Tươi mới những “mảng mầu du lịch”

20:09, 09/12/2014

HGĐT- Một người bạn của tôi quay lại thăm Hà Giang sau gần chục năm xa cách, chia sẻ “Thực không dám tin rằng Hà Giang lại có ngày hôm nay. Đường phố, quán sá, đâu đâu cũng bắt gặp khách du lịch... Không khí, vóc dáng của một vùng đất du lịch đang từng bước được hình thành và ngày càng rõ nét”.


Đó không chỉ là lời tâm sự của một người xa quê lâu ngày mà cũng chính là nhận định chung cho tất cả những ai từng biết đến Hà Giang trước đây cũng như hiện tại. Từ một vùng đất chỉ cần nhắc đến là khiến mọi người liên tưởng ngay đến đói nghèo, lạc hậu. Chỉ cách Hà Nội 300 cây số, nhưng Hà Giang luôn được nói đến như một vùng đất vô cùng xa xôi hẻo lánh. Còn ngày hôm nay, người ta nhắc đến Hà Giang như một điểm du lịch hấp dẫn, là vùng đất với bao điều thú vị, bí ẩn cần được chinh phục, khám phá. Hà Giang đã và đang tạo ra cái nhìn khác lạ, tươi mới trong mắt du khách gần xa...

 

Những đổi thay tích cực của ngày hôm nay chính là kết quả của sự định hướng đúng đắn của tỉnh ta. Xác định du lịch và dịch vụ là lĩnh vực “mũi nhọn”, trên cơ sở Nghị quyết số 01-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2015 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2005 – 2010), UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 35/CT-UBND ngày 14.8.2006 triển khai đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tập trung khai thác các thế mạnh địa phương.


Chủ trương này tiếp tục được cụ thể tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) bằng Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29.3.2013 của BTV Tỉnh ủy về phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 – 2020. Với tinh thần “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1646/QĐ – UBND ngày 20.8.2014. Đây chính là những định hướng đúng đắn, kịp thời của tỉnh, mở ra cho ngành Du lịch con đường lớn, phát triển bền vững.



Thân thương bờ rào đá trên Công viên Địa chất Toàn cầu.Ảnh: TƯ LIỆU


Với phương châm “văn hóa là nền tảng phát triển du lịch”, những năm qua, công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống, các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phục vụ du lịch đã được quan tâm đầu tư. Có thể kể đến những thành quả bước đầu, như đã tổ chức phục dựng thành công các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Lễ Cấp sắc dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc), Lễ hội Khèn Mông (huyện Đồng Văn)... Bên cạnh đó, một số nghề thủ công truyền thống của đồng bào cũng từng bước trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, như: Nghề dệt lanh, thêu thổ cẩm của phụ nữ Mông (Lùng Tám, Quản Bạ), nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ làng Lô Lô Chải (Mèo Vạc), nghề làm khèn Mông ở xã Hố Quáng Phìn, Tả Cổ Ván (Đồng Văn)... Đặc biệt, hệ thống các di tích trọng điểm như Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự Dòng họ Vương, khu phố cổ Đồng Văn; di tích Bia và Chuông chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm, di tích khảo cổ Chùa Nậm Dầu (Vị Xuyên); danh lam thắng cảnh Đèo Mã Pì Lèng, Núi Đôi... được khai thác tốt phục vụ du khách nhiều năm qua. Không dừng lại ở kết quả đã có, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hà Giang vẫn đang được ngành chức năng quan tâm làm tốt, ngày càng có nhiều di tích, di sản được công nhận, khai thác và quảng bá trong nước cũng như Quốc tế. Đây chính là nguồn tiềm năng du lịch dồi dào, bền vững của tỉnh.


Hẳn những người quan tâm đến mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc còn nhớ dấu mốc quan trọng, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển du lịch của tỉnh: Tháng 10.2010, Cao nguyên đá Đồng Văn vinh dự được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC). Ngày 7.2.2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 đến 2020, tầm nhìn 2030. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá về chất cho toàn ngành Du lịch, sự chuyển mình quan trọng trong xây dựng Thương hiệu du lịch Hà Giang.


Xác định Hà Giang là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, mà CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn chính là điểm nhấn, thương hiệu. Do đó, công tác bảo tồn di sản địa chất, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và quảng bá, giới thiệu hình ảnh về CVĐCTC được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo làm tốt. Kết quả, tháng 9 vừa qua, CVĐCTC-Cao nguyên đá Đồng Văn đã được tái đánh giá và được coi như 1 hình mẫu của phát triển bền vững trong khu vực.


 
Khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, bảo tồn di sản địa chất và đa dạng sinh học của CVĐCTC... phục vụ phát triển du lịch, từ đó phát triển KT-XH của vùng, có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương, góp phần nâng cao đời sống đồng bào. Chính nhờ cách làm hiệu quả này, lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng nhanh theo từng năm. Năm 2014 tăng 23% so với năm 2013, đạt 650 nghìn lượt khách.


Để có được những kết quả trên, sự nghiệp phát triển du lịch đã nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của toàn xã hội; sự thống nhất cao từ công tác chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. Các địa phương đều xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo phát triển du lịch thuộc về cấp ủy, trực tiếp là người đứng đầu. Điều này là yếu tố quan trọng để những chủ trương lớn phấn đấu đưa Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia sớm trở thành hiện thực.


So sánh với một số tỉnh trong vùng, du lịch Hà Giang phát triển muộn hơn. Tuy nhiên, đó cũng là một lợi thế vì chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, lựa chọn cho mình mô hình phù hợp, phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường, thiên nhiên. Và trên hết, chính là luôn đặt lợi ích của người dân bản địa lên hàng đầu, người dân sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch.


Từ những bước đi, kết quả đạt được, có thể khẳng định những nỗ lực nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh là hướng đi đúng đắn. Đồng thời, là minh chứng sinh động cho khẩu hiệu hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang: “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển...”.


HÙNG HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ở nơi đá nở hoa
Bấy lâu nay, Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực bắc Tổ quốc vẫn ghi dấu trong lòng lữ khách bởi hai thứ mà nghe qua tưởng chừng như chẳng hề liên quan đến nhau: đó là đá và hoa.
31/10/2014
Bảo tồn, xây dựng và phát triển bền vững Công viên Địa chất
HGĐT- Vừa qua, Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) vinh dự được tái công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC). Qua 4 năm xây dựng, với nỗ lực lớn của các cấp, ngành T.Ư, đặc biệt là sự nỗ lực của Hà Giang, CNĐĐV không ngừng khởi sắc, được các chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC đánh giá cao. Nhân dịp này, phóng viên (PV) có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Trần
29/10/2014
Du lịch Thu Đông lên ngôi
Sau một thời gian dài chỉ biết tới du lịch hè, nghỉ dưỡng biển, du khách Việt đã bắt đầu quan tâm hơn tới những sản phẩm du lịch mới, trái vụ. Và đây chính là cơ hội mới cho các hãng lữ hành.
28/11/2014
“Đánh thức” tiềm năng du lịch bằng chính sản phẩm du lịch
HGĐT- Hiện Hà Giang được đánh giá là điểm nhấn du lịch ở khu vực các tỉnh Đông - Tây Bắc, là nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Với hệ thống 23 di tích, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp Quốc gia, 8 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 2 bảo vật Quốc gia và 29 di tích, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh. Tỉnh đang khai
28/10/2014