Trên đỉnh Đán Dầu

10:10, 03/03/2015

BHG- Đán Dầu vừa là tên một thôn của xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên, vừa là tên của một ngọn núi nằm trong khu vực rừng đặc dụng Bắc Mê. Phần lớn diện tích của thôn Đán Dầu là rừng nguyên sinh nằm trong khu vực rừng đặc dụng, do đó có điều kiện hết sức thuận lợi để trồng và phát triển cây thảo quả. Đán Dầu cũng có hệ sinh thái hết sức phong phú, đa dạng, nhiều động, thực vật sinh sống, thể hiện rõ nét môi trường đặc trưng của những khu rừng nguyên sinh, mang lại nhiều lợi ích quý báu cho cuộc sống của con người.

Đoàn khảo sát của xã Kim Linh với rừng thảo quả trên đỉnh Đán Dầu.
Đoàn khảo sát của xã Kim Linh với rừng thảo quả trên đỉnh Đán Dầu.

Hành trình leo núi:

Được tin UBND xã Kim Linh tổ chức chuyến khảo sát đỉnh Đán Dầu, Chúng tôi hăm hở theo chân đoàn công tác. Xuất phát từ trụ sở UBND xã bằng xe máy, theo con đường rải cấp phối ngược núi, chúng tôi đến thôn Đán Dầu 2. Từ đấy, đoàn công tác phải đi bộ vì hết đường xe máy có thể đi được. Bấm đồng hồ, lúc này là 8 giờ, sương mù trắng trời, nhìn xuôi về phía dưới chỉ thấy những bóng cây đen xám ẩn hiện trong màn sương mờ đục. Trưởng đoàn công tác, đồng chí Lý Quảng Ba, Chủ tịch UBND xã xốc lại đội hình (thành phần đoàn công tác gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã  Bí thư, Trưởng thôn Đán Dầu, gồm 16 người) chuẩn bị tinh thần leo núi. Chúng tôi nối chân nhau ngược dốc, khi thì gò mình níu vào những gốc cây, vạt cỏ; bám vào những mỏm đá, dây leo để vượt qua những đoạn dốc hiểm trở. Có những đoạn đường độ dốc quá lớn, mặt đường trơn trượt mà không có thứ gì để bám víu thì mỗi thành viên đều phải hết sức thận trọng, bò, bám, nhích trên mặt đường từng mét một. Chúng tôi leo qua những vạt nương, luồn qua những tán rừng, lách qua những vườn đá, bỏ lại phía sau những con dốc sâu hoẳm. Trời rét là vậy mà ai nấy đều cởi hết áo khoác, lưng ướt mồ hôi, đẫm sương rừng già; đôi chân như chẳng chịu nghe lời. Câu chuyện rôm rả dưới chân núi giờ nhường chỗ cho hơi thở gấp gáp, nặng nề. Rồi đỉnh Đán Dầu cũng đến, gió núi vi vút, những hạt sương quá nặng làm trĩu tán rừng nguyên sinh, những sợi dây leo trơn trượt như không còn sức bám vào gốc chủ. Tìm một mặt bằng kha khá chúng tôi dừng lại nghỉ chân. Lúc này là 10 giờ 30 phút.

Một điểm dừng chân trước khi lên đỉnh núi.
Một điểm dừng chân trước khi lên đỉnh núi.

Niềm vui thảo quả:

Trong giờ nghỉ chân, đồng chí Hoàng Trung Kiên Bí thư chi bộ thôn cho biết: Toàn thôn có 33 hộ dân tộc Mông, trong đó có 27 hộ sinh sống tại Đán Dầu 2, số đồng bào này được di dân từ một số xã của huyện Quản Bạ; xã Minh Tân, Phong Quang, huyện Vị Xuyên về đây từ những năm 1999 – 2000. Đán Dầu 1 chỉ có 6 hộ (cũng là người Mông) bản địa. Bàn con ở đây sống chủ yếu dựa vào 28 ha ngô và 3,7 ha lúa 1 vụ và chăn nuôi, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2009, người dân được Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ trồng cây thảo quả để nâng cao thu nhập, xóa nghèo. Cả thôn có 27 tham gia trồng với diện tích 16 ha. Câu chuyện đang dở, mới nghỉ chân được khoảng 15 phút thì Trưởng thôn Vàng Kháy Thống lên tiếng: Nghỉ thế được rồi, vừa đi vừa nói chuyện nhà báo ạ. Nghỉ lâu có khi nửa đêm mới về đến xã đấy! (Quả thực, nghe xong câu này tôi “choáng” vì bây giời mới là mười rưỡi sáng mà đi chậm hay la cà một chút là “nửa đêm mới về đến xã”! Nghĩa là đường về còn rất xa. Với chiếc ba lô khoảng 20 cân trên lưng và tứ chi đau nhức thì quả là đáng ngại). Nhưng phải lên đường thôi. Vàng Kháy Thống săng sái dẫn đường, vừa đi, anh vừa nối tiếp câu chuyện trồng thảo quả ở Đán Dầu. Bác ạ! (anh nói với tôi) Giống thảo quả được mang về giao cho các hộ, có trồng đấy nhưng bà con chưa quen, chưa có kinh nghiệm, chưa nhận thức được nguồn lợi từ nó nên chăm sóc kém, không đúng kỹ thuật nên một số cây chết, số còn lại cho năng suất kém. Chỉ riêng một số hộ như nhà ông Vàng Hồ Giáo và ông Vàng Khái Thào có nhân lực, chịu khó nên vụ vừa rồi thu được gần 10 triệu đồng. Chính nguồn thu nhập từ thảo quả của 2 hộ này, tuy còn ít nhưng đã “đánh thức” được bà con thôn tôi về giá trị của cây thảo quả. Bây giờ bà con hưởng ứng mạnh lắm! Đợt này bà con đăng ký trồng được hơn 20 ha rồi đấy, đã tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rồi đấy bác ạ. Đây là tín hiệu đáng vui nhất, vì người dân đã có cách nhìn đúng đắn về hiệu quả kinh tế từ cây thảo quả. Dưới tán rừng già, chúng tôi đi xuyên qua tán thảo quả cao ngập đầu người.Vừa đi, vừa trao đổi, vừa ngắm rừng, vừa xem những khóm thảo quả được chăm sóc hết sức cẩn thận. Trưởng thôn cho biết thêm: Đây là nương nhà ông Hồ Giáo đấy, chỗ này hơn 1ha nhưng được chăm sóc tốt nên bác nhìn này, mầm rất sai. Riêng cái khóm bé bé này phải đến hơn 40 cái mầm chứ chẳng ít. Quả thực, quan sát kỹ thì khóm thảo quả nào cũng được rẫy cỏ, vun gốc tinh tươm, những chiếc mầm mon vươn lên với đầy sức sống, hứa hẹn cho một mùa quả năng suất cao. Trong bạt ngàn rừng thảo quả, đi đến đâu, Bí thư chi bộ và Trưởng thôn đều giới thiệu, đây là của nhà nào, diện tích bao nhiêu, trước thì bỏ bê ra sao, nay chăm sóc thế nào… Đi qua vùng thảo quả cũ rồi chúng tôi được dẫn đến thăm khu vực trồng mới (trong số 20 ha), cây mới trồng hơn 1 tháng, qua kiểm tra gần như sống 100%. Mải chuyện, đến Đán Dầu 1, nơi nghỉ ăn cơm trưa đã gần 12 giờ. Cả đoàn ai cũng thấm mệt, bữa cơm muộn đạm bạc mà ngon đến lạ. Đồng chí Lý Quảng Ba chép miệng: Thế là đã đi qua vùng thảo quả, đi mới thấy vùng có thể trồng được thảo quả thì còn rất nhiều, khoảng hơn 100 ha, kẹt nỗi là không có người trồng. Tới đây có thể phải huy động người dân những thôn khác đến trồng để khai thác tiềm năng của Đán Dầu.

Gỗ Đán Dầu bị đốn hạ bừa bãi.
Gỗ Đán Dầu bị đốn hạ bừa bãi.

Và nỗi buồn để lại:

Vì qua mệt, một số thành viên trong đoàn (trong đó có tôi và một số đồng chí nữ) đã tìm nhiều lý do để trì hoãn khỏi phải xuất phát sớm. Mãi đến 14 giờ đoàn mới tiếp tục lên đường. Chia tay Đán Dầu 1, chúng tôi xuôi xuống một thung lũng, thoát khỏi rừng già, cứ tưởng “cuộc đời nở hoa” nhưng lại tiếp tục đi vào “bế tắc”. Hết thung lũng lại tiếp tục leo một con dốc “ngất ngưởng” ngang ngửa với dốc từ Đán Dầu 2 lên đỉnh. Đoạn đường này thoáng đãng hơn, xuất hiện những đồi cỏ, đồi lau. Được biết khu vực này là khu vực trồng cây của Dự án 661, có diện tích khoảng 360 ha trồng cây thông và sa mộc. Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc là chủ trương đúng đắn. Nhưng, dự án được triển khai tại khu vực này đã thực hiện từ năm 2010 mà tìm mãi mới được một cây thông cao hơn nửa mét. Nhìn kỹ thì có những hom mới trồng cây sa mộc, có cây chết, cây sống. Không người chăm sóc, gia súc phá hại… Dự án đã được 5 năm mà phải trồng dặm lại lần thứ 3. Không biết có còn lần thứ 4, thứ 5 không. Đán Dầu là thôn vùng 3 của xã vùng 3, cuộc sống của bàn con còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Trong 33 hộ thì có 19 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Cả thôn chưa có điện lưới Quốc gia, con em đến trường còn nhiều gian truân… Trong hành trình xuyên rừng nguyên sinh, còn đâu đó những thân cây cổ thụ bị đốn hạ bừa bãi, máu rừng vẫn chảy mà chẳng có người xót thương… Nỗi buồn này cứ theo chúng tôi tụt dốc về đến Nà Pù, Bản Mạ, về đến UBND xã vào lúc 19 giờ 30 phút.

Ghi chép của An Dương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa tỉnh kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

BHG - Ngày 27.2, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 2015). Dự lễ kỹ niệm có lãnh đạo Sở Y tế và một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, y, bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

28/02/2015
Không khí lạnh tràn về các tỉnh biên giới phía Bắc

BHG - Nguồn tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết: Dự báo khoảng đêm mai (28/02), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

27/02/2015
Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Tiếp nhận thành công kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo

BHG- Sáng 25.2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật chuyển giao thay khớp háng nhân tạo bệnh nhân Nguyễn Thế Lịch (69 tuổi) bị gẫy liên mấu chuyển xương đùi do tại nạn giao thông vào viện hồi 12h ngày 24.2.

26/02/2015
Xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân

BHG-  Lần đầu tiên, một bé trai nặng chưa đầy 1kg chào đời ở tháng thứ 6 được cứu sống; cụ bà bị tai biến mạch máu não, rơi vào trạng thái hôn mê sâu, qua cơn nguy kịch; nhiều bệnh nhân thoát khỏi "tử thần" khi được chẩn đoán chính xác bệnh nhồi máu cơ tim để kịp thời chuyển về bệnh viện tuyến T.Ư... 

14/02/2015