Sự thật về... “kho đồ cổ khổng lồ” ở xã Đức Xuân

16:56, 14/10/2014

HGĐT- Thời gian qua, một số báo “giật” chuyện về “kho đổ cổ khổng lồ” được phát hiện trong hang núi ở xã Đức Xuân (Bắc Quang). Sự việc khiến dư luận không khỏi xôn xao, nghi hoặc. Vậy ai đã tìm được kho đồ cổ khồng lồ, ai đào được hàng chục kg bạc trắng và bán được hàng trăm triệu đồng trong những bài viết như chuyện cổ tích!?. Sự thật được chúng tôi làm rõ trong chuyến điều tra ở Đức Xuân mới đây.



Ngôi nhà sàn còn thiếu vách của anh Tòng, người được một số báo bịa là đã bán được gần trăm triệu đồng từ một phần “kho đồ cổ khổng lồ”.


Từ những chuyện... “câu khách”...

Thời gian qua, một số báo (Báo Gia đình và Xã hội, Báo Đời sống và Pháp luật, 24h.com.vn...) tung lên các bài viết: “Duyên” cổ vật của người nông dân đào được kho báu khi lên rừng bẫy chuột”, hay “Bí mật kho báu được chôn vùi dưới lòng đất”... Các bài viết nêu. Từ năm 1992, anh Phùng Dùn Tòng, sinh 1980, ở xã Đức Xuân, tìm được một chiếc chiêng đồng cổ. Hơn 20 năm sau, trong một lần trở lại nơi phát hiện chiêng, anh Tòng phát hiện một... kho đồ cổ khổng lồ trong hang đá ở bản Xuân Đường. Số đồ cổ hàng trăm kg gồm chiêng, đỉnh, mâm, bát đĩa, búa đồng, dao, giác, mác..., khiến anh Tòng phải nhờ thêm 7 người lên khiêng về, nhiều bát đĩa không lấy hết, anh phải để lại hang. Trước đó, hàng xóm của anh Tòng cũng đã đào được hàng chục kg bạc trắng, bán được hàng trăm triệu đồng.


Các bài viết “xào sới”, sáng tác như thật khi vẽ chuyện anh Tòng bán một phần đồ cổ được gần trăm triệu đồng; hay việc anh Tòng đào được kho báu trở thành tâm điểm một vùng, khiến hàng ngàn người đổ về Đức Xuân xem. Đối phó với những kẻ dòm ngó, vợ chồng anh Tòng đã bí mật đào hầm để... giấu cổ vật.


...đến sự thực nơi xã nghèo Đức Xuân.

Chúng tôi về xã vùng 3 Đức Xuân khi mà câu chuyện anh Phùng Sùn Tòng (không phải Phùng Dùn Tòng như các báo nêu), dân tộc Dao, phát hiện được “kho đồ cổ khổng lồ” vẫn đang là chủ đề bàn tán, suýt soa ở không ít nơi trong và ngoài huyện Bắc Quang. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, sau khi đọc những bài viết thiếu lô gích của một số báo, chúng tôi nhận ra đây là câu chuyện đầy tính dân gian, tưởng tượng của những người viết. Các anh Ma Văn Định, Chủ tịch UBND xã Đức Xuân và anh Phượng Chòi Lụa, Trưởng Công an xã khẳng định, thông tin một số báo viết về anh Tòng tìm được “kho đồ cổ khổng lồ” là không chân thực. Trước nay, chẳng có kho đồ cổ nào được tìm thấy ở Đức Xuân. Anh Định cho biết, một buổi chiều tháng 7.2014, có 2 thanh niên nói là nhà báo Hà Giang tìm đến nhà anh xin xác định thông tin về kho đồ cổ. Anh Định đã khẳng định là không có chuyện đào được kho đồ cổ ở Đức Xuân. Sau khi hỏi chuyện qua loa với anh Định, được anh mời ra xã làm việc thì 2 anh kia lập tức... rời đi.



Chiếc chiêng và đỉnh đồng mà anh Tòng nói nhặt được ở núi Khâu Lình được các cơ quan chức năng của tỉnh xác định, không phải là cổ vật.


Lãnh đạo xã Đức Xuân cũng khẳng định, không có chuyện hàng nghìn người đổ về nhà anh Tòng để xem kho đồ cổ; không có người dân nào ở xã đào được hàng chục kg bạc trắng, bán được hàng trăm triệu đồng... Thực tế, chỉ có việc anh Phùng Sùn Tòng, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thượng và một người dân nữa ở Đức Xuân được cho là nhặt được chiêng đồng, đỉnh, nồi đồng ở khu vực núi Khâu Lình. Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ, công an ở Đức Xuân còn đưa ra nghi ngờ về chuyện anh Tòng và một người nữa ở xã có kể nhặt được chiêng, đỉnh, nồi đồng ở núi Khâu Lình gần trung tâm xã.


Để làm rõ cái... “kho đồ cổ khổng lồ”, chúng tôi tiếp tục lặn lội lên thôn Xuân Thượng theo sự dẫn đường của Phó Chủ tịch UBND xã, Ma Văn Chái. Trên ngôi nhà sàn còn tênh toang vì chưa có vách bưng của gia đình, anh Tòng cho biết, một chiều cuối tháng 7.2014, có 2 thanh niên nói là nhà báo đến nhà anh. Trước đó, cả buổi trưa họ đã ở nhà tại một nhà hàng xóm. Họ nói, nghe tin gia đình tìm được kho đồ cổ, tìm đến để lấy thông tin. Tôi nói, chỉ nhặt được chiêng và một đỉnh đồng. Họ cũng không hỏi tôi nhặt được đồ ở đâu và thời gian nào. Có lẽ họ đã nghe những thông tin bịa đặt ở đâu đó. Sau đó, họ bảo tôi mặc áo dân tộc để chụp ảnh. Ngoài 2 vật trên, tôi cũng không nhặt được cái bát đĩa, búa đồng nào như báo đăng tải, anh Tòng cho biết.


Anh Tòng và nhiều cán bộ, người dân ở Đức Xuân khẳng định, ở núi Khâu Lình, nơi được các báo viết là đào được cổ vật chẳng có chiếc hang đá nào. Nực cười khi báo viết, giữa trưa đàn dơi từ vách núi đá bay xuống một lùm cây nơi anh Tòng tìm cổ vật, trong khi đó loài dơi chẳng bao giờ bay cả đàn giữa ban ngày cả. Buồn cười hơn khi các bài viết bịa chuyện anh Tòng tìm được... “kho đồ cổ khổng lồ”, phải nhờ 7 người lên cậy hang, khiêng đồ về rồi chuyện anh bán một phần đồ cổ được gần trăm triệu. Rồi vợ chồng anh phải đào hầm để giấu cổ vật. Anh Cư Xuân Măng, Trưởng thôn Xuân Thượng cho biết, chẳng có kho đồ cổ nào và cũng không có việc hàng nghìn người đổ về đây xem đồ cổ. Theo anh Tòng, ở Đức Xuân, nhiều gia đình người Dao, Tày sở hữu chiêng đồng, đỉnh đồng... là chuyện thường. Chiêng đồng thường được dùng cho một số nghi lễ truyền thống và có thể tìm mua được chiêng mới đúc trên thị trường.


Với tư cách là Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thượng, anh Tòng nói, không hề kể những chuyện như báo viết. Anh cho biết thêm, bà con ở Đức Xuân còn rất khó khăn, bản thân nhà anh hiện còn phải vay Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế với số tiền còn nợ khoảng 28 triệu đồng thì làm gì có chuyện bán đồ cổ được gần trăm triệu đồng. Anh bày tỏ bức xúc và không đồng tình với các thông tin sai lệch, ghép ảnh bát đĩa, quay phim không phải cảnh ở nhà anh, khiến dư luận hiểu nhầm, mang tiếng cho anh. Anh Ma Văn Chái, Phó Chủ tịch UBND xã tiếp lời, tôi có gặp, nói chuyện với 2 phóng viên kia đâu, thế mà họ vẫn... nêu tên và dẫn lời tôi trên báo như thật.


Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, trước thông tin đề xuất của Phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Quang về xác minh, thẩm định một số hiện vật được cho là cổ vật do người dân ở Đức Xuân phát hiện vào tháng 5.2013, tháng 7.2013, các đơn vị chức năng của Sở VHTT&DL, Công an tỉnh, huyện Bắc Quang đã về Đức Xuân và xác minh sự thực không có “kho đồ cổ khổng lồ” nào. Ngành đã có báo cáo kết quả thẩm định các hiện vật ở Đức Xuân, trong đó có 2 hiện vật là chiêng và đỉnh đồng do anh Phùng Sùn Tòng phát hiện là đồ dùng thông thường, không phải là cổ vật. Đồng chí Tình cũng cho biết, Sở VHTT&DL cũng chưa từng cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí nào về các đồ vật được cho là cổ vật ở Đức Xuân. Qua sự việc trên, mong một số báo chí cần khách quan, nêu đúng sự thật, tránh để dư luận xôn xao, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội ở cơ sở. Về phía huyện Bắc Quang, lãnh đạo Phòng Văn hóa - thông tin cũng khẳng định, thông tin một số báo viết về “kho đồ cổ khổng lồ” ở Đức Xuân là không đúng sự thật.


Qua thông tin ở xã Đức Xuân, Báo Hà Giang cũng đã kiểm tra và xác định, chưa từng có phóng viên nào của Báo Hà Giang về Đức Xuân viết bài về “Kho đồ cổ khổng lồ” để đăng tải lên các báo như vừa qua. Báo Hà Giang cũng chưa từng đăng bài viết nào về việc tìm được “kho đồ cổ khổng lồ” ở Đức Xuân.


Như vậy, sự thật “kho đồ cổ khổng lồ” ở Đức Xuân chỉ là câu chuyện câu khách, không có căn cứ. Có thể do người viết non kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm đã “sưu tầm” phải chuyện... cổ tích, hoặc có một số người đã cố tình bịa ra câu chuyện huyễn hoặc về “kho đồ cổ khổng lồ” nhằm mục đích nào đó. Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng và huyện Bắc Quang cần tiếp tục thông tin, làm rõ đến dư luận, tránh để ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.


Phóng sự điều tra: Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sáo và cá Cờ
HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng
30/09/2014
Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh trời cực Bắc
HGĐT- Trong một chuyến hành trình dài lên với Cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua những cung đường đèo dốc như vắt ngược lên đỉnh núi, thưa thớt bóng người. Thấm mệt..., nhưng cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng, ấm lạ khi lẫn trong gió ngàn và đá núi là hình hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước cửa một nhà dân.
30/09/2014
Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn
Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.
29/09/2014