Hà Giang

Hội ngộ giữa mùa Tam giác mạch

10:46, 07/10/2014

HGĐT- Năm nay là năm thứ ba, Đoàn thanh niên Báo đảng hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang tổ chức chương trình giao lưu thường niên. Chúng tôi trở lại hội ngộ các anh chị đồng nghiệp của Báo Hà Giang đúng mùa hoa tam giác mạch bạt ngàn phủ khắp các triền đồi nơi địa đầu Tổ quốc…



Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang chụp hình lưu niệm tại Quảng trường 26-3, thành phố Hà Giang. Ảnh: Quang Hòa

Cảm nhận đầu tiên của Đoàn Báo Tuyên Quang khi lên với Hà Giang vẫn là những tình cảm ấm áp, ân cần như chờ đón người anh em. Mặc dù đã được Phó Tổng Biên tập Sùng Mí Chứ thông báo sáng hôm sau phải khởi hành sớm mới kịp về trong ngày. Nhưng chương trình giao lưu văn nghệ tối hôm trước vẫn diễn ra rất sôi nổi. Lời ca, tiếng hát giữa cán bộ, đoàn viên của hai Báo tưởng như không dứt.

 

5 giờ sáng hôm sau, đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Hà Giang ngược lên Cao nguyên đá Đồng Văn theo Quốc lộ 4C - con đường nổi tiếng trong giới du lịch bởi vẻ đẹp dữ dội. Con đường thoai thoải cho đến tận xã Minh Tân (Vị Xuyên) thì bắt đầu dốc lên vắt vẻo. Qua xã Quyết Tiến chừng gần 10 km là tới cổng trời Quản Bạ. Treo mình giữa hai hẻm núi nhô ra trên đỉnh của con đường, cổng trời Quản Bạ quanh năm bồng bềnh trong mây. Đến đây thì trời vừa sáng rõ. Cả thị trấn Tam Sơn bình yên hiện ra dưới thung lũng. Chúng tôi lại được chiêm ngưỡng vẻ đẹp Núi Đôi - Một trong những điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang. Chúng tôi đi qua xã Lùng Tám, nằm dưới dãy núi là làng nghề dệt lanh xuất khẩu nổi tiếng của người Mông. Dọc đường từ huyện Quản Bạ lên Yên Minh thi thoảng lại bắt gặp những người Mông vội vã xuống chợ, đeo khuẩy tấu và cả những phụ nữ Mông vừa đi tay vừa se từng sợi lanh. Hai bên đường là rừng thông chẳng khác gì khung cảnh mộng mơ của Đà Lạt. Những hàng cây sa mộc vững chắc hiện ra trong mây. Theo một số đồng nghiệp của Báo Hà Giang, cây sa mộc và cây thông không chỉ được trồng tạo cảnh quan, chống xói mòn mà còn được trồng làm hành lang bảo đảm an toàn giao thông. Tỉnh uỷ Hà Giang đã có một Nghị quyết về trồng cây cảnh quan, Trong đó có 3 loại cây là thông, sa mộc và đào.

 


                   Những đứa trẻ vùng cao ngộ nghĩnh. Ảnh: Quang Hòa

Từ cuối xã Vần Chải ngược lên Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn hàng đào cổ thụ được trồng hai ven đường, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Phố Cáo. Ở đây, nhà nào cũng có vài ba cây đào cổ thụ. Mùa này, những cây đào khẳng khiu chỉ chờ đua nhau khoe sắc thắm khi xuân đến. Khí hậu mát mẻ nên Hà Giang là thiên đường của các loài hoa: Hoa đào, mận, lê. Còn thời điểm này đang là mùa hoa bạc hà, hoa tam giác mạch. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những triền hoa tam giác mạch trong nắng sớm. Khi những thửa ruộng bậc thang bắt đầu được thu hoạch cũng là lúc hoa tam giác mạch nở. Hoa tam giác mạch có ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì nhưng nhiều nhất là ở Đồng Văn. Ở đây, hoa tam giác mạch tập trung nhiều ở các xã Lũng Táo, Sủng Là, Má Lé, Lũng Cú. Hoa tam giác mạch hiện không chỉ là đặc sản thu hút khách du lịch mà còn được dùng để chưng cất rượu, làm bánh. Rượu hoa tam giác mạch nổi tiếng thơm ngon và hiếm. Hoa tam giác mạch mọc thành từng dải giữa những mỏm đá tai mèo nhấp nhô. Hoa thường nở rộ dịp cuối Thu (tháng 10, đầu tháng 11). Chẳng ai có thể ngờ được vùng Cao nguyên cằn cỗi, toàn đá lại có thể mọc lên loài hoa đẹp dịu dàng đến vậy; có khi bạt ngàn như cánh đồng, lúc chênh vênh thành những nương hoa, rồi lại nấp mình trong khe đá... Dù ở đâu, hoa Tam giác mạch cũng làm nao lòng những tâm hồn yêu hoa. Thật đúng là “Cỏ cây chen đá, lá xen hoa”. Đoàn của hai Báo dừng lại cánh đồng hoa tam giác mạch ở trung tâm xã Sủng Là (Đồng Văn). Nơi đã quay những thước phim rất đẹp cùng câu chuyện giàu tính nhân văn về tình yêu, tình người trong “Chuyện của Pao”. Các tay máy của hai Báo bấm máy liên tục không bỏ lỡ những bức ảnh để đời. Chúng tôi tiếp tục hành trình lên cột cờ quốc gia Lũng Cú. Con đường cheo leo bám vào vách đá chẳng khác nào một đường phấn vạch vào lưng núi. Chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi sự hùng vĩ, tráng lệ của những mỏm đá triền miên, bất tận. Theo anh Phan Văn Mạnh, phóng viên Báo Hà Giang, ngày 3.10.2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GNN). Đây là CVĐC đầu tiên của Việt Nam và là Công viên thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, tạo cơ hội mới cho công tác bảo tồn giá trị di sản và phát triển bền vững vùng Cao nguyên đá. Cao nguyên đá Đồng Văn có 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo và rất nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích, trong đó có nhiều di sản được xếp hạng Quốc gia và Quốc tế. Đó là các bề mặt san bằng, bậc thềm sông, đồng bằng gặm mòn chân núi, hang động kỳ vĩ ở nhiều bậc độ khác nhau, rồi những rừng đá, hoang mạc đá cùng núi đá vôi dạng nón liền, nón dời hình kim tự tháp… Từ khi được GNN công nhận, Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn di sản; đầu tư lớn trên một số lĩnh vực. Hà Giang đang triển khai làm mới hàng loạt hộ lan đường bộ. Các biển báo, biển hiệu ở trụ sở, trường học, trạm y tế đều được viết bằng hai thứ Tiếng Việt và Tiếng Anh. Điều đó cho thấy Hà Giang đang tập trung phát triển mạnh cho du lịch đồng thời có nhiều nỗ lực trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

 


Ai cũng thích được chụp ảnh với hoa tam giác mạch ở xã Sủng Là (Đồng Văn). Ảnh: Quang Hòa


            Cảnh vật, con người nơi đây thật lãng mạn. Ảnh: Quang Hòa

Trên đường tới chân cột cờ quốc gia Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, những dải hoa tam giác mạch mọc trên đồi, sườn núi cứ làm say lòng người. Được trò chuyện, giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú chúng tôi càng hiểu hơn về đời sống, hy sinh thầm lặng của các anh để bảo vệ chủ quyền nơi biên cương. Chạm tới cột cờ Lũng Cú, dưới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 thấy dáng hình Tổ quốc hiện lên thật thiêng liêng. Lũng Cú theo tiếng Mông nghĩa là “Long Cư”, là nơi cư ngụ của rồng. Còn theo một truyền thuyết khác thì sau khi vua Quang Trung đại thắng giặc xâm lược phương Bắc, ông cho đặt một chiếc trống đồng lớn tại đây. Trống được gióng lên ba hồi sau mỗi canh giờ vang xa đến bên kia biên giới. Đó là những hồi trống khẳng định chủ quyền của đất nước. Vì thế Lũng Cú còn có nghĩa là “Long cổ” nghĩa là trống của vua. Trời mưa to khi chúng tôi đến Mã Pì Lèng nhưng cũng không làm giảm sự hứng khởi của thanh niên hai Báo. Nằm giữa hẻm vực sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á vốn được mệnh danh là “Đệ Nhất Hùng Quan”, sông Nho Quế như sợi chỉ mỏng manh vắt qua. Cùng với di tích lịch sử - danh thắng quốc gia Con đường Hạnh Phúc - con đường huyền thoại do con người làm nên với biết bao công sức, xương máu đã đổ xuống trong nhiều năm. Nơi đây đã trở thành cảnh quan hoành tráng nhất của Công viên Địa chất.

 


Chi đoàn Báo Tuyên Quang tặng Đồn Biên phòng Lũng Cú lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Ảnh: Quang Hòa

Nghe phóng viên Báo Hà Giang kể chuyện nghề, chúng tôi thật sự chia sẻ khó khăn với các anh chị đồng nghiệp. Chị Ma Thị Thuỷ, Bí thư Chi đoàn Báo Hà Giang là người Tuyên Quang công tác ở Hà Giang đã 14 năm. Quen với những cung đường hiểm trở, ngoằn ngoèo, vậy mà có lúc đi cơ sở bằng xe máy chị vẫn bị…say. Hà Giang có 11 huyện, thành phố với 195 xã, phường, thị trấn nhưng chỉ có 8 phóng viên biên chế. Mỗi huyện chỉ có một phóng viên phụ trách. Vì thế việc cắm bản hàng tuần trời của phóng viên Báo Hà Giang mỗi chuyến đi công tác là chuyện thường. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì Báo Hà Giang còn được tỉnh đánh giá cao trong thực hiện các hoạt động từ thiện. Từ năm 1999 đến nay, Báo Hà Giang nhận giúp đỡ một số xã nghèo của huyện Mèo Vạc như Lũng Chinh, Nậm Ban, Sơn Vĩ, Sủng Trà. Cùng với các hoạt động thiết thực trước đây như tặng bò giống, xóa nhà tạm, tổ chức Tết trung thu trị giá hàng tỷ đồng tại các xã này thì vừa qua, Báo Hà Giang còn kêu gọi ủng hộ xây dựng được một điểm trường mầm non tại xã Sủng Máng. Hiện nay, Báo Hà Giang cũng đang tích cực phối hợp với Đoàn từ thiện thành phố Hà Nội triển khai việc rà soát, hỗ trợ xây dựng một số cây cầu treo tại các xã khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Ở Báo Hà Giang, người Tuyên Quang lên công tác cũng nhiều, người từ miền Trung ra cũng có nhưng tất cả đều có chung tình yêu, gắn bó với nghề, với mảnh đất và con người nơi địa đầu Tổ quốc.

 

Đoàn chúng tôi chạm đến địa phận huyện Mèo Vạc, về Quản Bạ thì trời tối. Cao nguyên về đêm hư ảo, lấp lánh những ngọn đèn toả ra từ những ngôi nhà của người Mông. Tôi biết, có thể còn lâu nữa tôi mới có được cảm xúc như vậy. Trong tôi dường như còn vấn vít, nồng nàn men rượu hoa tam giác mạch, nồng nàn tình người, tình anh em của hai Báo dành cho nhau.


Ghi chép: Tuệ Văn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyến rũ mùa tam giác mạch nơi Cao nguyên đá
Những ngày tháng 10, khi màu vàng óng ả của những nương ruộng bậc thang nhường chỗ cho những bông hoa nhỏ li ti, phơn phớt trắng hồng điểm tím, là khi ấy, Hà Giang bước vào mùa hoa tam giác mạch. Những vạt hoa tam giác mạch bung nở tạo thành những thảm hoa bồng bềnh trải dài khắp các sườn núi, bản làng, dọc đường đi… Hà Giang bỗng như đẹp dịu dàng như một người thiếu nữ,
29/09/2014
Ngày đón nhận Thẻ xanh
HGĐT- Năm 2010, chúng ta không khỏi vui sướng và tự hào khi Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), nơi chứa đựng những nỗi nhọc nhằn, khó khăn bậc nhất cả nước, nhưng cũng là một nơi có những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, những điều còn kỳ bí đã được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) - Thẻ xanh.
29/09/2014
Khám phá sông Gâm mùa nước lên
HGĐT- Từ ngày thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) đóng đập, dâng nước (năm 2006), dòng sông Gâm hiền hòa, uốn lượn cung cấp nguồn thủy sản quý hiếm: Dầm xanh, Anh vũ, Nheo, Sứt mũi, Ngạnh, tôm Bó Củng… đã biến thành lòng hồ Thủy diện Nà Hang mênh mông nước.
26/09/2014
Một vòng Cao nguyên đá
Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc với cột cờ Lũng Cú, với con đường hạnh phúc huyền thoại sẽ vẫn là điểm đến cho những đoàn người yêu núi và thích xê dịch.
25/09/2014