Sắc Xuân trên rẻo cao

12:18, 12/02/2022

BHG - Tháng Giêng về, những tia nắng ấm áp của mùa Xuân len qua từng rặng cây, nhuộm vàng khắp sườn đồi. Sắc thắm của những cành Đào phai, sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận đua nhau tỏa rạng trong nắng mới. “Nàng Xuân” đã về với bản làng vùng cao Hà Giang, mang theo bao niềm vui mới và niềm tin, ước vọng vào một năm mới ấm no.

Lễ hội Gầu Tào, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) với nhiều trò chơi hấp dẫn thu hút khách. ảnh: Tư Liệu
Lễ hội Gầu Tào, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) với nhiều trò chơi hấp dẫn thu hút khách. ảnh: Tư Liệu

Cao nguyên đá vào Xuân như khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ sắc hoa. Dưới những thung sâu, từ trong hốc đá, trên các triền đồi, những mầm non xanh tươi đã cựa mình vươn lên. Đến Hà Giang mùa này, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước bạt ngàn sắc hoa mang hương sắc rất riêng của núi rừng. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến sắc thắm của những cành Đào phai. Những thân cây khẳng khiu, trơ trọi vì cái lạnh khắc nghiệt của mùa Đông mà rễ vẫn kiên trì bám sâu vào lòng đất, khe đá, chờ nắng Xuân ấm áp bung nở từng chùm hoa, nhuộm hồng cả những bờ rào đá và những nếp nhà trình tường cổ kính, im lìm. Nếu chỉ có mỗi hoa đào thì “bức tranh Xuân” của Hà Giang có lẽ hơi đơn điệu. Bởi vậy, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê hòa cùng sắc vàng tươi óng ả của những vạt hoa cải đã điểm tô thêm những gam màu sặc sỡ, tươi mới cho vùng cao núi đá Hà Giang, làm bừng lên sức sống mãnh liệt của mùa Xuân.

Không chỉ thỏa sức tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp giữa vùng rẻo cao yên bình, mà đến với Hà Giang vào mùa Xuân du khách còn được hòa mình vào những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên Xuân này các bản làng vùng cao lại rộn ràng không khí lễ hội đầu năm. Với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những phong tục, lễ hội truyền thống riêng đã dệt nên văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất biên cương. Là dân tộc chiếm đa số ở Hà Giang, vào dịp đầu năm mới, các bản làng người Mông thường tổ chức Lễ hội Gầu Tào để cầu phúc cho dân bản; mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, nhà nhà yên vui. Gầu Tào ban đầu vốn là lễ hội của người Mông, nhưng nay tất cả các dân tộc sinh sống trong vùng đều tham gia, khiến ngày hội càng thêm đông vui, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Leo cột, bắn nỏ, đánh yến, hát đối đáp, giao duyên, thi thêu hoa văn, thi đan quẩy tấu… Ngoài ra, còn có nhiều lễ hội đầu Xuân khác như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội Chợ tình Khau Vai; Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô… sẽ đem đến những trải nghiệm vô cùng thú vị cho du khách.

Du khách bên hoa mận.                                                          Ảnh: C.T.V
Du khách bên hoa mận. Ảnh: C.T.V

Năm 2021 là một năm đầy biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ngành Du lịch của tỉnh đã nỗ lực phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, kèm theo những hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho du khách. Triển khai chương trình “Du lịch Hà Giang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”, tỉnh đã áp dụng mức giảm 50% phí tham quan đối với các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí do doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá dịch vụ; có chính sách miễn, giảm giá vé cho khách đi theo đoàn, khách cư trú trong tỉnh, khu vực… Năm 2021, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt hơn 908 nghìn lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.633 tỷ đồng. Đặc biệt những tháng cuối năm, lượng khách đến Hà Giang tăng mạnh, đem đến kỳ vọng vào một năm mới với nhiều khởi sắc của ngành Du lịch tỉnh nhà.

Đến với Hà Giang vào mùa Xuân, sau khi thỏa thích ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hòa mình vào không khí vui tươi của các lễ hội truyền thống, du khách còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, cùng sinh hoạt, lao động sản xuất với bà con như trồng lúa, tra ngô, nấu ăn, thu hái nông sản… Dưới nắng Xuân ấm áp, tiếng cười nói xen lẫn tiếng máy làm đất tạo nên không khí lao động khẩn trương trên khắp thửa ruộng, vạt nương. Với người dân miền đá, mùa Xuân không chỉ mang theo niềm vui, mà đó còn là mùa của lao động, mùa của thi đua sản xuất với kỳ vọng về những mùa vụ bội thu và niềm tin vào một năm mới hạnh phúc, ấm no.

 NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về Nậm Ban dự Lễ Cầu an cùng dân tộc Giáy
​​​​​​​BHG - Xã Nậm Ban (Mèo Vạc) là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc gồm: Giáy, Mông, Tày, Cao Lan, Kinh, Dao và Pà Thẻn. Trong đó dân tộc Giáy chiếm 72%, sống tập trung thành làng nên vẫn bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có Lễ Cầu an.
11/02/2022
Bài trừ hủ tục – Trách nhiệm của cả cộng đồng
BHG - Hà Giang – vùng đất địa đầu Tổ quốc đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng biệt. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng đời sống văn hóa, văn minh nhưng hiện nay trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn không ít hủ tục, tập quán lạc hậu, trở thành rào cản phát triển KT – XH.
10/02/2022
Người dân mua vàng cầu may mắn trong ngày vía Thần Tài
BHG - Ngày vía Thần Tài, ngày 10 tháng Giêng hằng năm, nhiều người dân đi mua vàng với mong muốn Thần Tài sẽ mang lộc đến cho gia đình, cầu mong sung túc, giàu có và thịnh vượng. Tại Thành phố Hà Giang ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân đến các cửa hàng kinh doanh vàng bạc để mua sắm các sản phẩm vàng, trang sức từ vàng nhằm cầu mong một năm mới bình an và tài lộc.
10/02/2022
Ngày Xuân pha một ấm chè
BHG - Cùng với những thú vui như du Xuân, gặp gỡ bạn bè hàn huyên bên mâm cơm, chén rượu thì ngồi bên bàn chè trò chuyện tâm tình là niềm vui lành mạnh nhất của mỗi dịp Tết đến Xuân về.
10/02/2022