

BHG - Ngày 9.8, tại xã Lũng Pù (Mèo Vạc), Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Lũng Pù và tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 2 hộ nghèo của xã 2 con bò để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

10/08/2016
Công điện khẩn về việc thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ

BHG – Ngày 10.8.2016, Báo Hà Giang Điện tử nhận được Công điện số 2648/CĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang gửi UBND – Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn Công điện:

10/08/2016
Sự kỳ diệu ở khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh

BHG - Đó là trường hợp của bệnh nhân nhi Lý Thị Dương thoát khỏi lưỡi hái tử thần do mắc phải căn bệnh vô cùng nguy hiểm vì sự chủ quan, sự kém hiểu biết của những người trong gia đình mang lại. Với sự tận tâm, tận sức, nêu cao Y đức của tập thể các y, bác sỹ khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, sự hồi sinh một cách kỳ diệu đã trở lại với bệnh nhi Dương trong sự vui mừng khôn xiết của cặp vợ chồng trẻ Lý Vá Lìn – Vàng Thị Le, dân tộc Mông, đến từ thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải (Vị Xuyên).

10/08/2016