Quang Bình, duy trì bảo tồn các làng nghề truyền thống

09:13, 25/12/2014

HGĐT- Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Quang Bình luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện cùng cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh, vận động nhân dân thay đổi tập tục canh tác, sản xuất, chế biến; định hướng cho các địa phương phát triển các ngành, nghề truyền thống theo hướng tập trung thành từng thôn, xã hỗ trợ nhau cùng phát triển.


Với sự cố gắng đo, năm 2011, huyện đã được UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc; làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày thôn Trung, xã Xuân Giang; mới đây, tháng 12.2014, huyện tiếp tục được UBND tỉnh công nhận thêm 3 làng nghề truyền thống đó là: Làng nghề chế biến chè Shan tuyết thôn Nậm Chàng, xã Xuân Minh; làng nghề chế biến chè Shan tuyết thôn Quang Sơn, xã Tiên Nguyên và làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày của HTX Mường Chang, thôn Chang, xã Xuân Giang.



Hướng dẫn dệt thổ cẩm dân tộc Tày tại thôn Chang, xã Xuân Giang.


Tìm hiểu về các làng nghề này, chúng tôi được biết: Thôn Nậm Chàng, xã Xuân Minh là một thôn từ lâu đời đã sản xuất chế biến chè Shan tuyết, có kinh nghiệm lâu năm trong chế biến chè, toàn thôn có 46 hộ với 256 khẩu và có duy nhất một dân tộc Dao. Đây là một thôn có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với cây chè Shan tuyết tạo chất lượng chè thơm ngon tinh khiết đảm bảo chất lượng, mang đặc trưng riêng của vùng núi cao. Những năm gần đây, nhân dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư máy móc, KHKT vào chăm sóc, sản xuất, chế biến chè tại thôn; đến nay, thôn có 25/46 hộ sản xuất chế biến chè Shan tuyết, các hộ khác chủ yếu trồng, chăm sóc. Đầu ra của sản phẩm khá ổn định. Trên địa bàn xã Xuân Minh có HTX chế biến chè Xuân Mai, hàng năm HTX sản xuất từ 16,5 - 20 tấn chè búp khô; tạo việc làm cho 70 - 90 lao động, thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Bởi vậy, cây chè Shan tuyết đã trở thành cây mũi nhọn, là nguồn thu nhập chính của nhân dân trong thôn, nhờ cây chè Shan tuyết nhiều hộ đã thoát nghèo từng bước vươn lên làm giàu.


Đối với làng nghề chế biến chè Shan tuyết thôn Quang Sơn, xã Tiên Nguyên cũng có chung một điều kiện như xã Xuân Minh, đó là một xã vùng cao, đất đai. khí hậu rất phù hợp cho việc phát triển cây chè Shan tuyết, cây chè ở nơi đây có một hương vị đặc biệt không phải nơi nào cũng có. Cây chè Shan tuyết không chỉ là cây thế mạnh của thôn Quang Sơn mà còn là cây kinh tế mũi nhọn của xã Tiên Nguyên. Trên địa bàn xã Tiên Nguyên có HTX chế biến chè Cao Nguyên thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Quang Bình với thương hiệu chè Shan tuyết Tiên Nguyên đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Kết quả chế biến chè hàng năm đạt từ 30 - 35 tấn chè búp khô, tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động, thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Đối với làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày của HTX Mường Chang, thôn Chang, xã Xuân Giang cũng có từ lâu đời, đây là thôn trung tâm của xã, có 120 hộ sinh sống, 90% là người dân tộc Tày; mùa nông nhàn, các hộ thường tổ chức dệt thổ cẩm truyền thống phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và trao đổi tại các phiên chợ. Trong những năm gần đây, kinh tế phát triển, nghề dệt thổ cẩm ngoài việc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, các sản phẩm còn phục vụ du khách đến tham quan du lịch. Hiện, thôn có 55/120 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm dân tộc Tày, từng bước phát triển nghề dệt thổ cẩm thành nghề sản xuất kinh doanh chính trong thôn, góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc. Kết quả hàng năm đạt từ 700 - 900 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 1,4 -1,7 triệu đồng/người/tháng...


Để duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống này, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với các thôn phát triển về nghề chế biến chè Shan tuyết tiếp tục đầu tư áp dụng các biện pháp KHKT vào thâm canh chăm sóc để nâng cao năng suất, sản lượng; mở rộng diện tích chè nguyên liệu phục vụ cho chế biến tại chỗ. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con sản xuất, chế biến tập trung, từng bước thay thế dây chuyền chế biến cũ, lạc hậu bằng công nghệ mới, xây dựng thương hiệu chè cho thôn, để tạo ra các sản phẩm chè có chất lượng cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với làng nghề dệt thổ cẩm, tiếp tục sản xuất các sản phẩm mang tính truyền thống của dân tộc, các bộ trang phục truyền thống hướng tới thế hệ trẻ, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc như: Tranh thêu, các loại túi đựng... để phục vụ du khách, từng bước nâng cao đời sống cho bà con nông dân...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuộc chia xa màu xanh
Có người vợ trẻ tiễn chồng Ra Trường Sa nắng hồng trên cảng Cát Lái*Họ nói với nhau Bằng ngôn ngữ người đi, người ở lạiVà ánh mắt, nụ cười đọng mãi tuổi hai mươi
29/11/2014
Thực trạng và giải pháp
HGĐT- Đến nay, toàn tỉnh ta có 52 di tích lịch sử - văn hóa (LS,VH), danh thắng được xếp hạng (trong đó 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật và 8 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
29/11/2014
Đường về nhà chồng của phụ nữ Dao áo dài
HGĐT- Trong cuộc đời mỗi người, hôn nhân là một bước ngoặt quan trọng, là nền tảng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, cũng giống như đồng bào các dân tộc khác, tục cưới hỏi luôn được người Dao áo dài coi trọng, giữ gìn như một nét đẹp văn hóa.
29/11/2014
Dạy chữ dạy người
(Tặng các thầy cô điểm trường vùng cao)
29/11/2014