Hà Giang

Đọc thơ ở Sơn Vĩ

18:40, 30/10/2021

BHG - Những năm trước khi con đường Hạnh Phúc chưa thông sang Mèo Vạc và đường liên xã từ trung tâm huyện lên Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ chỉ là đường mòn, ngựa thồ. Đồng bào Sơn Vĩ phải vượt Mã Pì Lèng sang chợ Đồng Văn để mua muối, dầu thắp sáng, hạt giống, bê con, dê giống… về phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế.

Tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Sơn Vĩ.                                        Ảnh: Trọng Đạt
Tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. Ảnh: Trọng Đạt

Từ Mèo Vạc lên Sơn Vĩ, đồng bào phải đi tắt để rút ngắn đường đất: Qua Cán Chu Phìn, xuống Mèo Qua, xuống dốc Chín thang, gặp cầu Tà Ngài, lên năm cây số đèo dốc để đến Sơn Vĩ quả là gian nan.

Tất cả sự sống được chất đầy trong quẩy tấu, mang nặng trên lưng, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Đồng bào đi lùi, đúng hơn là bò giật lùi để xuống dốc. Từ dòng Nho Quế ngước lên, Sơn Vĩ chắn ngang trời thẳm như một bức trường thành vĩ đại…

Chiến sỹ Biên phòng đã đặt những cái tên rất ấn tượng cho những con dốc ngược: Nào là dốc Thượng úy, dốc Đại úy, dốc Thượng tướng… để mô tả sự gian khổ, hiểm trở vô song lên Sơn Vĩ.

Có lần tôi đến Mèo Vạc, định lên Sơn Vĩ thì trời đêm bắt đầu đổ mưa lớn, các anh ở huyện quả quyết là không đi được. Bởi vậy Sơn Vĩ cứ thao thức trong tôi. Không lên được vùng đất khuất nẻo, dữ dội và cũng thật nặng lòng yêu thương, tôi có cảm tưởng mình còn mang nợ với địa đầu Tổ quốc, biết bao giờ trả được…

Vào một ngày cuối Thu, tiện xe, tôi quyết định lên Sơn Vĩ. Lộ trình Hà Giang - Mèo Vạc164 cây số, từ Mèo Vạc lên Sơn Vĩ 48 cây số. Ngang chiều tôi đã có mặt, lòng hồi hộp như người con đi xa trở về quê mẹ. Khi đồng chí Đồn trưởng và chiến sỹ Biên phòng đón tôi tại cổng đơn vị.

Đồn Biên phòng 159, nằm trên địa phận thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ, rộng chừng 2 ha. Trước đó đồn đóng ở thôn Phìn Lò, mới chuyển về đây vài năm, kinh phí xây dựng hơn 4 tỉ đồng, nguồn ngân sách của Bộ Quốc phòng cấp. Cơ sở vật chất như vậy là khá. Đồn có tủ sách hơn 1.000 cuốn, nhạc cụ, âm thanh, loa đài, chảo thu truyền hình… Nhìn chung đời sống tinh thần của chiến sỹ được đầu tư đáng kể. Anh em ở mọi miền quê: Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa… yên tâm công tác, xem nhau như ruột thịt, cống hiến hết mình vì sự bình yên của quê hương…

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới hơn 16,5 km, với 6 cột mốc (trong đó có Mốc số 0). Các anh còn chăn nuôi, tăng gia cải thiện đời sống, vận động đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, vận động trẻ em tới trường.

Ánh nắng tắt hẳn sau những rặng núi xa, hoàng hôn biên giới đìu hưu, xa xăm, sương khói bảng lảng cuốn theo chiều gió rồi đọng trắng trên đỉnh rừng già. Vài ngôi sao thức dậy lấp lánh dưới bầu trời, gió khá mạnh, mặc dù mới vào Thu, nhưng tiết trời ở đây đã lạnh. Những luống rau của đơn vị xanh mướt, ao cá rộng ngót 1 ha, chuồng bò, chuồng dê, chuồng lợn khá kiên cố, vệ sinh…

Câu nói: “Đồn là nhà, biên giới quê hương”, thật có ý nghĩa to lớn, các chiến sỹ đã biến thành hành động cụ thể, thiêng liêng cao cả.

Bữa cơm tối được tổ chức chu đáo, toàn thực phẩm do các chiến sỹ làm ra. Nào là rau xanh, thịt gà, thịt lợn, cá rán, rượu ngô cũng do chiến sỹ nấu rất thơm, ngon đậm đà. Biết tôi làm thơ các anh đề nghị: Chẳng mấy khi Nhà thơ lên đây, đề nghị đêm nay anh đọc thơ, giao lưu với cán bộ, chiến sỹ của đồn và các thầy, cô giáo trường Sơn Vĩ… Tôi không từ chối và coi đó là niềm hạnh phúc chẳng dễ gì có được.

Tôi không vòng vo mà đi vào chủ đề ngay, trước tiên tôi xin lỗi các anh sự chậm trễ này, bởi đây là lần đầu tôi lên Sơn Vĩ. Nhưng cảm xúc đến thật bất chợt, tôi cũng đã hoàn thành bài thơ từ chiều. Tôi đã đọc một mạch mà không cần giấy: Xuống Tràng Hương ngược lên Sơn Vĩ/Con đường xa dằng dặc đến nao lòng/Vệt nắng mềm dọc dài biên giới/Và sương chiều bảng lảng mấy lòng thung/Sơn Vĩ là nơi núi gặp trời xanh/Nơi sông, suối thác ghềnh ra biển/Nơi than hồng ủ ấm lời thương mến/Nơi con người gian khó biết vượt lên/Áo Biên phòng xanh dọc đường biên/Mỗi cột mốc như lời thề Tổ quốc/Sơn Vĩ thủy chung mặm mà sau trước/Em có về Sơn Vĩ cùng anh”… Những tràng vỗ tay kéo dài, khiến tôi phải trình bày lại bài thơ lần nữa…

Rồi các chiến sỹ biểu diễn những ca khúc truyền thống, ngâm thơ, đọc thơ, hát quan họ… Các thầy, cô giáo thì hỏi tôi công việc bếp núc về nghệ thuật làm thơ. Cuối cùng là ký tặng sách, do sách mang theo ít, có người được tặng, có người không được tặng nhưng chẳng ai trách cứ. Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, chia tay các chiến sỹ, chia tay các thầy, cô giáo thật bịn rịn. Tôi nói với mọi người: “Cuối năm tôi lên, sẽ mang nhiều sách để tặng các bạn ”…

Sáng hôm sau, chúng tôi vội vã lên đường để ra Mốc số 0. Chiến sỹ Biên phòng dùng xe gắn máy, phương tiện của tỉnh cấp cho đơn vị đưa tôi đi. Con đường dân sinh khúc khuỷu, gập ghềnh, bám vào vách núi lên cao, cao mãi, bên trái là vực sâu thăm thẳm. Chiến sỹ điều khiển phương tiện nói với tôi: “Bác cứ yên tâm, em đi quen con đường này rồi, đoạn nào ghê gớm bác cứ nhắm mắt lại, ôm chặt vào em ”… Ngược chiều gió, mắt tôi cứ nhòe đi trước cảnh sắc thiên nhiên, nhà cửa của đồng bào lúc ẩn, lúc hiện, tiếng gà như còn ngái ngủ vọng từ phía bìa rừng nghe đến nôn nao.

Chừng một giờ đồng hồ chúng tôi đã đến được Mốc số 0. Tôi lặng lẽ cúi đầu trước Cột mốc Tổ quốc như một người lính, nước mắt trào ra. Cũng như khi tôi đứng bên Mốc 422 điểm cao nhất của Tổ quốc, thuộc thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Nhưng với Mốc số 0, còn là điểm cao thử thách, ý chí của người cầm bút như tôi, xa xôi, gian khổ mà thật hạnh phúc. Tôi đặt một chùm hoa rừng thơm ngát, còn ướt sương đêm dưới chân cột mốc Tổ quốc tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân và máu xương của biết bao thế hệ đổ xuống làm nên hình hài đất nước hôm nay. Mốc số 0 nằm trên địa phận thôn Trà Mần và Tù Lủng, giáp với huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hai thôn này có gần 200 hộ dân, một điểm trường cấp II, với hơn 40 học sinh. Chứng tỏ sự nghiệp giáo dục vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách vẫn không ngừng phát triển.

Trước khi trở ra đơn vị, trưởng thôn Trà Mần cầm tay tôi không muốn rời: “Vội quá khách quý, lần sau bác lên phải ngủ lại một đêm với Trà Mần, em có bình rượu quý ngâm đã ba năm mời bác uống chơi ”…

Tạm biệt Sơn Vĩ, lòng xốn xang bao điều. Khi xuống cầu Tràng Hương, tôi ngoái lại: Sơn Vĩ thăm thẳm bên trời…

Bút ký của Cao Xuân Thái

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL quảng bá, kích cầu du lịch Hà Giang sau đại dịch Covid-19

BHG - Trong các ngày từ 26-29, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí trung ương và địa phương tổ chức khảo sát, quảng bá và kích cầu sản phẩm du lịch của Hà Giang.

29/10/2021
Hang Bó Mỳ điểm nhấn của Làng Văn hóa thôn Khun

BHG - Làng Văn hóa thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) là một trong những nơi không chỉ tập trung nhiều nét đặc sắc văn hóa dân tộc thiểu số nơi đây mà còn chứa nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho những du khách yêu thích du lịch mạo hiểm, trải nghiệm trong hang đá tự nhiên chứa nhiều nhũ đá kỳ lạ mà còn có loài cá hiếm Dầm xanh.

29/10/2021
Cao nguyên vào mùa Tam giác mạch

BHG - Khi cái lạnh đầu Đông tràn về, cũng là lúc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Một Cao nguyên đá vô cùng ấn tượng với thiên nhiên kỳ vĩ, nơi có những cung đường đèo kỳ vĩ; với những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc. Nơi đây còn có loài hoa Tam giác mạch đầy quyến rũ. 

29/10/2021
Giới thiệu bộ tem "Công viên Địa chất toàn cầu"

Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên Địa chất toàn cầu, đó là: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên Địa chất toàn cầu  Đắk Nông (năm 2020).

28/10/2021