Hà Giang

"Luồng gió mới" trên quê nghèo Hoàng Su Phì

10:12, 02/05/2015

BHG- Sau một năm được “tung” về 23 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, 29 đội viên trí thức trẻ thuộc Đề án số 07 của tỉnh đang dần khẳng định bản lĩnh trên vùng đất khó. 365 ngày - quãng thời gian quá ngắn để mỗi người tạo dấu ấn, nhưng những gì họ thể hiện ở cơ sở, bước đầu tạo được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và người dân.

Tích cực tham mưu:

Vừa học hỏi kinh nghiệm công tác của thế hệ cha anh đi trước, vừa vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thuộc lĩnh vực được giao... đó là những tâm tư, tình cảm, trách nhiệm chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với đội viên trí thức trẻ công tác tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Đội viên Hoàng Văn Toàn, trú xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát triển nông thôn đã tham gia Đề án 07 và được điều về phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp và khuyến nông xã Sán Sả Hồ. Lợi thế nhất của em khi về Sán Sả Hồ công tác đó là biết tiếng địa phương, hiểu phong tục sinh hoạt, tập quán canh tác. Nhưng cái khó luôn song hành, bởi tư duy sản xuất lạc hậu bám rễ lâu đời, muốn thay đổi không thể một sớm, một chiều, để người dân tin, không chỉ qua lời nói, phải chứng minh bằng hành động thực tế - Toàn chia sẻ.

Diện tích trồng ngô che phủ nilon đang khẳng định tính ưu việt so với phương pháp canh tác truyền thống.
Diện tích trồng ngô che phủ nilon đang khẳng định tính ưu việt so với phương pháp canh tác truyền thống.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Toàn đã tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, mạnh dạn vận dụng kiến thức đã học, tham mưu xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp. Minh chứng điều này, Toàn đưa tôi lên cánh đồng thực hiện mô hình trồng ngô che phủ nilon cách trung tâm xã mấy trăm mét. Khu vực thực hiện mô hình nằm cạnh đường cái lớn, thuận tiện cho người dân đến tham quan, đối chiếu với diện tích trồng ngô theo phương pháp truyền thống. Kết quả đối chiếu giữa 2 ha ngô trồng bằng phương pháp che phủ nilon và 170 ha ngô trồng truyền thống khác nhau một trời một vực. Toàn cho biết, cùng một giống ngô N4300, cùng thời gian gieo trồng, chăm sóc như nhau, nhưng diện tích ngô che phủ nilon thân cây to, vươn cao, lá dài, xanh mướt, mỗi cây có thể cho từ 2-3 bắp, còn diện tích trồng theo phương pháp truyền thống thì ngược lại. Đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu ở Sán Sả Hồ rất khắc nhiệt, đất dốc, ít mưa, từ đầu năm đến nay lượng mưa giảm hẳn so với bình quân hàng năm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc mở rộng diện tích gieo trồng và năng suất cây trồng. Thực hiện mô hình trồng ngô che phủ nilon nên giữ được độ ẩm cho đất, chất dinh dưỡng không bị bốc hơi, cây lớn nhanh hơn. Sau khi thu hoạch, xã sẽ đối chiếu thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm và mở rộng diện tích, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Cùng với Toàn, các đội viên Đề án 07 khác như Triệu Mùi Liều phụ trách nông - lâm nghiệp và khuyến nông xã Thèn Chu Phìn; Hồ Thị Phương công tác tại xã biên giới Thàng Tín... sau một năm về cơ sở đang phát huy vai trò của trí thức trẻ trên vùng đất khó. Đồng chí Sin Văn Trang, Chủ tịch UBND xã Sán Sả Hồ cho biết: Các đội viên trí thức trẻ về xã đã mang theo luồng tư tưởng, cách làm mới và đang từng bước phát huy tốt vai trò tham mưu trong hoạch định chiến lược phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, thời gian công tác chưa nhiều, nên nhiều mô hình, cách làm, tư tưởng mới chưa đủ chín muồi để phát huy hiệu quả. Để các đội viên 07 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định sức trẻ, trí tuệ, cấp ủy, chính quyền cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, như vậy cái hay, cái mới mới có cơ hội bộc lộ, phát huy.

Nỗ lực hơn nữa:

Thực hiện Đề án số 07, huyện Hoàng Su Phì có 29 đội viên trí thức trẻ  “tung” về 23 xã đặc biệt khó khăn, được phân công nhiệm vụ theo đúng chuyên ngành đào tạo. Trong đó, 23 đội viên được phân công lĩnh vực Địa chính, Nông nghiệp, Xây dựng, Môi trường, phụ trách nông - lâm nghiệp và công tác khuyến nông; 5 đội viên được phân công lĩnh vực Văn phòng thống kê, phụ trách Văn phòng HĐND - UBND, cải cách hành chính, “một cửa” và Văn thư lưu trữ; 1 đội viên được phân công phụ trách Địa chính, Giao thông, Xây dựng, TN-MT, Xây dựng Nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sự, Trưởng phòng Nội vụ Hoàng Su Phì cho biết: Ngay khi tiếp nhận đội viên Đề án 07, UBND huyện đã tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ các cơ quan phụ trách xã, các xã có trách nhiệm bố trí nơi ăn, chỗ ở, tạo điều kiện tốt cho trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã theo dõi, giúp đỡ đội viên, tạo điều kiện để đội viên nhanh chóng tiếp cận công việc, nắm bắt tình hình thôn bản, phong tục tập quán địa phương. Trong một năm công tác, trí thức trẻ về cơ sở đã tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND cùng cấp trên các lĩnh vực. Qua theo dõi cho thấy, có 1 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 22 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 5 đội viên hoàn thành nhiệm vụ và 1 đội viên chưa đủ thời gian đánh giá.

Nhận thức rõ khó khăn, thách thức khi tham gia Đề án số 07 nên đội viên trí thức trẻ luôn có lập trường, tư tưởng vững vàng, trung thành với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện rõ quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình công tác ở cơ sở cho thấy, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội viên được nâng lên rõ rệt. Các đội viên luôn tự giác tìm tòi, nghiên cứu quá trình phát triển KT-XH của địa phương, những thuận lợi và khó khăn, từ đó có định hướng đúng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Qua một năm về cơ sở, kết quả đạt được chưa nhiều, nhưng cách nghĩ, cách làm, sự nhiệt tình, trách nhiệm của trí thức trẻ, đã và đang thổi “luồng gió mới”, hy vọng tạo ra những chuyển biến tích cực trên mảnh đất nghèo Hoàng Su Phì.

Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Để người có thu nhập thấp tiếp cận gói vay 30.000 tỷ đồng

BHG-Gói cho vay của Nhà nước 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm kéo dài trong 15 năm là một cơ hội đối với những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn này để xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhằm giải quyết những khó khăn, nhất là đối với những cán bộ, CCVC, LLVT và những người lao động ở thành phố, thị trấn các huyện lỵ. Song từ khi triển khai thực hiện gói vay này, các đối tượng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

30/04/2015
Nhọc nhằn những nữ phụ hồ

BHG- Xưa nay, nghề phụ hồ được xếp vào loại công việc nặng nhọc, thường do đàn ông đảm nhiệm. Bởi, nó đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng, vì mưu sinh, ngày càng nhiều phụ nữ chọn nghề này. Người làm công việc phụ hồ phải phơi mình ngoài nắng, mưa, chưa kể những bụi bặm từ cát, đá, xi măng mà chị em còn phải thường xuyên di chuyển.

29/04/2015
Cả nước có thời tiết đẹp trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5

Miền Bắc trời mát mẻ, miền Trung phổ biến không mưa và các tỉnh Nam bộ có xu hướng giảm nắng nóng là thông tin thời tiết được dự báo trong những này cuối tháng 4 và dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5.

29/04/2015
"Mỗi trái dưa - một tấm lòng"

BHG- Với mong muốn giúp đồng bào miền Trung vơi bớt những khó khăn, chỉ trong vòng 3 ngày từ 15 đến 18.4, hơn chục tấn dưa hấu do Nhóm "Tuổi trẻ Hà Giang" liên hệ thu mua và vận chuyển được tiêu thụ hết sạch trong vài giờ đồng hồ tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Yên Minh và thành phố Hà Giang. 7.500 đồng/1kg – số tiền không lớn, nhưng đó là mồ hôi, nước mắt của người nông dân và là tấm lòng của người dân Hà Giang sẻ chia với đồng bào mình.

29/04/2015