"Hôm nay đi học xa..."

15:51, 05/09/2021

BHG - Anh tôi hay kể chuyện vì sao ngày xưa anh ấy lại chịu đi học: Sau hòa bình lập lại, những năm 50 - 60 thế kỷ trước quê tôi bắt đầu có các lớp học phổ thông. Người ta vận động trẻ đi học. Anh tôi thích chơi, chưa chịu đi học. Một hôm có ông “giao thông” (người đưa thư, báo) đến tìm bố và đưa cho bố một tờ giấy. Bố giở tờ giấy ra xem một lúc, gấp lại và nói: “Ngày mai đi họp ở xã”... Anh tôi há hốc mồm tự hỏi, cái tờ giấy có gì trong đó mà bố nhìn vào lại biết ngày mai đi họp. Đó là chữ. Chữ à. Ồ hay nhỉ. Từ đó anh tôi mới chịu đi học. Và anh là một trong những người đầu tiên của bản học lớp một - lớp một đầu tiên của hệ giáo dục phổ thông ở xã bây giờ. 

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Ngò (Xín Mần) học những điệu múa truyền thống. 				Ảnh: TƯ LIỆU
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Ngò (Xín Mần) học những điệu múa truyền thống. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ khi có lớp một đầu tiên, quê tôi dần có cấp một, cấp hai và bây giờ có cả trường cấp ba. Bao nhiêu thế hệ thầy, cô giáo từ mọi miền đất nước đã về đây xây dựng mái trường thân yêu, đã có biết bao thế hệ học sinh của xã và khu vực đã đi qua mái trường này. Nhiều người đã thành đạt, nhiều người đã cống hiến cả tuổi xuân vì đất nước, dân tộc. Các thế hệ thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh đã làm nên cái truyền thống hiếu học của quê tôi.

Lúc còn sống, mẹ tôi nhìn chúng tôi và đàn cháu nhỏ đi học thường nói: Đi học là vất vả, trẻ con đi học vất vả hơn người lớn làm việc đồng áng. Mưa cũng đi, nắng cũng đi, rét buốt cũng phải đi; đi thật sớm và về thì thật muộn, về đến nhà thì người ta đã ăn xong và ngủ trưa rồi. Còn việc đồng áng thì mưa quá nghỉ ở nhà, nắng quá thì chờ bớt nóng mới ra. Qua loa một tý là lại nghỉ. Nên đừng có mắng mỏ bọn trẻ là chỉ có biết ăn với học. Những lời của mẹ làm lũ chúng tôi ứa nước mắt mà gắng sức học thật chăm chỉ, thật giỏi...

Quả là đi học thật không dễ. Ngày xưa từ cái bản nhỏ như cái “túi mật” ra trường xã học thật gian nan. Nhà tôi gần cuối bản cách trường gần năm cây số. Khi những con chim Chả, Bông lau, Chích chòe hót dạo, tiếng chúng vẫn còn ngái ngủ thì chúng tôi cũng bắt đầu dậy, rửa mặt, móc cơm nguội, hoặc cơm đã được bố mẹ, chị dâu gói sẵn kèm thức ăn như trứng tráng, ếch nướng, Chão chuộc nướng có khi là một nửa quả chuối chín... nghĩa là có gì ăn nấy, vừa đi vừa ăn vừa gọi bạn. Đến con suối, khe nước sạch là uống rồi nhanh chóng rảo bước. Đến trường thì chỉ kịp xem sách vở, xem lại bài là đến giờ học. Đến lớp đúng giờ là một tiêu chuẩn thi đua, xếp loại thứ tự hàng tháng của học trò. Đó là những ngày không mưa, hoặc mưa ít. Còn những ngày mưa to thì chịu bó tay, bọn trẻ đứng dọc bờ suối lũ mà ngán ngẩm quay về, áo quần, sách vở ướt mèm... về nhà hì hục hơ quần áo, sách vở bên bếp lửa. Thế rồi từng ngày, từng tháng, từng năm học qua đi. Những đứa trẻ của cái bản nhỏ cũng lần lượt học hết khả năng của mình và bay đi khắp phương trời của đất nước.

Bây giờ hệ thống trường lớp của xã đã về đến tận thôn hẻo lánh. Cái “túi mật” cũng đã có phân trường. Đặc biệt hệ thống đường đi thật là thuận tiện. Đường bê tông rộng rãi, không còn phải đi qua bất cứ con suối nào. Các cháu bây giờ đi học bằng xe máy, xe điện và chí ít là xe đạp. Những đứa cháu của cái bản Then vẫn là những cháu vất vả nhất. Khi những con chim líu lo vẫn còn ngái ngủ thì các cháu đã dậy, đã xe máy, xe đạp... lục tục trên đường. Các bạn gái đi xe không hề thua kém, mà hình như là số đông. Đến trường phải đi vào đường nhánh, xấu hơn đường cái và giấu xe một nơi; xà vào quán ăn theo khẩu phần do bố mẹ định hướng. Xe phải giấu vì xe mông má đủ loại, ít có xe tốt, xe nghiêm... đi đường nhánh vì không ai kiểm tra. Nếu không thì cả xe lẫn người đều chịu một chữ “vi phạm”. Nhà tôi ngay đầu đường tránh đó, mỗi sáng dậy nhìn các cháu đến trường và đến trưa từ trường về càng thấu lời của mẹ ngày xưa: “Trẻ con đi học là vất vả...”. Mong sao các cháu đi xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Một năm học nữa lại đến, như những đàn chim non các cháu ở bản Then lại tíu tít đến trường mang theo cả sự nỗ lực, sự vượt khó của mình và bố mẹ. Chúng tôi xưa đi học tránh máy bay giặc Mỹ, đeo sau lưng, trên đầu lá ngụy trang, giờ các cháu đi học trong mùa đại dịch khẩu trang luôn đồng hành. Những đồng tiền các cháu đi học hôm nay có cả những đồng tiền của không ít bố mẹ gửi từ công ty vùng dịch về... chứa chan tình thương và hy vọng. Nhất định rồi. Hôm nay đi học xa... để tương lai về gần, các cháu ở bản nhỏ thân yêu.

Hoàng Kiệm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Toàn tỉnh có 255 trường học đạt chuẩn Quốc gia

BHG - Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhờ những nỗ lực phấn đấu, đầu tư xây dựng, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 255/615 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 41,46%, trong đó: Mầm non 98 trường; Tiểu học 80 trường; THCS 67 trường và THPT 10 trường. Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 386/615 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 62,66%, trong đó: Mầm non 139 trường; Tiểu học 117 trường; THCS 107 trường và THPT là 23 trường. Hiện nay, ngành GĐ&ĐT tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu đề ra.

31/08/2021
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 93,22%

BHG - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có 5.626 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 356 thí sinh tự do, 5.215 thí sinh giáo dục THPT và  410 thí sinh Giáo dục thường xuyên. Công tác tổ chức kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Ngày 26.7, Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

29/07/2021
Ngành giáo dục phấn đấu hoàn thành "mục tiêu kép" trong năm học mới

BHG - Phát huy những kết quả đạt được trong năm học qua và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục của một tỉnh vùng cao, ngành GD&ĐT tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021 – 2022. Phóng viên BHG đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Thế Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh về công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới.

 

 

27/08/2021
Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Bình Dương lần đầu tiên dẫn đầu về điểm thi trung bình của cả nước. Cả nước có 24.555 điểm 10, gấp hơn 4 lần so với năm ngoái. Thủ khoa duy nhất đạt 30/30 điểm là một nữ sinh chuyên Toán người Hà Tĩnh. 

26/07/2021