Nỗi niềm phóng viên vùng cao

16:46, 20/06/2022

BHG - Nhắc đến nghề báo, không ít người sẽ hình dung về một lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều thú vị, điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Với các phóng viên vùng cao thì công việc còn chứa đựng nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả mà chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giúp họ vượt qua mọi khó khăn để đến với dân, lắng nghe ý kiến của dân, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Đảng, chính quyền và ngược lại.

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở.

Với nhà báo là nam giới đã vất vả, phụ nữ làm báo ở vùng cao lại càng vất vả hơn. Trải qua hai năm dịch bệnh Covid-19 với thật nhiều cảm xúc với những người làm báo. Trong đó, có nhiều nữ phóng viên đã dấn thân trên tuyến đầu chống dịch, luôn có mặt ở những điểm nóng để phản ánh thông tin kịp thời nhất, mang đến cho nhân dân những thông tin sát thực nhất về tình hình dịch bệnh. Nữ nhà báo Thu Phương (Báo Hà Giang) chia sẻ: “Niềm vui khi những “đứa con tinh thần” được độc giả đón nhận chính là động lực lớn nhất giúp “phái yếu” chúng tôi vượt qua khó khăn, vất vả trong khi làm báo. Hơn nữa, được đến với đồng bào, phản ánh và sẻ chia những khó khăn của đồng bào không chỉ là công việc, nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm của những người làm báo”.

Là tỉnh có địa bàn rộng với 193 xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn về giao thông, địa hình cách trở, nhiều thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa. Do đó, phương tiện di chuyển của phóng viên khi xuống cơ sở tác nghiệp chủ yếu là xe máy. Nhiều tuyến đường vào xã, bản, mùa mưa đi lại rất khó khăn, thậm chí tắc đường do sạt lở đất, đá, nhiều khi các phóng viên phải đi bộ cả quãng đường dài. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo vùng cao đã không ngại khó, ngại khổ “lăn lộn” ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là “cầu nối” đưa những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc miền núi đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại. Quá trình đi cơ sở, ít được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nên trong mỗi chuyến đi, phóng viên vùng cao đều chủ động lên lịch, sắp xếp công việc từ trước, tránh lãng phí thời gian, công sức. Và để bảo đảm cao nhất tính thời sự, sau mỗi sự kiện, trong lúc mọi người đã nghỉ ngơi thì họ lại bắt tay vào viết, truyền tin bài về cơ quan để bộ phận biên tập kịp thời sửa, lên trang báo. Do đó, để tác nghiệp hiệu quả ở những vùng khó khăn, ngoài bản lĩnh, mỗi phóng viên, nhà báo đều gắn thêm trách nhiệm song hành.

Việc làm báo ở các tỉnh vùng cao đến bây giờ dù đã được quan tâm hơn trước song vẫn còn rất nhiều thiếu thốn như về phương tiện kỹ thuật để tác nghiệp, nhiều khi không phải vì không có mà chỉ đơn giản là… không thể mang theo được. Quá trình đi tác nghiệp của phóng viên vùng cao, việc đi bộ, leo đồi núi để đến các thôn, bản, mô hình phát triển kinh tế là rất thường xuyên. Vậy nên nhà báo tác nghiệp chỉ có thể mang theo những vật dụng, phương tiện thực sự cần thiết, đôi khi chỉ là duy nhất một chiếc máy ảnh, một chiếc máy quay...

Đối với phóng viên nữ, ngoài công tác chuyên môn, với thiên chức phụ nữ, họ còn phải dành nhiều thời gian chăm lo cho cuộc sống gia đình. Có những nữ phóng viên dù đang mang thai nhưng vẫn đi cơ sở lấy thông tin, hình ảnh viết bài. Bởi nghề báo là cần đi để phán ảnh thông tin liên tục. Còn một điều nữa cũng cần sẻ chia với nhà báo vùng cao đó là trong quá trình tác nghiệp, họ luôn phải đối diện với những nguy hiểm, phải đối mặt với những tình huống không được báo trước. Chị Phương Duyên, phóng viên Đài PT-TH tỉnh, chia sẻ, có lần chị đi tác nghiệp ở cơ sở bằng xe máy, khi đi vừa phải chở người và đồ vật cồng kềnh như máy quay, ba lô nên gặp đoạn đường khó đi đã bị ngã xe, may mắn được người đi đường kịp thời đưa vào bệnh viện.

Làm báo ở vùng cao thật nhọc nhằn và đầy gian khó, nhưng ở đó luôn ẩn chứa hơi thở cuộc sống và thấm đẫm tình người. Phóng viên vùng cao luôn được hòa mình trong nhịp đập cuộc sống của đồng bào các dân tộc, được đặt chân trên những dải biên cương hùng vĩ của Tổ quốc, được tận mắt nhìn thấy những công việc giản dị mà cao đẹp của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền đất nước… Bà con các dân tộc dù là người Mông, Dao, Tày Nùng, Bố Y, Lô Lô… luôn giàu lòng hiếu khách. Nhà báo bao giờ cũng là khách quý của thôn, bản luôn được đồng bào quý trọng. Chính điều này đã thôi thúc, động viên những phóng viên, nhà báo vùng cao không ngừng nỗ lực trong công việc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa trọng trách là “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào các dân tộc vùng cao, góp phần xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí từ sinh hoạt nghiệp vụ
BHG - Những năm qua, Báo Hà Giang luôn bám sát định hướng tuyên truyền của tỉnh để phản ánh dưới nhiều góc độ khác nhau, đem đến cho bạn đọc, người xem, người nghe cái nhìn đa chiều, toàn diện về đời sống, kinh tế - xã hội.
20/06/2022
Nghề báo giúp tôi được gặp gỡ nhiều nhạc sỹ đáng kính
Nghề báo là nghề phục vụ xã hội và trong vô số những lần đi phục vụ ấy, tôi đã không ít lần được gặp các nhạc sỹ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam, được tâm sự và nghe họ trải lòng về con đường, sự nghiệp âm nhạc đầy cống hiến của mình.
20/06/2022
Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội
BHG - Sự phát triển của công nghệ kéo theo sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH). MXH là sản phẩm mang tính đột phá của công nghệ. Với những ưu thế vượt trội về sự đa chiều, đa dạng, nhạy cảm của thông tin, MXH thực sự đang ngày càng chiếm lĩnh không gian thông tin có tác động rất lớn đến nhận thức, quan điểm và cách hành xử thế nào cho phù hợp của công chúng và cơ quan quản lý thông tin.
19/06/2022
Ngày của Cha và những điều có thể bạn chưa biết
Ngày của Cha là dịp để tôn vinh công lao, sự hy sinh của người cha dành cho con cái và gia đình, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết rõ về nguồn gốc ngày này.
19/06/2022