Hà Giang

Dùng tiếng Mông vận động đồng bào

08:32, 25/09/2008

HGĐT- Những ngày đầu khi mới đến xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, anh Chảo Xuân Sáng, Đội trưởng Đội XDCS số 3 và anh em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


Địa bàn Đội đứng chân phần lớn là dân tộc Mông, trình độ nhận thức và hiểu biết của bà con không đồng đều, trong số đó nhiều người nghe, nói tiếng phổ thông không thành thạo, thậm chí hoàn toàn không biết nhất là trẻ em và người già. Đội được biên chế từ 1- 2 nhân viên là dân tộc Mông, số lượng quá ít nên vô cùng thiếu mỗi khi xuống cơ sở cần người phiên dịch. Có thời điểm bộ đội phải nhờ đến trưởng bản, người có uy tín đi cùng để tham gia phiên dịch và vận động. Việc làm đó khó tiến hành thường xuyên và những nội dung cần truyền đạt không đầy đủ theo ý định của cán bộ. Xuất phát từ thực trạng trên, anh em trong Đội quyết tâm tự học tiếng Mông. Người tiên phong nhất là đội trưởng Chảo Xuân Sáng. Anh là dân tộc Nùng, nhiều năm sống ở vùng núi lại gần khu vực người Mông định cư nên hiểu khá rõ về họ. Muốn bà con nghe, hiểu, tin và tự giác làm theo cách của bộ đội thì cán bộ cần phải nói chậm, dễ hiểu, dễ nhớ, lời nói sát với ngôn ngữ thường ngày bà con vẫn dùng. Việc làm cũng thế, đòi hỏi phải hướng dẫn tỷ mỉ, ngắn gọn, chỉ tận tay, làm mẫu nhiều lần, làm đi làm lại… Điều đó đã được Chảo Xuân Sáng kiểm nghiệm qua những lần họp thôn bản hoặc trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách trồng ngô, trồng lúa. Chảo Xuân Sáng học tiếng Mông qua đồng đội, học trong những lần về bản tiếp xúc với người Mông, học cả trong sách, báo, trên chương trình phát thanh tiếng Mông. Các anh còn có cách học rất độc đáo là viết những từ mới lên một khổ giấy hoặc tấm gỗ lớn rồi đặt sát tường ngay vị trí nằm để trước khi đi ngủ và sáng thức dậy nhẩm lại. Lâu dần tự cái chữ ngấm vào đầu, kết hợp nghe và nói nhiều thành ra anh nói tiếng Mông như người Mông.


Việc tự học tiếng của đồng bào như anh Chảo Xuân Sáng mặc dù đem lại hiệu quả khá lớn song thời gian để nghe, nói thành thạo rất lâu và cùng một lúc không phải ai cũng tự học được. Vì vậy những năm qua, Quân khu đã mở các lớp dạy và học tiếng Mông cho đối tượng cán bộ, chiến sỹ (CBCS) ở các đoàn kinh tế, các nông trường và những đội XDCS, tổ công tác thực hiện nhiệm vụ nơi có đồng bào Mông quần tụ. Thiếu tá Vàng Mý Chớ, Trợ lý dân quân huyện Yên Minh đã nhiều lần tham gia lớp học với cương vị là tổ trưởng hoặc trợ giáo, thậm chí có lúc anh còn là giáo viên đứng lớp nên tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm trong việc truyền đạt kiến thức, phương pháp tiếp thu bài đạt hiệu quả. Đảm nhiệm chức vụ trợ giáo không khác gì một giáo viên, nghĩa là phải giàu kiến thức về đặc trưng vùng miền, biết phong tục tập quán, hiểu tường tận và chuẩn xác ngôn ngữ, trong bất kỳ câu văn nào cũng không cho phép sai dù chỉ một từ vì tiếng và chữ viết của người Mông rất đa nghĩa, khi đặt vào từng hoàn cảnh hay đối tượng giao tiếp. Để thực hiện tốt vai trò trợ giáo của mình, trước khi lên lớp Thiếu tá Vàng Mý Chớ rất coi trọng khâu chuẩn bị như sưu tầm tài liệu liên quan đến nội dung học, lúc giúp giáo viên dịch bài phải biết lồng ghép câu từ trong từng ngữ cảnh để truyền đạt và giúp người học thấy được sự phong phú trong ngôn ngữ vùng cao một cách cô đọng.


Hầu hết các học viên sau khi tham gia lớp học đã vận dụng tốt việc nghe, nói vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên phạm vi địa bàn công tác. Khi các tổ, nhóm xuống cơ sở hay tiếp xúc với bà con không nhất thiết phải cử người phiên dịch như trước. Qua đó cho thấy phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng của đồng bào” đã phát huy tác dụng. Biết nói tiếng và cùng nói tiếng sẽ tạo dựng được niềm tin, gắn kết về mặt tình cảm, xoá dần sự khác biệt giữa miền xuôi và miền ngược. Khi tiếng Mông đã trở thành ngôn ngữ thường dùng của CBCS các tổ, đội công tác thì sẽ không chỉ đơn điệu là người Mông nói cho người Mông nghe mà tất cả những người lính đó đều trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong công tác vận động quần chúng. Biết được tiếng của đồng bào là con đường ngắn nhất để đi vào lòng dân. Điều này đã được khẳng định bằng sự chuyển biến tích cực về nhận thức và cách làm của người Mông ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông thuộc tỉnh Điện Biên - nơi có Đội XDCS số 4 đứng chân. Thượng tá, Đội trưởng Phan Khắc Thiện sau khi tham gia lớp học tiếng Mông đã dùng ngôn ngữ đó để giao tiếp và trao đổi với đồng bào. Bộ đội nói bằng tiếng Mông bà con nghe rất dễ hiểu. Việc hướng dẫn cách trồng cây, chăn nuôi, xoá bỏ hủ tục để thực hiện theo nếp sống mới, thậm chí dùng tiếng Mông để tuyên truyền cho chị em thực hiện KHHGĐ cũng vô cùng hiệu nghiệm và có sự chuyển biến tích cực.


Hoàng Nghiệp

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiền
HGĐT- Sáng 28.8, trời mưa như trút nước, Tổng biên tập Báo Lê Trọng Lập liên tục chạy xuống phòng Phóng viên để hỏi, đồng thời đôn đốc phòng kịp thời theo dõi tình hình mưa lũ ở các địa phương trong tỉnh. Chừng 8h35, tôi được điều động lên xã Cao Bồ, huyện Xị Xuyên để nắm tình hình thiệt hại do lũ quét.
29/08/2008
Bão số 6 mạnh cấp 14 vào biển Đông
Hiện vị trí tâm bão số 6 cách đảo Đông Sa (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 15.
24/09/2008
Bình yên Thanh Thủy
HGĐT- Mỗi lần đến với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thuỷ, là lại thấy có sự đổi mới. Nhà làm việc, nhà ở, khu tăng gia chăn nuôi, được xây dựng khang trang; Hệ thống bảng biểu, pa nô, vườn hoa, cây cảnh, được bố trí hợp lý, thể hiện rõ một đơn vị chính quy, xanh - sạch - đẹp.
22/09/2008
Đưa điện lưới Quốc gia đến các xã vùng sâu, vùng xa
HGĐT- Có điện về, người dân ở các xã, thôn bản vui mừng phấn khởi, đời sống văn hoá tinh thần, vật chất được nâng lên. Nhưng để có được điều đó trước hết là có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân ngành Điện lực tỉnh.
22/09/2008