Giấc mộng hoa đào

16:10, 01/02/2010

                                                                            Truyện ngắn: Hùng Hiền
HGĐT- Đường lên đồn Tả Kha vừa xấu, vừa dốc. Mỗi lúc xe vào cua cả xe chao đi có cảm giác như sắp văng xuống vực. Cả đoàn ai nấy đều thót tim, Thuỳ và chị bạn đồng nghiệp say xe ngất ngư suốt dọc đường cũng choàng tỉnh vì sợ. Duy chỉ có anh lái xe là chả có vẻ gì lo lắng. Anh ta hắng giọng:


- Đường này là khá hơn nhiều rồi đấy, trước đây mà lên Tả Kha vào dịp mưa gió thế này thì trơn phải biết, đố mà đi được. Mỗi lần đi qua khúc cua này tôi lại nhớ một chuyện, các vị có ai muốn nghe không tôi kể.

- Thì anh cứ kể đi- Ai đó lên tiếng.

- Hôm ấy, tôi đang đi thì bốp một cái, một con gà bay từ tả luy xuống va vào thành xe, ngó lại thấy nó lảo đảo dúi đầu và búi cỏ. Vừa lên hết khúc quanh thấy có một người đàn ông cầm con gà vẫy vẫy, tôi dừng xe, anh ta hầm hè:

- Mày làm chết gà tao rồi đi luôn à?

Đoán con gà bay vào đầu xe tôi là của anh ta, lại không muốn tranh cãi giữa rừng thế này, tôi bảo anh ta bao nhiều tiền, trả rồi lên xe đi tiếp. Vừa hết một khúc cua lại thấy anh ta đứng vẫy vẫy… Tôi bực mình nhảy xuống bảo quái, còn gì nữa đây? Anh ta giơ lên một bọc lá dong:

- Gà nhà tôi đang ấp, anh làm chết thế còn trứng này thì sao?

Tôi mới cười phá lên. Ơ, cái ông này… Cười xong một trận cho bõ, tôi đành trả tiền và nhận bọc trứng ấp dở mang về nhà… Thế là bây giờ nhà tôi có cả một đàn gà xương đen ngon lành đấy nhé.

- Anh này điêu thật

- Làm gì có chuyện đó…

Mặc cho những tiếng phản đối, cả xe được trận cười ngả nghiêng. Vui chuyện, chẳng mấy chốc, đồn Tả Kha đã hiện ra trước mắt. Đó là dãy nhà xây hai tầng trên một khoảnh đất bằng khá rộng ngay lưng chừng núi. Khi đoàn vừa vào đến cổng Đồn đã thấy mấy đồng chí sĩ quan và anh em chiến sĩ đứng đợi sẵn. Tay bắt mặt mừng, mọi người đều biết nhau cả vì cơ quan Thuỳ được phân công phụ trách địa bàn này cũng được gần 3 năm.

Ngồi uống nước, nghe mọi người chuyện trò một lát, Thuỳ đứng dậy ra ngoài cho thoáng.Đây là lần thứ hai cô lên Đồn biên phòng này. Lần trước, cũng phải cách mấy năm rồi, cũng vào dịp gần tết, cô đi cùng lãnh đạo tỉnh lên chúc tết Đồn. Phải đến 5, 6 năm mà cảnh vật hầu như không có gì thay đổi, kể cả mấy gốc đào cổ thụ trước sân.

Cô lững thững đi về phía rặng đào. Những cây đào già nua, xù xì, dễ đến trăm tuổi. Trên những cành khẳng khiu đã lác đác những nụ hoa be bé. Những cánh hoa phơn phớt hồng, lấm tấm sương. Không cưỡng được ý muốn chạm tay vào những cánh hoa bé xíu, Thuỳ dướn người lên định níu một cành đào xuống thì đã thấy những nụ hoa be bé ngay trước mặt, cô giật mình quay lại:

- Ai thế này nhỉ?

Người đàn ông trìu mến nhìn cô.

- Em quên anh rồi sao?

Cố giấu vẻ mặt bối rối khi chạm ánh mắt anh, Thuỳ nói như hụt hơi:

- Anh Tùng phải không?

Sao cô lại có thể không nhận ra anh chứ nhỉ. Chả trách từ lúc bước chân vào Đồn, dù ngồi ở đâu, làm gì, cô vẫn có cảm giác là lạ… thì ra là vậy.

- Anh nhận ra Thuỳ, ngay từ lúc bắt tay ở ngoài cổng Đồn. Còn em thì…

- Em không ngờ lại gặp anh ở đây. Cũng hơn chục năm rồi còn gì…

Đúng là đã quá lâu với một mối nhân duyên gặp gỡ quá ngắn ngủi. Nhưng không hiểu sao, đôi lúc nghĩ đến Thuỳ vẫn thấy trong lòng tràn ngập một niềm hy vọng rằng một ngày nào đó cô sẽ được gặp lại anh. Niềm hy vọng ấy không tắt đi ngay cả khi cô lấy chồng, sinh con. Cảm giác đó đôi khi khiến cô có được vẻ mặt tươi tắn đến khó hiểu. Chắc vậy nên có lần chồng cô càu nhàu khi bắt gặp mấy mẩu truyện ngắn của cô trên tờ tạp chí văn học: “Viết báo thì viết chứ đừng có dính vào văn chương lằng nhằng mà thành hâm hâm đấy nhé”. Biết thế nên từ đấy cô chẳng bao giờ mang tạp chí về nhà cả cho yên chuyện. Công việc của cô cũng chẳng phù hợp gì với một người phụ nữ. Hết đi công tác lại hội họp triền miên, đã thế đêm đến lại dậy kỳ cạch gõ máy tính. Rồi nhiều khi theo đuổi đề tài gì thì không dứt ra được, người thì ở nhà mà đầu óc ở tận đâu… Biết vậy nên cô cố gắng hết sức để tránh va chạm với chồng. Chồng có bằn gắt, xét nét điều gì cũng cố cười xoà cho xong. Những khi không xong thì lại đành chịu tiếng với đồng nghiệp, cơ quan là không hoà đồng, không cởi mở trong giao tiếp để giữ hòa khí … Cuộc sống cứ như vậy trôi đi, có những lúc cô cũng giật mình tự hỏi sao mình lại trở nên tẻ nhạt như vậy từ bao giờ.

Cô và anh gặp nhau trên chuyến xe ca chật ních những người là người. Ngày ấy đi từ Đồng Văn về Hà Giang phải mất cả ngày trời. Chiếc xe ca khó nhọc trườn mình trên các khúc quanh tưởng chừng như vô tận. Mặc kệ những cú lắc, giật… khiến cái đầu liên tục bị va đau điếng vào cửa sổ, Thuỳ vẫn cứ gật gà gật gù trong cơn mộng mị của thuốc say xe.Cô mơ thấy mình đã về đến nhà, chẳng cần rửa mặt mũi chân tay gì cả, leo ngay lên gường nằm dài. Ôi sao mà thoải mái thế không biết. Chiếc gối mới êm ái làm sao, mềm đến mức cô thấy mình như bị kéo xuống rồi chìm mãi, chìm mãi…

Tỉnh dậy bởi tiếng ồn ào trên xe, đang định thần xem có chuyện gì xảy ra thì càng ngạc nghiên hơn bởi một gương mặt rạng rỡ đang nhìn cô trìu mến:

- Cô bé ngủ ngon không?

- Dạ, dạ… Cô càng ấp úng khi biết mình vừa nghẹo đầu lên vai người thanh niên bên cạnh ngủ ngon lành. Như để giúp cô bớt lúng túng, anh cười bảo:

- Em làm anh ê ẩm cả vai rồi đây này. Thôi mình xuống đi- Anh rủ.

Xe bị thủng lốp từ dưới dốc, lên đến đây thì hết hơi. Mọi người lần lượt tản ra, tìm chỗ ngồi nghỉ, đợi sửa xe. Sau một hồi loay hoay cô cũng tìm được chỗ ngồi ưng ý. Đó là gốc một cây thông già trên tả luy đường. Từ đây cô có thể nhìn thấy cả một vùng rộng khắp của vùng đất Yên Minh. Những thửa ruộng đều ngăn ngắt, những mảng nương nối tiếp nhau lên đến đỉnh núi đã được phủ một màu xanh nhạt. Tinh mắt một tí có thể nhìn thấy những ngôi nhà chênh vênh trên đỉnh núi. Cô chợt nghĩ, không biết lũ trẻ con ở đó thì đi lại thế nào nhỉ. Nếu mà sảy chân một cái thì có mà lăn đến tận chân núi mất. Nhìn một lúc mỏi mắt, cùng những làn gió từ dưới thung tràn lên, khiến cô thấy mắt mình lại muốn díp lại.

- Cô bé lại buồn ngủ phải không?

Đang định gục đầu xuống gối lơ mơ một lúc thì lại bị người đồng hành ngồi cạnh bắt gặp. Cô lúng búng chữa ngượng:

- Tại gió mát quá đấy ạ.

- Giờ thì mát vậy thôi chứ tí nữa chiều xuống sẽ lạnh đấy.

- Sao anh biết? Cô ngước nhìn anh tò mò. Giờ cô mới để ý anh mặc bộ quân phục còn mới, dáng người xương xương, nét mặt vừa có vẻ nghiêm nghị của người lớn lại vừa có vẻ trẻ con bởi nước da trắng hồng như con gái.

- ở lâu thì biết thôi.

Vừa nói anh vừa ngồi xuống cạnh cô. Những cơn gió ngày càng thổi mạnh, ràn rạt trên những ngọn thông. Cô thích thú hít căng lồng ngực thứ không khí mát dịu, trong lành.

- Ôi! thích quá!

Thốt lên rồi cô mới thấy mình vô duyên. Vội vàng vén mấy sợi tóc loà xoà, cố giấu nỗi xấu hổ khiến khuôn mặt cô đỏ bừng. Mãi lúc sau cô mới lén nhìn sang phía anh. Chợt cô khựng lại khi bắt gặp ánh mắt anh. Có cái gì đó ấm áp, trìu mến mà cô không diễn tả nỗi. Có một điều gì đó mơ hồ nhói lên trong lồng ngực cô. Vẫn chăm chú nhìn cô, anh hỏi:

- Em lên đây thăm ai thế?

- Thăm bạn em. Thế anh đi đâu vậy?

- Anh đi công tác.

Nghe có vẻ oai ghê. Rồi mình cũng sẽ như vậy. Nghĩ đến ngày được bước chân vào cổng trường Đại học là cô đã thấy rộn ràng hết cả người. Cũng vì thi đỗ vào Đại học mà bố mẹ cô đã quyết định cho đứa con gái yêu đi chơi xa một chuyến. Mà lại đi một mình mới ra dáng người lớn chứ. Lên thăm đứa bạn ở tận huyện vùng cao xa xôi này chỉ muốn động viên nó tiếp tục ôn để năm sau đi thi.

Sau tiếng còi pin pin của bác tài mọi người lần lượt kéo nhau lên xe, gió vù vù qua cửa xe khiến cô rùng mình. Đang mải miết ngắm núi non hai bên đường, bỗng cô giật mình khi thấy người đàn ông phụ xe quát to:

- Không có tiền mà cũng đòi đi xe à? Xuống nhé?

Trước mặt người đàn ông bặm trợn là dáng vẻ tội nghiệp của hai mẹ con chị phụ nữ người Mông. Đứa con gái líu ríu bám vào thắt lưng mẹ. Người mẹ thì cứ lúng búng mãi không nói nên lời.

- Không có tiền thì xuống xe. Kèm theo tiếng quát là tiếng vỗ vào cửa xe làm hiệu cho lái xe dừng.

Dù được sống đầy đủ, sung túc với bố mẹ ở thị xã từ nhỏ nhưng hình ảnh những người bà con lam lũ ở quê đã in sâu vào tiềm thức Thuỳ. Cô luôn khâm phục sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của những người vùng cao và đôi khi là sự thương cảm. Bởi vậy, thái độcủa người phụ xe khiến Thuỳ cũng cảm thấy như mình bị xúc phạm. Đang nhẩm tính số tiền bố mẹ cho xem có đủ trả giúp cho hai mẹ con họ không thì anh đứng lên tiếng:

- Thôi, thiếu bao nhiêu tôi trả giúp mẹ con chị ấy là được chứ gì.Người ta không có thật đấy, giờ anh thả người ta giữa đường này không thấy tội à- Vừa nói anh vừa đưa tiền cho người phụ xe.

- Biết thế nhưng ai cũng thế thì có mà chết tôi à- Người đàn ông phụ xe vừa đếm tiền vừa lẩm bẩm quay đi.

Xe chật như nêm, người ngồi đã khổ, người đứng còn khổ gấp nhiều lần. Mỗi lần vào cua, gặp ổ gà thì cứ là ngã rúi ngã rụi. Đang gật gà định ngủ bỗng Thuỳ thấy anh đứng dậy, níu tay chị phụ nữ Mông bảo:

- Nây dẩu mà*

Hai mẹ con chị rụt rè nhìn có vẻ không hiểu. Cô biết vì sao họ không hiểu vì anh nói tiếng Mông còn ngọng. Thấy vậy, Thuỳ cười bảo chị:

- Nừ hày nây dẩu mà nây dẩu mà**

Không phải chỉ Thuỳ ngạc nghiên về người bạn đường của mình mà chính anh lại nhìn cô ngạc nghiên thích thú. Thế là hai mẹ con ngồi xuống cạnh cô, còn anh đứng từ đó về tới thị xã. Trên đường đi, thi thoảng anh cũng tham gia câu chuyện với cô và hai mẹ con chịMẩy bằng thứ tiếng Mông ngọng ngọng của mình. Hoá ra chị Mẩy đưa con bé đi khám bệnh. Vì vội quá nên chưa chuẩn bị được tiền. Chồng chị bảo hai mẹ con chị cứ xuống khám trước, bán bò rồi xuống sau. Dưới thị xã chị cũng có người bác tốt bụng lắm, chắc sẽ giúp đỡ mẹ con chị.

Không ai nói ra nhưng Thuỳ có cảm giác cô và anh vừa tự phát hiện ra điều gì đó vừa xảy ra trong chính bản thân mình. Bởi có những lúc trong câu chuyện vô tình hai ánh mắt chạm nhau thì cả cô và anh đều vội vàng lảng đi nơi khác.

Mãi 8 giờ tối, xe mới tới bến. Sau khi chỉ đường cho hai mẹ con chị Mẩy xong, nhìn lại vẫn thấy anh đang đứng, có ý đợi. Thuỳ bước lại, ngập ngừng:

- Anh về đường nào?

- Em về đường nào?

Cả hai cùng cười. Khoảng cách dường như ngắn lại. Thuỳ không ngờ một đứa con gái sống khép mình như cô lại có thể chuyện trò cởi mở như thế với anh. Chỉ một câu nói hài hước của cô cũng khiến cả hai bật cười. Thuỳ nghĩ mình đã rất vui vẻ. Lần đầu tiên trong đời, cô không còn khái niệm về thời gian, không gian… Chỉ thấy ánh đèn đường loang loáng nước sau cơn mưa đã tạnh, thấy cái lạnh se se thấm vào da của tiết trời vào thu, thấy ánh mắt, nụ cười ấm áp của anh. Chỉ khi anh bảo đưa cô về, Thùy mới giật mình vì đã đến đoạn đường rẽ vào nhà.

- Không, thôi được rồi, em tự về được ạ- Thuỳ vội vàng từ chối. Thuỳ không dám nghĩ mẹ cô sẽ thế nào nếu biết cô về nhà với một người đàn ông quen trên một chuyến xe. Chắc mẹ sẽ không thể hiểu điều gì đã xảy ra với cô đâu.

- Không sao đâu, anh chỉ đưa em về đến cổng thôi.

Thái độ từ tốn của anh làm cho Thuỳ thấy ngượng bởi những suy nghĩ lung tung vừa nảy ra trong đầu mình. Không đợi cô đồng ý, anh dấn bước trước rồi quay lại trêu:

- Nhanh lên, không anh sẽ vào nhà đấy.

Thực ra đây là đoạn đường cô ngại nhất mỗi lần đi chơi cùng mấy đứa bạn về muộn. Thuỳ thầm biết ơn vì suốt đoạn đường lờ mờ sáng anh không hỏi cô câu gì.

- Đến nhà em rồi- Thuỳ nói khi đứng trước cổng nhà mình. Cô thấy anh hơi khựng lại, một thoáng không tự nhiên trong giọng nói:

- Em vào nhà đi.

- Em cám ơn anh- Thuỳ thành thật.

- Không nói thế, anh muốn vậy mà. Thôi em vào nhà đi.

- Vậy anh về nhé- Thuỳ thấy giọng mình run run.

- ừ, em vào đi- Anh giục. Không hiểu sao anh có vẻ khó chịu.

Khép cổng lại nhưng Thuỳ không vào nhà ngay, ghé mắt qua khe cổng, thấy anh đứng tần ngần một lúc rồi quay lưng bước đi. Lúc ấy lòng Thuỳ tràn ngập một niềm lâng lâng khó tả, không bao giờ hình dung là những ngày sau đó mình đã khổ sở làm sao bởi nỗi nhớ nhung anh một cách vô vọng. Rồi dần dần từng ngày trôi qua, từng tháng trôi qua, sự im lặng của anh khiến cô hiểu rằng tất cả những gì hình dung về tình cảm của cô và anh dường như chỉ là từ một phía của mình. Khi đã trưởng thành, đôi khi ngồi nghĩ lại chuyện này Thuỳ tự nhủ lòng mình rằng chắc tại ngày đó, sự mơ mộng của đứa con gái mới lớn đã khiến cô ảo tưởng về nhưng điều không có thật, chưa bao giờ có và thấy lòng nhẹ đi phần nào dù vẫn còn chút gì đó như là ngượng ngùng.

Hơn chục năm trôi qua, đã có quá nhiều thứ đổi thay duy chỉ có anh hình như vẫn vậy. Giờ anh đứng trước mặt Thuỳ, vẫn nụ cười ấm áp, vẫn giọng nói thân thiết như chưa một ngày xa cách:

- Em có lạnh không? Anh ân cần

- Không ạ!

Anh cười:

- Em vẫn vậy, vẫn như cô bé anh gặp ngày trước.

- Anh vẫn còn nhớ sao- Một chút chua xót trong lời của Thuỳ.

- Em không hiểu được đâu- Anh nhẹ nhàng- Em sống tốt chứ?

- Vâng, tốt ạ. Anh chuyển về đây lâu chưa? Thuỳ thấy nhẹ cả lòng khi anh chuyển đề tài khác.

- Cũng được vài năm rồi.

- Chị và các cháu cũng ở đây chứ ạ?

Thuỳ hỏi như một phản xạ.

- ừ, vợ con anh sống dưới thị trấn. Lúc nào qua thì vào thăm gia đình anh nhé.

-Vâng, nhất định em sẽ vào- Trả lời anh xong tự dưng cô thấy oải hết người chẳng hiểu vì lý do gì.

-Em sao vậy, anh đưa em về phòng nhé?- Anh lo lắng.

-Không sao đâu ạ. Em muốn đứng đây một lúc nữa. Anh vào trước đi.

Thuỳ thấy giọng mình như ngạt đi. Tưởng rằng chỉ là một trò mộng mơ vớ vẩn của trẻ con vậy mà giờ gặp lại anh, không ngờ mình lại bối rối đến vậy. Anh đang đứng đây, nhìn Thuỳ lo lắng, chỉ cần cô cố gắng một chút thì những gì day dứt bao năm có thể được giải đáp ngay lúc này nhưng sao khó khăn quá thế. Nhưng để làm gì nữa, chẳng để làm gì, ngày ấy cô đã không đủ dũng cảm làm việc ấy thì giờ hỏi có ích chi. Gió thổi mỗi lúc một lớn, cứ ù ù bên tai khiến Thuỳ dù đã mặc hẳn cái áo phao dày cộp vẫnthấy cái rét ngấm vào tận xương. Đút hai tay thật sâu vào túi áo, cô cố giấu đi những cảm xúc đang ngổn ngang trong lòng. Bất giác cả cô và anh cùng cất tiếng:

- Anh sống có…

- Em sống có…

Giống hệt như lần đầu gặp nhau, cô và anh cùng cười, anh bảo:

- Em nói trước đi.

- Em muốn hỏi anh sống hạnh phúc không?

- Bình thường. Còn em thế nào?

- Cũng bình thường ạ- Nói xong Thuỳ tự thấy nhưmình vừa hắt ra một tiếng thở dài.

Sương ùn ùn cuộn từ dưới thung lên, lướt qua khu vườn, qua chỗ cô và anh ngồi như những làn khói mỏng manh ướt át. Không gian chỉ có gió và sương bị phá toang bởi tiếng nói cười ồn ã, tiếng cười của ai đó ha hả nghe thật đã. Chắc người đó phải phóng khoáng lắm mới có được cái giọng cười sảng khoái đến vậy- Thuỳ thầm nghĩ.

-Mình vào đi anh, không mọi người… Lời nói của Thuỳ bị chặn lại bởi ánh mắt anh. Tim cô như có ai bóp nghẹt. Phải chăng điều khiến cô day dứt mãi, đã có lúc khiến cô hoang mang về sự cảm nhận của mình lại chính là đây. Lẽ nào sau từng ấy năm trời, Thuỳ vẫn ảo tưởng về ánh nhìn của một người đàn ông xa lạ. Không, cố dứt mình ra khỏi nỗi ám ảnh chết tiệt, Thuỳ dứt khoát:

- Em vào đây- Vừa dợm bước quay đi thì nghe anh thảng thốt:

- Thuỳ, đứng lại! Anh bảo.

Anh chặn ngay trước mặt,vững chãi, ấm áp, Thuỳ gần như đứng chôn chân tại chỗ. Sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt anh nhưng rồi như một sự bất lực, anh buông tay cô ra rồi gần nhưthì thầm:

-Thôi em vào đi.

Thuỳ vào ngồi ăn cơm mà hồn vía ở tận nơi đâu. Bữa ăn biến thành cuộc giao lưu lúc nào không hay. Bắt đầu bằng những những bài hát, rồi thì thơ ca hò vè có cả. Rượu ngà ngà khiến ai cũng trở thành nghệ sĩ. Cuộc vui tưởng như không dứt được. Cô như thấy mình lạc lõng giữa không khí ồn ào náo nhiệt ấy nhưng cũng không thể ra về trước được. Cũng chạm chén với người này, bắt tay người kia, ghé tai nghe người này hỏi, nghiêng người nghe người kia gọi… Dù trong khoảnh khắc nào cô cũng cảm thấy ánh mắt của anh dõi theo. Cả buổi tối, anh và cô có ngồi bên nhau một lúc. Anh mời cô chạm chén mừng cho cuộc hội ngộ hơn mười năm. Cô cười, mắt lấp lánh. Anh bảo:

- Lần này đừng để mất liên lạc nữa nhé.

- Vâng ạ!

- Anh chưa bao giờ quên hình ảnh một cô bé ngủ gục ngon lành trên vai mình. Giờ nói cho anh biết, em mơ gì lúc đó mà cười vậy?

Nghe anh nhắc, Thuỳ thấy mặt mình nóng bừng. Không biết nói sao cô đành cười xoà chữa ngượng:

- Trông em lúc đó buồn cười lắm nhỉ?

- Buồn cười qúa đi chứ. Ngủ trên vai anh cả quãng đường dài mà tỉnh dậy không cảm ơn gì cả.

Không biết sự ngượng ngập từ lúc gặp lại anh của Thuỳ biến đâu mất. Cả hai cùng cười vui vẻ. Vậy là anh đã không quên, cũng như cô vậy. Điều này khiến Thuỳ cảm động, dường như tình cảm của mình được an ủi.

- Anh không quên được chuyến xe hôm ấy- Anh chờ đợi một sự sự xác nhận. Vậy tại sao anh lại im lặng? Câu hỏi ấy đã chực buột khỏi miệng nhưng may mà cô ghìm lại được. Tránh ánh mắt thăm thẳm của anh:

- Vâng, ngày đi xe khổ anh nhỉ? Nói xong cô mới thấy mình sao quá vô duyên. Một điều gì đó như là sự thất vọng lướt qua mắt anh.

- ừ, ngày ấy em cũng còn quá nhỏ mà- Lời anh nói nhẹ nhàng mà sao nghe như trách móc.

Đang định trả lời anh rằng thật là ngày ấy cô còn qúa nhỏ hay là vì một lý do gì khác thì đã bị một người bạn kéo tay ra bắt hát giao lưu với mọi người. Đang ngơ ngác không biết xử lý thế nào vì vốn ngại chỗ đông người thì anh đi đến, tự giới thiệu là sẽ hát song ca với cô. Anh tự tin bảo:

- Em thuộc bài Chiều biên giới không?

- Dạ - Thuỳ ngập ngừng.

- Hát theo anh nhé.

Thế là bài tình ca đã được cô và anh thể hiện như là một hành khúc khiến cả cuộc vui hùa vào vỗ tay hát theo. Thuỳ không ngờ sau một lúc ngại ngùng, cô cũng tham gia nhiệt tình đến vậy. Hát hết bài hát, cô mới biết tay mình đã nằm trong bàn tay anh từ lúc nào.

Cuộc vui cứ thế đến mãi muộn mới kết thúc. Anh đưa cô và mọi người trong đoàn về tận phòng nghỉ rồi mới về phòng của mình.

Leo lên gường, vùi đầu vào trong chăn rồi mà Thuỳ vẫn không dứt khỏi cảm giác lâng lâng trong lòng. Chắc là do rượu thôi- cô nhủ thầm.

Cả buổi sáng hôm sau, hết việc nọ đến việc kia, Thuỳ và anh gần như chẳng có cơ hội ngồi lại với nhau cho đến tận lúc tạm biệt Đồn ra về. Anh đứng đó, dõi theo, không nói…

Cả quãng đường về, dù đã cố tham gia vào câu chuyện cùng mọi người trên xe nhưng Thuỳ vẫn không sao giấu được nỗi buồn đang len nhẹ trong lòng. Mình thật chẳng ra làm sao- cô tự nhủ. Cố rũ khỏi đầu những suy nghĩ vẩn vơ, cô thiếp đi lúc nào không hay…

Trong giấc ngủ mộng mị, Thuỳ thấy mình gặp lại anh. Anh vẫn ngồi đợi cô dưới gốc đào cổ thụ. Thấy cô, anh bảo: “Anh biết thế nào em cũng quay lại mà”. Rồi đưa tay đỡ cô ngồi xuống cạnh mình. Cô cười mà thấy mắt mình loang loáng nước: “Em quay lại vì biết anh sẽ đợi”. Nói xong cô mới thấy ngạc nghiên là tại sao anh và cô có thể chuyện trò như hai người đã từng yêu nhau thế không biết. Nắm nhẹ bàn tay cô, anh thủ thỉ “Sao chúng mình lại xa nhau lâu đến vậy?”. “Chắc là tại không có duyên” cô đáp. “Vậy tại sao ngày ấy anh không liên lạc với em?”- cuối cùng thì cô cũng thốt ra được cái điều đã khiến cô day dứt lâu nay. “Chẳng phải lúc đó em còn quá nhỏ sao” anh nói. “Mà không phải, anh đã đến tìm em mấy lần nhưng không gặp. Anh nghĩ, chắc em không muốn gặp anh. Điều đó không đúng sao?”. Ngay cả trong giấc mơ cô cũng tự nhủ không biết đó có phải lý do thật không nhỉ, nếu như thế thật thì … cô thấy nhói đau nơi lồng ngực. Bởi cả một mùa hè năm ấy cô đã sống trong tâm trạng hy vọng, chờ đợi một ngày anh sẽ xuất hiện trước cổng nhà cô. Và giờ đây, khi nghe những lời anh nói, cô tin là thật. “Không đúng, em đã mong anh quay lại biết chừng nào”- cô không tin mình có thể nói ra những lời này. Nhưng nói được ra cô thấy lòng nhẹ nhàng biết bao. Gần như trong một khoảnh khắc, cô chợt ngộ ra: Mọi điều đều có thể có lời giải đáp chỉ có điều ta có đủ dũng cảm để đối diện và đi đến tận cùng hay không mà thôi. áp đôi tay giá lạnh của cô lên má mình, anh nhìn sâu vào mắt cô kiếm tìm. Cô thấy mình như trôi trong màn sương mù dầy đặc bao quanh hai người. Trong khoảnh khắc như được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của cuộc đời này trong ánh mắt anh, cô vẫn thấy những cánh hoa đào rơi nhẹ theo gió. Những cánh đào vương trên lá, trên cỏ lóng lánh…

Hà Giang, 2009.

 

* Nây dẩu mà (ý nói hai mẹ con chị ngồi đi)

** Nừ hày nây dẩu mà nây dẩu mà (ý nói anh ấy nói ngồi thì mẹ con chị ngồi đi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Triển lãm ảnh tư liệu “80 năm Đảng cộng sản Việt Nam”
HGĐT- Nằm trong các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Canh Dần năm 2010, sáng 28.1, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Triển lãm ảnh tư liệu “80 năm Đảng cộng sản Việt Nam” 3.2.1930 - 2010. Đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, cắt băng khai trương triển lãm.
29/01/2010
Tết người Tày
HGĐT- Người Tày Nùng chúng tôi hầu như tháng nào cũng có Tết. Nhưng Tết tháng Giêng là Tết to nhất. Tết anh cả. Tết khởi đầu trong năm. Các con cháu cầu chúc ông bà sống lâu, ăn ngon ngủ khỏe. Còn ông bà chúc con cái học hành điểm chín điểm mười. Láng giềng chúc nhau trong nhà đầy phè tiếng cười. Làng trên mường dưới không mắng chửi trâu bò ăn lá của nhau. Trong chuồng gà đẻ
29/01/2010
Trao giải báo chí tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm
HGĐT- Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, đã tổ chức trao giải cuộc thi “ Báo chí tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2009”.
29/01/2010
Mèo Vạc
(Thân tặng Sơn Hải và bạn bè ở Hà Giang)Đất gì mà toàn thấy đáNgười đi mãi chả thành đườngNgô trồng nhặt từng nắm đấtRượu mời đầy bát nồng thơm
29/01/2010