Nghề báo giúp tôi được gặp gỡ nhiều nhạc sỹ đáng kính

09:53, 20/06/2022

BHG - Nghề báo là nghề phục vụ xã hội và trong vô số những lần đi phục vụ ấy, tôi đã không ít lần được gặp các nhạc sỹ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam, được tâm sự và nghe họ trải lòng về con đường, sự nghiệp âm nhạc đầy cống hiến của mình.

Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, tác giả của ca khúc “Đất nước” trong lần hiếm hoi ông đến Hà Giang
Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, tác giả của ca khúc “Đất nước” trong lần hiếm hoi ông đến Hà Giang. ảnh: ĐT

Trong số những nhạc sỹ tên tuổi tôi được phỏng vấn, được tâm sự, có nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, tác giả của các nhạc phẩm để đời, như: “Đất nước”, “dấu trân phía trước”, “thành phố tình yêu và nỗi nhớ”… Đó là một lần nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đến với Hà Giang, thấy tôi đề đạt mong muốn được gặp nhạc sỹ, đại diện một Tập đoàn đã giúp tôi liên hệ và được nhạc sỹ đồng ý. Một buổi tối đặc biệt khi tôi được người nhạc sỹ tài hoa này tâm sự nhiều điều về cuộc đời sáng tác, kể về những sáng tác để đời của mình, một trong số đó là nhạc phẩm “đất nước” với những giai điệu “đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”.

Trước cảm xúc lần đầu được gặp người nhạc sỹ đã quá nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam, sống ở tận thành phố Hồ Chí Minh, những câu chuyện nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn kể với chúng tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh và những câu chuyện ông kể không làm tôi thất vọng về môt hình tượng người nhạc sỹ đầy tài hoa, cá tính và đầy khí thế cách mạng. Thế nhưng, sau một buổi tối nói chuyện cực kỳ thú vị ấy, trước khi tôi hỏi một câu kết cho cuộc phỏng vấn, nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn nói đúng một câu, chú cháu mình trao đổi nghe vui thôi chứ đừng có đăng báo nhé. Ông giải thích một vài điều khiến tôi phải đành lòng chấp nhận và tôn trọng ý kiến cá nhân của vị nhạc sỹ đáng kính.

Nhạc sỹ Trương Quý Hải, tác giả của nhạc phẩm “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” trong lần trở lại Hà Giang năm 2020
Nhạc sỹ Trương Quý Hải, tác giả của nhạc phẩm “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” trong lần trở lại Hà Giang năm 2020. ảnh: Quỳnh Hương

Ở một sự kiện của Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang tổ chức, tại bữa liên hoan, tôi ngồi lại sau cùng, thấy có một người đàn ông trung niên còn ngồi lại, tôi lại gần mời ông một ly rượu. Hỏi thăm, tôi mới được biết ông là Nguyễn Văn Hiên, tác giả của bài hát “đàn gà trong sân”, “Hổng dám đâu” và nhiều bài hát dành cho trẻ em rất nổi tiếng. Tôi ồ lên nói với nhạc sỹ, thằng cu nhà em ngày nào cũng nghe bé Xuân Mai hát bài này rồi mới chịu ăn cơm: “Gà mà không biết gáy là con gà con, gà mà biết gáy là con gà cha…”. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên cũng cười phá lên đầy hóm hỉnh y như cái phong cách ông sáng tác ra cái bài hát thuộc loại rí rỏm và hay bậc nhất dành cho thiếu nhi Việt Nam. Ông đùa nói, người ta biết… “đàn gà trong sân” chứ không nhiều người biết nhạc sỹ đâu. Được biết, nhạc phẩm “đàn gà trong sân” của Nguyễn Văn Hiên là một trong 100 tác phẩm sáng tác về các con vật hay nhất dành cho thiếu nhi Việt Nam.

Một lần khi đồng nghiệp ở Hà Nội nói nhạc sỹ Trương Quý Hải sẽ lên Hà Giang cùng một đài truyền hình làm phim về biên giới, tôi lập tức hẹn gặp anh Hải ngay. Thời sinh viên cách đây hơn 25 năm, chúng tôi thường nghe đi nghe lại các ca khúc đi cùng năm tháng như: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “khoảnh khắc” và đặc biệt với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở Hà Giang mấy chục năm trước, nhạc sỹ từng có mặt và anh xúc động sáng tác ca khúc “về đây đồng đội ơi” rất nổi tiếng những năm qua. Giữa buổi chiều tà biên giới, tôi cùng nhạc sỹ Trương Quý Hải đi dọc bờ sông Lô trong những câu chuyện anh kể vì sao anh lại yêu Hà Giang, lấy vợ là người Hà Giang và đặc biệt là vì sao anh học Đại học Mỏ địa chất mà lại quay sang nghiệp sáng tác… Trong lần gặp gỡ ấy, tôi thấy anh Hải mắt rớm lệ khi kể về những câu chuyện đau đáu nơi mảnh đất Hà Giang, nơi có rất nhiều người đồng đội, chiến sỹ đã nằm lại nơi khe đá, thung sâu, nơi lòng sông Lô chứa đầy kỷ niệm.

Một trong những người nhạc sỹ đáng kính mà tôi chỉ được tiếp xúc, hỏi thăm một lần trong một sự kiện của tỉnh năm 2009, đó là nhạc sỹ Thanh Phúc, tác giả của bài hát nổi tiếng “Hà Giang quê hương tôi”. Ông cũng là tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Người Mèo ơn Đảng” và nhiều ca khúc rất hay về Hà Giang. Tháng 5/2020, nhạc sỹ Thanh Phúc qua đời, người Hà Giang rất nhớ và buồn khi biết ông ra đi. Cái âm từ “Hà Giang mến yêu của tôi, Hà Giang mến yêu của tôi” được cả nước thuộc, thích, thấm sẽ sống mãi.

Khi hay tin nhạc sỹ Thanh Phúc mất, đồng chí Tổng biên tập của tôi có giao tôi viết một bài tri ân ông và trong bài viết ấy, tôi viết: Gần 50 năm kể từ khi ra đời, bài hát “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc không chỉ là bài tỉnh ca đặc biệt, nó còn là một trong những bài hát về địa phương hay nhất của cả nước. Và có lẽ nếu có một cuộc thăm dò ý kiến về các bài hát địa phương được người dân cả nước thuộc, nhớ, yêu nhiều nhất thì chúng tôi tin chắc “Hà Giang quê hương tôi” là một trong những bài tỉnh ca được biết, được nhớ thương nhiều nhất cả nước. Sau khi bài viết về nhạc sỹ Thanh Phúc đăng trên báo, một chị gái hiện sống ở thành phố Hà Giang có thông tin rằng, chị là người thân của nhạc sỹ Thanh Phúc. Đồng thời, chị cũng thông tin cho tôi một thông tin rất bất ngờ, đó là gia đình nhạc sỹ từng sống, chiến đấu ở Hà Giang và cụ thân sinh ra nhạc sỹ Thanh Phúc là liệt sỹ và hiện đang nằm tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Giang.

Tôi không phải là nhạc sỹ, càng không có khả năng sáng tác âm nhạc. Nhưng thật may mắn trong đời làm báo của mình, tôi từng gặp gỡ nhiều nhạc sỹ, được nhiều nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh hát cho nghe những nhạc phẩm mà họ vừa sáng tác để hỏi cảm nhận về nhạc và lời của các ca khúc ấy. Những nhạc sỹ tôi gặp đều để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về sự nghiệp, về tinh thần lao động trong âm nhạc, về cuộc đời, về những nhạc phẩm đi cùng năm tháng của họ và đặc biệt là niềm đam mê âm nhạc sâu sắc, tinh thần cách mạng, lòng đam mê âm nhạc thật đáng trân trọng.  

                                                                             HT


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội
BHG - Sự phát triển của công nghệ kéo theo sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH). MXH là sản phẩm mang tính đột phá của công nghệ. Với những ưu thế vượt trội về sự đa chiều, đa dạng, nhạy cảm của thông tin, MXH thực sự đang ngày càng chiếm lĩnh không gian thông tin có tác động rất lớn đến nhận thức, quan điểm và cách hành xử thế nào cho phù hợp của công chúng và cơ quan quản lý thông tin.
19/06/2022
Ngày của Cha và những điều có thể bạn chưa biết
Ngày của Cha là dịp để tôn vinh công lao, sự hy sinh của người cha dành cho con cái và gia đình, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết rõ về nguồn gốc ngày này.
19/06/2022
Ngày mùa về - nhớ ngày viết báo

BHG - Trời mưa rả rích. Tiếng máy tuốt lúa đã thưa dần. Tiếng máy cày, phay đất, máy phát cỏ bờ mỗi lúc một ồn ào, nhộn nhịp. Quê tôi đã vào làm mùa.


18/06/2022
Báo Hà Giang Người bạn thân thiết của tôi

BHG - Cách đây 7 năm, bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên Báo Hà Giang và cũng ngần ấy thời gian tôi là cộng tác viên (CTV), bạn đọc chung thủy của báo.


17/06/2022