Hà Giang

Trường PTDT bán trú THCS Na Khê phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia

07:14, 27/12/2021

BHG - Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Na Khê (Yên Minh) thành lập ngày 1.8.2009, chia tách từ Trường cấp I-II Na Khê. Nằm trên địa bàn xã biên giới, đặc biệt khó khăn với địa bàn rộng, chia cắt, người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, không đồng đều; khi mới thành lập, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn, phải học nhờ trường tiểu học, công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn... Sau 12 năm nỗ lực, thành quả đã đến với thầy và trò nhà trường khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo dục nâng lên qua từng năm.

Giờ học của cô và trò nhà trường.
Giờ học của cô và trò nhà trường.

Thầy giáo Trần Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 365 học sinh, trong đó 226 học sinh bán trú. Toàn trường có 15 phòng học, 3 phòng hành chính, 1 thư viện và 2 phòng chức năng; 100% cơ sở hạ tầng được xây dựng kiên cố. Năm 2021 trường nằm trong lộ trình và được huyện đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngay từ đầu năm, nhà trường tự đánh giá 5 tiêu chuẩn theo hướng dẫn của ngành về: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục để có góc nhìn tổng quan hiện trạng, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu và đề ra các biện pháp cải tiến chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Qua đánh giá các tiêu chuẩn đều đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Khu nhà lưu trú học sinh được đầu tư khang trang.
Khu nhà lưu trú học sinh được đầu tư khang trang.

Theo cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Na Khê, những năm qua dù gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học, số học sinh/lớp còn đông; nhiều học sinh nhà xa trường, giao thông đi lại khó khăn, khi trời mưa đi học không đều nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế; chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, một bộ phận học sinh chưa chủ động trong học tập; tính sáng tạo và kỹ năng thực hành còn hạn chế; nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của học sinh… Nhưng hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh, tỷ lệ duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyển lớp, chuyển cấp của trường đều đảm bảo trên 90% chỉ tiêu kế hoạch giao. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt chuẩn, trên chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong tình hình mới. Riêng năm học 2020-2021, trường có tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 97%; tỷ lệ học sinh có học lực giỏi đạt 48,8%, xếp loại khá đạt 39,7%, chỉ có 2,73% học sinh yếu kém. Toàn trường có 8 giáo viên giỏi cấp huyện, 3 cấp tỉnh. Trong năm 2021, trường được huyện đầu tư xây mới 1 nhà lớp học và đa năng 2 tầng, nhà lưu trú học sinh đáp ứng nhu cầu ăn, ở cho khoảng 250 em; tu sửa các dãy nhà lớp học, nhà hiệu bộ cũ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; nhà trường cũng huy động xã hội hóa được trên 100 triệu đồng đổ sân bê tông, trang trí khuôn viên, đảm bảo rộng, xanh – sạch – đẹp - thoáng mát, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện trường đang chờ tỉnh đánh giá và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của huyện, ngành Giáo dục và cấp ủy, chính quyền xã, cán bộ giáo viên, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Na Khê luôn đoàn kết, cố gắng, nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn trong thực hiện các mục tiêu giáo dục; chú trọng xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ phù hợp thực tiễn; quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá học sinh nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh; chú trọng phát triển năng lực chuyên môn và tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên học nâng cao trình độ chuyên môn; tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội hóa và tiết kiệm kinh phí chi của đơn vị, vận động cán bộ, giáo viên đóng góp tiền, công sức trang trí khuôn viên trường, lớp, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, chăm lo học sinh bán trú; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên nhằm khuyến khích sự tham gia của học sinh, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp…

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Cùng chuyên mục

Ai gọi về mùa Cọ chín

BHG - Có lẽ đã lâu lắm mới có mùa quả Cọ sai nhiều như năm nay, có người nói là đã bốn năm, người lại nói đã sáu năm rồi. Còn chị tôi hay bị các cháu "lôi" đi hết thị trấn giúp trông nhà lại vào xã trông chắt thì nói: Lâu lắm rồi, gần như quên là có mùa quả Cọ.

27/12/2021
"Tổ phụ nữ đeo túi vải đi chợ" ở Thu Tà

BHG - Nhằm giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, thời gian qua Hội Phụ nữ xã Thu Tà (Xín Mần) đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả đến từng hội viên phong trào "Tổ phụ nữ đeo túi vải đi chợ". 

26/12/2021
Hội thảo "Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển"

BHG - Ngày 25.12, tại tỉnh Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH,TT&DL, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo "Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 19 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, chủ trì hội thảo.

26/12/2021
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

BHG - Thực hiện Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần phát triển KT – XH địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch (DL).

23/12/2021