Hà Giang

9 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh, tự tin, vượt khó của phụ nữ Việt Nam

09:57, 20/10/2022

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của phụ nữ ngang với nam giới và cũng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu của thế giới đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc (năm 1959). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc (năm 1959). Ảnh tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ, giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là kết quả của sự hội tụ những truyền thống văn hoá gia đình, quê hương đất nước; của các giá trị văn hoá nhân loại được chắt lọc và lan toả thông qua tư chất của một con người kiệt xuất. Người đã có nhiều câu nói/luận điểm quan trọng đề cao năng lực, bản lĩnh cũng như về sự tự tin, vượt khó của phụ nữ Việt Nam.

1. "Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời"

Khi bàn về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh đánh giá một cách khách quan về khả năng, bản lĩnh của phụ nữ. Người nhìn nhận và tin tưởng vào khả năng của phụ nữ không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn có khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội và họ hoàn toàn có đủ khả năng làm tốt các nhiệm vụ được giao.

2. "An Nam Cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công"

Hồ Chí Minh hết sức tự hào về hình ảnh phất cờ khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc của Hai Bà Trưng. Người viết: "Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân"; đồng thời, nhìn ra thế giới Cách mạng thành công đều phải có phụ nữ tham gia. Hồ Chí Minh chỉ rõ, Cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không thể giành được thắng lợi, nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ.

3. "Tôi kính cẩn nghiêng mình trước các linh hồn liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc… Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con liệt sĩ mà trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc đang gánh một phần quan trọng"

Với nhãn quan khoa học, Hồ Chí Minh thấy rõ được bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam trong tham gia kháng chiến và sản xuất. Các bà, các chị đã vượt qua muôn vàn nguy hiểm, gian khổ để bảo vệ Cách mạng, cán bộ hoạt động Cách mạng. Người luôn dành sự tri ân, biểu dương những tấm gương phụ nữ điển hình như chị Nông Thị Trưng (Cao Bằng), chị Mã Thị Phảy (Lạng Sơn); chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc. Những tấm gương của mẹ Suốt (Quảng Bình), mẹ Cán (Sơn La), mẹ Đích (Thái Bình)… đã chịu đựng những mất mát đau thương góp phần vào giải phóng dân tộc.

4. "… từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng"

Tự hào về những thành tích của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh đã tuyên dương: "Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí, dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là "Đội quân tóc dài". Người tự hào: "Phó tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta"

5. "… Có thể nói rằng ở Đông Nam Á, phụ nữ Bắc Việt Nam là người lao động cừ nhất"

Trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội, phụ nữ đã tích cực đóng góp công sức vào xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hồ Chí Minh kết luận: "Sức lao động của phụ nữ ở đây thật lạ lùng… Họ thay thế công việc cho những trai tráng đi bộ đội, bất kỳ việc gì nặng nhọc đến mấy, họ cũng làm được".

6. "Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"

Đây là một tổng kết mang tính lịch sử, đồng thời mang tính dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ sở, tiền đề cho sự hình thành các quan điểm của Người về giải phóng phụ nữ và thực hiện "nam nữ bình quyền".

7. "Phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật"

Thấy rõ được năng lực, bản lĩnh của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, họ không thua kém gì so với nam giới, do vậy, Hồ Chí Minh khẳng định Cách mạng xã hội chủ nghĩa muốn thành công nhất định phải giải phóng phụ nữ, phải tạo điều kiện cho họ phát triển bình đẳng với nam giới. Tuy nhiên, "đây là cuộc cách mạng to và khó". Để thực hiện thành công cuộc cách mạng to và khó này, Hồ Chí Minh không chỉ đề nghị cán bộ các cấp phải quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ mà Người chỉ rõ, bản thân phụ nữ phải tự mình vươn lên, góp phần vào chữa bệnh thành kiến của người khác.

8. "…, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh"

Để ngang quyền với đàn ông, bên cạnh việc đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện đưa phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, bản thân chị em phụ nữ phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, luôn có ý thức vươn lên, chủ động trong lao động, học tập, sáng tạo, nâng cao trình độ, tích cực tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội.

9. "… Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ"

Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, Hồ Chí Minh luôn trăn trở để đem lại quyền bình đẳng và phát triển thật sự cho phụ nữ chỉ có thể thành công khi kết hợp cả hai yếu tố khách quan, chủ quan, trong đó bản thân người phụ nữ có ý nghĩa quyết định. Do vậy cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn dành một phần trong Di chúc để nói về vấn đề này.

***

Những câu nói của Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích nhưng chứa nhiều hàm ý sâu sắc, như những lời răn dạy, chỉ dẫn quý báu đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và bản thân phụ nữ trong sự nghiệp thực hiện quyền của phụ nữ và xây dựng xã hội mới.

Theo phunuvietnam.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người phụ nữ nặng lòng với du lịch
BHG - Là người “ngoại đạo” nhưng bén duyên với ngành Du lịch (DL), gần 20 năm gắn bó với DL Hà Giang từ những ngày đầu còn khó khăn đến khi DL đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chị Vừ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh, Tổng Thư ký Hiệp hội DL tỉnh đã dành tất cả tình yêu, tâm sức để mang đến những trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt cho du khách khi đến Hà Giang.
20/10/2022
Hà Giang đẹp nên thơ trong mắt cô gái 8X
Vân Hni (TP Hồ Chí Minh) đã dành 4 ngày thăm thú nhiều cảnh đẹp Hà Giang, đặc biệt là tự trải nghiệm bằng xe máy trên các cung đường đèo.
19/10/2022
Ra mắt sản phẩm du lịch “Đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa”
BHG - Chiều 18.10, tại huyện Mèo Vạc, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch “Đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa”. Đến dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch); lãnh đạo 4 huyện vùng Cao nguyên đá; Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nông Thúy Hằng; cùng một số đơn vị truyền thông và doanh nghiệp du lịch trong nước.
18/10/2022
Phát triển du lịch từ mạch nguồn di sản
BHG - Với ngành Du lịch (DL), bên cạnh các yếu tố về chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực, thì di sản văn hóa, thiên nhiên đóng vai trò quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng về sản phẩm, định vị hình ảnh và xây dựng thương hiệu DL, thu hút đông đảo du khách.
18/10/2022