Hướng tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022)

Những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền

10:06, 17/06/2022

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. 97 năm hình thành và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022), dù trong thời chiến hay ở thời bình, những người làm báo nơi cực Bắc Tổ quốc vẫn luôn thực hiện xứ mệnh của những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền.

Nhà báo Kim Tiến khi tác nghiệp tại tâm dịch Pín Tủng.
Nhà báo Kim Tiến khi tác nghiệp tại tâm dịch Pín Tủng.

Là một tỉnh miền núi, địa đầu Tổ quốc, Hà Giang có 11 huyện, thành phố trong đó có 7 huyện nghèo đặc biệt khó khăn, 3 huyện cách trung tâm tỉnh lỵ 150 km, 2 huyện cách 100 km và huyện gần nhất cũng cách 20 km. Toàn tỉnh có 193 xã, phường, thị trấn; xã xa nhất cách trung tâm huyện trên 60 km. Với điều kiện địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đường đèo đốc, vực sâu, với mỗi phóng viên, nhà báo đã và đang công tác tại Hà Giang, khi tác nghiệp ở cơ sở để có thông tin, hình ảnh chân thực, chính xác phản ánh tới độc giả đã thực sự là những chiến sĩ.

Phóng viên My Ly, Báo Hà Giang chia sẻ: Là phóng viên nữ, ở dưới xuôi lên, đồng thời được phân phụ trách địa bàn huyện Đồng Văn – một trong những huyện xa nhất của tỉnh, tôi cảm thấy nghề báo thật sự rất vất vả nhưng đổi lại rất vinh quang. Khi đi tác nghiệp, vào tận các thôn, bản xa trung tâm, nhiều nơi chưa có đường, điện, sóng điện thoại và phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, bản thân tôi thấy khó khăn một thì càng thấu hiểu bà con nơi đây gian khổ gấp mười. Chính những chuyến đi công tác ấy đã giúp tôi trưởng thành hơn, có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống, từ đó càng thôi thúc bản thân phấn đấu, cố gắng, cống hiến cho nghề nhiều hơn nữa.

Phóng viên My Ly (phải) tác nghiệp ở Đồng Văn.
Phóng viên My Ly (phải) tác nghiệp ở Đồng Văn.

Hà Giang vừa là tỉnh biên giới vừa là vùng có nhiều dân tộc sinh sống (19 dân tộc), trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Pu Péo, Lô Lô… nên nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảng bộ tỉnh những năm gần đây đề ra nhiều định hướng chỉ đạo phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, du lịch dịch vụ, dược liệu và mới đây nhất là những chương trình lớn như: Cải tạo vườn tạp; hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; bài trừ hủ tục; chuyển đổi số; khuyến học, khuyến tài… Vì vậy nhiệm vụ thông tin, tuyên tuyền của 2 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh là Báo Hà Giang và Đài PT-TH tỉnh hết sức nặng nề.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. “Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”… Báo Hà Giang dù chỉ có trên 20 phóng viên nhưng luôn sâu sát, bám nắm ở cơ sở, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tuyên truyền của tỉnh, tòa soạn giao, đáp ứng hoạt động xuất bản 5 số báo/tuần và 1 số báo ảnh cuối tháng; đồng thời duy trì Báo Hà Giang điện tử hoạt động, cập nhật tin tức 24/24h. Đài PT-TH tỉnh chỉ có khoảng 45 phóng viên nhưng luôn đảm bảo thời gian, chất lượng các chương trình phát sóng 18 giờ/ngày, với 3 bản tin thời sự trong ngày và nhiều chuyên mục chuyên sâu khác. Những con số trên khẳng định đội ngũ những người làm báo ở Hà Giang đã luôn nỗ lực, vươn lên vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của tỉnh, thực sự là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, như đúng lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Trong “cuộc chiến” với dịch bênh Covid – 19, tinh thần chiến sĩ trong những người làm báo nơi địa đầu cực Bắc càng được tô thắm thêm. Những ngày đầu dịch mới xuất hiện, chưa có vắc xin, thuốc điều trị, ca mắc 268 xuất hiện tại thôn biên giới Pín Tủng, xã Phố Là (Đồng Văn) khiến người người, nhà nhà lo lắng về sự lây lan, nguy hiểm của dịch bệnh; nhưng 2 phóng viên Báo Hà Giang vẫn tình nguyện xin được vào tâm dịch phản ánh thông tin công tác chống dịch tại Pín Tủng. Nhà báo Kim Tiến, Báo Hà Giang chia sẻ: Thời điểm đó tôi đang trong thời gian cử đi học lý luận chính trị nhưng được nghỉ do dịch bệnh. Khi biết tin có ca bệnh Covid – 19 tại Đồng Văn, tôi cùng đồng chí Duy Tuấn đã chủ động báo cáo lãnh đạo phòng và Ban biên tập xin được vào vùng dịch để nắm bắt thông tin và tuyên truyền công tác phòng, chống dịch, chữa trị cho bệnh nhân 268. Tôi nghĩ, với tính chiến đấu có sẵn trong mỗi phóng viên báo Đảng, nếu không phải chúng tôi đề xuất sớm, nhiều phóng viên của Báo Hà Giang cũng sẽ xông pha vào tâm dịch như vậy.

2 năm dịch Covid – 19 xuất hiện, bùng phát, nhiều phóng viên như Văn Long, Phạm Hoan, Biện Luân, Mộc Lan, Kim Tiến (Báo Hà Giang), Đình Anh, Văn Bính, Hải Tú, Văn Hương, Tuấn Quỳnh (Đài PT-TH tỉnh)…. đã tác nghiệp ở những điểm nóng về dịch ở thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Xín Mần, Yên Minh, Vị Xuyên. Trong quá trình tác nghiệp, nhiều đồng chí bị lây nhiễm virus SARS – CoV - 2 nhưng khi điều trị khỏi, họ vẫn tiếp tục xông pha tuyên truyền về dịch bệnh. Nhà báo Văn Bính, Đài PT-TH tỉnh cho biết: Dù có nhiều lo lắng khi tác nghiệp tại các vùng dịch, bệnh viện, khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid – 19 nhưng tôi luôn xác định tâm thế với tinh thần xung kích của một phóng viên, đảng viên, đặc biệt là một phóng viên thời sự, càng điểm nóng, càng nơi khó khăn, nguy hiểm càng phải xông pha. Trong 2 năm xảy ra dịch Covid – 19 tôi cũng đã bị nhiễm bệnh 2 lần nhưng chưa bao giờ quá lo sợ, hoang mang và sẽ luôn sẵn sàng vào những điểm nóng nếu dịch tiếp tục bùng phát, hay những nơi khó khăn, nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ của một phóng viên.

Kế thừa và phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu, hoàn cảnh nào, những người làm báo trên địa bàn tỉnh vẫn luôn đi đầu, cầu nối trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy, chính quyền các cấp, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền của tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hồ Thầu, mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
BHG - Nằm dưới chân núi Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh, những cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, cùng với con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc... Tất cả hòa quyện tạo nên nét quyến rũ đặc trưng cho mảnh đất Hồ Thầu.
30/05/2022
Thành phố Hà Giang đẩy lùi hủ tục, xây dựng môi trường sống hấp dẫn
BHG - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh, thành phố Hà Giang có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng biệt, tạo cho thành phố một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT- XH, diện mạo thành phố có nhiều đổi mới, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự.
29/05/2022
Báo chí tiên phong chuyển đổi số
BHG - Trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đồng bộ; tư duy làm báo đổi mới với cách tiếp cận thông tin đa chiều; nội dung, phương thức thể hiện hấp dẫn, phong phú; công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động nghiệp vụ và chuyển tải thông tin; báo chí đang tiên phong chuyển đổi số (CĐS) đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
16/06/2022
Nhớ lần vào vùng lũ viết báo
BHG - Chắc hẳn nhiều người ở Hà Giang còn nhớ trận mưa lịch sử cuối tháng Bảy, năm 2004 đổ xuống Yên Minh gây nên thảm họa: Xóa sổ cả bản Lý (Du Tiến), cuốn trôi 29 ngôi nhà (trong đó có 16 ngôi nhà bản Lý), làm chết và mất tích 45 người. Nương vườn tan hoang, gia súc, gia cầm hầu hết bị nhấn chìm, cuốn trôi. Đường liên xã từ Mậu Duệ (Yên Minh) và tuyến Quốc lộ 34 (Bắc Mê ) bị sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá, giao thông, thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn, rất khó cho lực lượng cứu hộ, cứu trợ. Thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ đồng, làm chấn động cả nước.
15/06/2022