Hà Giang

Bắc Mê: “Quá tải” nhà bán trú học sinh

09:21, 21/10/2014

HGĐT- Sinh hoạt trong những căn phòng chật chội, đông người, không đủ ánh sáng… là tình trạng mà các em học sinh bán trú ở nhiều trường học trên địa bàn huyện Bắc Mê đang phải chịu đựng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập cũng như điều kiện phát triển toàn diện của học sinh.


Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng, chất lượng giáo dục của Bắc Mê đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,6%; công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh; các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành ngày càng đi vào chiều sâu; tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng; tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt trên 95%. Nhiều học sinh, giáo viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp… Tuy nhiên, sự phát triển giáo dục nơi đây chưa thật sự bền vững khi mà có rất nhiều khó khăn, hạn chế vẫn còn hiện hữu, trong đó có câu chuyện về sự “quá tải” của nhiều nhà bán trú học sinh.

 


Các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Thượng Tân học bài trong căn phòng bán trú chật chội, thiếu ánh sáng.


Chúng tôi về Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Tân khi buổi học đã kết thúc, các em học sinh chen chúc nhau trong một căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng, chỉ đủ kê hai hàng giường và một lối đi. Phòng có 10 giường, được kê thành 2 tầng, là nơi sinh hoạt sau giờ học của gần 30 em học sinh (2 – 3 em chung một chiếc giường đơn). Trong phòng, bày đủ lỉnh kỉnh những chăn, màn,quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân… mà mới thoạt nhìn, nhiều người sẽ không nghĩ đây lại là nơi ở và học tập hàng ngày của các em. Thượng Tân có 145 em học sinh ở nội trú nhưng chỉ có 6 phòng học như vậy. Cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu phó nhà trường dẫn tôi đi từng căn phòng nhỏ, chia sẻ những nỗi niềm của người làm quản lý: “Thương các em phải sinh hoạt trong những căn phòng chật chội, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với các cấp, các ngành, nhưng vẫn chưa có hồi âm. ở Thượng Tân, cả hai trường vẫn đang phải học chung cơ sở vật chất. Để giải quyết tạm thời vấn đề nhà ở cho học sinh bán trú, nhà trường và phụ huynh học sinh đã tận dụng các loại gỗ được khai thác của gia đình để dựng tạm nhà, đóng giường, UBND xã hỗ trợ tấm lợp pờrô xi măng, trước mắt tách các em ra để đảm bảo không gian học tập”.

Có chung cảnh ngộ, tại Trường PTDT Bán trú – THCS xã Minh Sơn, hơn 250 học sinh bán trú đang ở trong 10 phòng học (Mỗi phòng học có 12 giường đơn); tình trạng quá tải cũng đang diễn ra tại các trường PTDT Bán trú – THCS Giáp Trung, Yên Cường… Sự quá tải về nhà ở, kéo theo những khó khăn, áp lực về việc quản lý, vệ sinh, môi trường và điều kiện phát triển. Bước vào năm học này, huyện Bắc Mê quyết định cấp 3 bộ đồ nấu ăn đầy đủ (khoảng 100 triệu đồng/bộ) cho 3 Trường PTDT Bán Trú - THCS các xã có đông học sinh ở bán trú là Minh Sơn, Giáp Trung, Yên Cường nhằm đảm bảo điều kiện học tập tốt hơn cho các em. Năm học 2014- 2015, Bắc Mê có 44 trường học với 816 lớp, 14.968 học sinh ở các cấp học; trong đó có 3.284 học sinh ở bán trú thuộc 13 xã, thị trấn trên địa bàn; đặc biệt tại 4 trường PTDT bán trú có đến gần 900 em học sinh ở bán trú.

Thực tế, điều không thể phủ nhận là việc học bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách đáng kể, đồng thời giảm được số lượng biên chế giáo viên vì không phải đứng lớp tại một số điểm trường. Là một huyện khó khăn với địa hình đồi núi, giao thông trở ngại, đa số học sinh đều nhà ở xa trung tâm xã, thường xuyên bỏ học theo bố, mẹ đi làm nương… thì việc các em ở bán trú, cùng nhau ăn, học, giao lưu, gặp gỡ bạn bè, trao đổi học tập, sinh hoạt ngoại khóa, được thầy cô giúp đỡ, quản lý… sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động và duy trì sỹ số học sinh, đồng thời giúp các em mạnh dạn giao tiếp, tiếp cận nhanh hơn với kiến thức các bài giảng.

Theo ông Nguyễn Đức Thủy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Mê thì số lượng học sinh đăng ký ở bán trú tăng nhanh, trong khi cơ sở vật chất hầu như không có gì thay đổi; điều này không chỉ gây áp lực cho công tác quản lý của các nhà trường mà chất lượng giáo dục cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngành chức năng và các trường học mong muốn sự chung tay của toàn xã hội để các em học sinh được học tập, vui chơi trong những điều kiện tốt nhất.

Chiếc áo cũ đã quá chật, gây cảm giác không thoải mái cho người mặc… Xin được gửi ý kiến này đến các cấp, các ngành để cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khắc phục tình trạng “quá tải” này, đảm bảo chất lượng giáo dục được phát triển bền vững.


AN GIANG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký ức ngày khai trường
HGĐT- Ai đã đi qua những năm tháng học trò của nhiều năm về trước, hẳn sẽ khôngquên được sắc mầu, hương vị và âm thanh..., rất đặc trưng của ngày khai trường. Mỗi người có cảm nhận, ký ức riêng, nhưng có lẽ sẽ có một điểm chung về ngày khai trường, đó là một cảm giác ấm áp, hạnh phúc của tuổi học trò, để lại những hoài niệm đẹp cho mỗi người.
30/09/2014
Trường học nhiều năm không có nhà vệ sinh
HGĐT - Nhiều năm nay, thầy và trò Trường THCS Đường Thượng (xã Đường Thượng, Yên Minh) phải sống trong cảnh “bi hài” vì không có nhà vệ sinh.
29/09/2014
Huyện Vị Xuyên: Khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” và kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam
HGĐT - Sáng 29.9, huyện Vị Xuyên đã tổ chức khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, kỷ niệm ngày Khuyến học việt nam và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi năm học 2013-2014. Tới dự buổi lễ có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Vị Xuyên; đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT, Hội khuyến học tỉnh; các phòng, ban của
29/09/2014
Sơ kết Quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành Giáo dục với LĐLĐ các huyện, thành phố
HGĐT- Sáng 26.9, tại Sở GD&ĐT, Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp giữa CĐ ngành Giáo dục với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các huyện, thành phố giai đoạn 2012 – 2014 và ký kết quy chế phối hợp thực hiện giai đoạn 2014 – 2017. Đến dự có lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Sở GD&ĐT cùng đại diện
26/09/2014