Hà Giang

Đình Bản Chún – Di tích lịch sử tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

16:58, 10/10/2014

HGĐT- Người Việt Nam ta từ xưa đến nay có truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nên hầu hết ở mỗi miền quê trên đất nước ta đều lập đình hoặc miếu thờ vị Thành Hoàng làng, đó là người có công với dân làng, với đất nước. Sự thờ phụng đã trở thành sợi dây liên kết vô hình, giúp người dân trong làng đoàn kết, sống hòa đồng cùng nhau góp phần bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp và trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt Nam. Đối với Đình Bản Chún ở huyện Quang Bình hiện nay cũng là một minh chứng cho sự phát triển của nền văn hóa tín ngưỡng dân gian.



Đình Bản Chún mới được tu sửa để người dân trong vùng đến sinh hoạt tín ngưỡng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


Đình Bản Chún mới đây được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Quang Bình. Đình Bản Chún tọa lạc ở chân núi Pá Thàng, thuộc Bản Chún, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam (Quang Bình). Cửa đình quay hướng Tây nam, nhìn ra ngã ba hợp lưu suối Nặm Thàng, suối Nặm Luông và dòng sông Chừng. Đình có độ cao trên 126 m so với mực nước biển. Đình Bản Chún có vị trí khá thuận lợi cho việc tham quan, có thể đi bằng nhiều phương tiện như đi bộ, xe máy và đi thuyền.


Tìm hiểu về nguồn gốc di tích của Đình Bản Chún, chúng tôi được các cụ già làng, trưởng bản thôn Nà Mèo và xã Tân Nam cho biết: Xưa kia, cuộc sống của người dân Bản Chún vô cùng khó khăn, nhân dân xuống sông, suối đánh bắt cá thì bị đắm thuyền bè; lên núi lấy rau, săn bắn thì gặp thú dữ; chăn nuôi, trồng trọt... thì bị dịch bệnh thiên tai phá hoại. Vào thế kỷ XVIII có hai ông Đỗ Bật và Đỗ Lượng từ vùng quê Nam Định lên mưu sinh ở vùng đất này. Chứng kiến cảnh làm ăn khó khăn của nhân dân trong vùng, hai ông đã giúp dân bản phương thức canh tác sản xuất chăn nuôi, đánh bắt cá và bàn với dân làng lập một ngôi đình gần ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Chừng, suối Nặm Thàng và suối Nặm Luông để thờ thần sông, thần núi. Các ông cho rằng đình được dựng ở đây, lưng tựa núi, cửa hướng ra hợp lưu của ba dòng nước chính là nơi tụ thủy, tụ phúc thì nhân dân trong bản làm ăn sẽ gặp may mắn, con người khỏe mạnh, vật nuôi không bị dịch bệnh. Khi hai ông mất, nhân dân trong vùng suy tôn như những vị thành hoàng của làng và được thờ cúng trong đình để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với hai ông. Đình Bản Chún có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của bà con nơi đây, họ coi những thần được thờ và hai ông Đỗ Bật và Đỗ Lượng luôn che chở và phù hộ cho bà con dân bản. Đình Bản Chún được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX tại khu bãi cọ, gần hợp lưu suối Nặm Thàng, suối Nặm Luông và sông Chừng. Thời kỳ đó đình được dựng bằng gỗ, lợp lá cọ, có hai gian theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày. Trong giai đoạn từ những năm 1945 – 1954, toàn thể dân tộc nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, Đình Bản Chún không được trông coi, tu sửa nên đã bị hư hỏng. Năm 1975, hòa bình thống nhất, nhân dân trong vùng chung tay góp công sức dựng lại đình để thờ cúng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người mạnh khỏe, hạnh phúc...


Năm 2011, Nhà máy thủy điện Sông Chừng đi vào hoạt động, nguồn nước của sông dâng cao gây nguy cơ ngập ngôi đình. Năm 2013, nhân dân trong thôn Nà Mèo đã quyên góp công sức, vật chất dựng lại đình phía trên cách nền cũ 100 m. Đình được xây dựng theo kiến trúc hình chữ đinh, gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, tường xây, có tổng diện tích 59 m2, mái lợp ngói đỏ, cửa được mở chia đều cả 3 gian, nếu đi từ dưới bến thuyền lên đình có 15 bậc được xây dựng bằng đá, gạch. Phía trên hệ thống cánh cửa có các con song được tiện tròn và luồn đứng trong khuôn cửa. Bộ cửa Đình Bản Chún làm theo kiểu phía trên các con song có các ô thoáng để thu nhận ánh sáng từ bên ngoài vào và đẩy khí độc từ trong ra, phía dưới các cánh cửa có một xà gỗ với ý nghĩa để gạt bỏ điều xấu mỗi khi có người vào tế lễ tại đình. Toàn bộ hệ thống cửa được sơn màu đỏ sẫm, Am thờ được xây dựng ở đầu hồi bên trái của đình từ trong nhìn ra, am hình chữ nhật, là nơi thờ bát hương thờ thần thổ địa...Đình Bản Chún còn thờ hai ông Đỗ Bật và Đỗ Lượng, người có công giúp đỡ nhân dân trong thôn làm ăn gây dựng cuộc sống, đây là nhân vật có công với dân làng và được suy tôn như các vị Thành Hoàng làng. Trong tâm niệm của nhân dân nơi đây hai ông như các vị thần bảo vê, phù hộ cho dân làng bình an. Các ngày lễ chính của đình hàng năm là ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch, ngày Rằm tháng Bảy nhân dân trong làng lại có dịp tụ họp một cách từ nguyện tổ chức lễ cúng Đình, điều này cũng góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Đình Bản Chún là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của cả thôn Nà Mèo và một bộ phận nhân dân trong và ngoài xã Tân Nam . Đình Bản Chún tọa lạc ngay bên bờ lòng hồ thủy điện sông Chừng, là điểm dừng chân của du khách khi tham quan lòng hồ Thủy điện Sông Chừng và cũng là điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng đối với du khách gần xa...


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Sáo và cá Cờ
HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng
30/09/2014
Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh trời cực Bắc
HGĐT- Trong một chuyến hành trình dài lên với Cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua những cung đường đèo dốc như vắt ngược lên đỉnh núi, thưa thớt bóng người. Thấm mệt..., nhưng cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng, ấm lạ khi lẫn trong gió ngàn và đá núi là hình hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước cửa một nhà dân.
30/09/2014
Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn
Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.
29/09/2014