Đêm gió Thượng Phùng

08:58, 26/10/2021

BHG - Trước đây, Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ thuộc hệ thống 3 xã phía Đông sông Nho Quế (Mèo Vạc), có tính độc lập tương đối và đầy biến động. Năm 1997, con đường liên xã mới được mở, điều đó cho thấy tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất này còn đặc biệt khó khăn.

VÙNG ĐẤT LẮM GIAN NAN

Vào những năm 1980, tôi cùng một nhóm nhà báo đến huyện Mèo Vạc, chúng tôi lên ngay Thượng Phùng, thời gian gấp nên không ghi chép được nhiều. Trở về Tuyên Quang, tôi viết bài thơ “Đêm gió Thượng Phùng” gọi là chút tình của người viết với vùng đất còn nhiều gian lao vất vả, vùng đất được mệnh danh là “rốn gió” của Cao nguyên đá. Bài thơ có đoạn: Gió đập ầm ầm trên những mái tôn/Viên ngói mũi bay vèo như ném/Gió mài rít trên hàng cột điện/Cây chuối đâm bông bật gốc mất rồi… Tôi đã đi dài rộng những miền quê/Bao vùng đất bờ xôi, bãi mật/Đến Thượng Phùng gặp trùng trùng đá sắc/Gió thổi xác xơ nghèo khó bao đời…

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra tại khu vực Xín Phìn Chư, Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc). (Tháng 1.2021) 											Ảnh: HÀ LINH
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra tại khu vực Xín Phìn Chư, Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc). (Tháng 1.2021) Ảnh: CTV

Từ trung tâm huyện, chúng tôi qua xã Pả Vi, đến chân Mã Pì Lèng thì rẽ phải, con đường dốc, trơn lỳ xuôi mãi đến cầu Tràng Hương. Đường lên Thượng Phùng là con đường dốc ngược, quanh co và quá hiểm trở. Bên đường, đá dăm đổ từng đống, xe chúng tôi liên tục vấp những ổ voi, ổ gà...

Dừng ở ngã ba Sủa Nhè Lử, hướng tầm mắt về phía trung tâm huyện, nắng chiều đổ lênh láng trên núi non. Vài chòm bản quây quần lưng chừng núi, xúm xít màu xanh của tre trúc, cây trái, trông giống như những tiểu ốc đảo giữa sa mạc mênh mông. Tầng dưới cùng là màu xám lạnh, đất xen đá và cũng chỉ cần một trận mưa rào là bao nhiêu màu mỡ trôi hết xuống sông Nho Quế...

Từ Mèo Vạc vào đây 30 cây số đường đất mà chiếc xe ô tô gầm cao phải chạy mất 3 giờ đồng hồ. Thượng Phùng hiện ra trong mắt tôi thật thân thương. Nhà văn hóa xã, trường chính 2 tầng dành cho học sinh tiểu học, trạm y tế đã đưa vào sử dụng từ mấy năm trước. Nhiều chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh đầu tư cho địa phương, Thượng Phùng đã khẩn trương triển khai một cách tự tin. Mục tiêu cao nhất của toàn Đảng bộ là đẩy nhanh phát triển KT-XH, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng. Thượng Phùng còn có nhiệm vụ bảo vệ bình yên đường biên giới Tổ quốc dài 18,5 km.

Bí thư Đảng ủy xã Thào Mớ Sò tâm sự: Thượng Phùng là vùng núi đá vôi, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, cao hơn mặt nước biển từ 1.600 - 1.800 m. Hệ thống giao thông yếu kém; thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Thượng Phùng có 3.200 khẩu, gồm các dân tộc: Mông, Lô Lô, Giáy cư trú ở 9 thôn trên diện tích tự nhiên 3.420 ha; diện tích gieo trồng hàng năm 900 ha. Cây trồng chính là ngô, lúa, đậu tương, rau quả các loại. Dân số tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người thấp nên mức sống ngày càng tụt hậu so với các vùng quê khác. Tỷ lệ đói, nghèo ở Thượng Phùng gần 60%. Lủng Chư 1, Lủng Chư 2 là hai bản khó khăn gay gắt: Không có nguồn nước, không có rừng, đất đai bạc màu, chưa có điện, chưa có đường. Người dân muốn xuống xã phải đi tắt mất một tiếng rưỡi.

VÀO VÙNG RỐN GIÓ

Mặt trời đang chói chang trên đỉnh núi, tôi quyết định lên 2 thôn xa nhất của Thượng Phùng. Đường lên Mỏ Phàng, Xín Phìn Chư chao ôi là đèo dốc nhọc nhằn. Cỏ dại, sim mua quấn lấy bàn chân như muốn níu giữ con người lại. Những dòng suối nhỏ cạn khô tận đáy, con đường mòn ngược lên cao mãi... Chừng hơn một giờ đồng hồ, tôi cũng tới được cái rốn gió của cả vùng cao nguyên. Trưởng thôn gặp khách vui vẻ hẳn lên. Sau cái bắt tay thân mật, tôi hỏi:

- Có gió đâu mà gọi là gió Mỏ Phàng?

- Trưởng thôn tủm tỉm cười:

- Lát nữa bác khắc biết!

Đúng thật, những trận gió từ phương Bắc bắt đầu tràn về như bão, lạnh lẽo. Hàng chuối tiêu lùn, chuối tây lá tướp táp, xơ xác, còi cọc. Vạt sắn sau nhà Trưởng thôn oằn oại cứ muốn rạp xuống đất... Trưởng thôn bùi ngùi:

- Gọi là trồng trọt để tận dụng đất đai hoang hóa, chứ đến mùa thu hoạch bới lên chỉ thấy toàn rễ. Gió mạnh quanh năm như vậy con người cũng thấy mệt, nữa là...

Mỏ Phàng có 50 hộ đồng bào Mông, chủ yếu trồng ngô một vụ, do thời tiết khắc nghiệt nên năng suất thấp. Mỏ Phàng có điểm Mốc giới 21 của Tổ quốc, giáp với chấn Thèn Phàng, huyện Phú Ninh, châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Qua nhiều biến động, người dân nơi đây đoàn kết một lòng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từng bước cải tạo, thích ứng với thiên nhiên, vươn lên trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo...

Khi trở về Đồn Biên phòng 163, những trận gió Mỏ Phàng cứ thổi mãi trong tôi buốt giá... Trước những cơn “gió mạnh quá nghẹn hơi tức thở”, trước hiện thực đời sống đồng bào rẻo cao, cảm xúc ấy cứ lớn dần trong tôi thật lạ lùng... Tôi tự hỏi, tại sao đồng bào không chọn vùng đất thuận lợi, dễ dàng hơn mà chọn vùng đất đầy khắc nghiệt này để sống... đời này nối tiếp đời khác. Trong ráng chiều hầm hập nắng, cả gia đình: Ông bà, bố mẹ, con cháu vần đá làm bờ kè giữ đất để rồi sau một mùa mưa, công việc nặng nhọc ấy tiếp tục lặp lại... Những ngôi nhà trình tường thấp, tối, mái lợp phibrô xi măng hay ngói âm dương cứ như một thứ đồ chơi gá vào vách núi. Chiếc bể nước sau nhà cạn khô đáy...

TRĂN TRỞ THOÁT NGHÈO

Lãnh đạo Đồn Biên phòng nói chuyện với tôi rất khuya. Đêm biên giới vắng lặng, gió lạnh hun hút, sương giăng mờ ảo. Tiếng chim gọi bạn khắc khoải xa xăm...

Tôi hỏi các anh duy nhất một điều: Làm sao để Thượng Phùng sớm thoát nghèo, đồng chí Chính trị viên bảo: Nên tổ chức lại sản xuất, mau chóng quy hoạch cụm dân cư tập trung chứ đỉnh núi này một vài gia đình, chân núi nọ một vài nhà dân thì khó xây dựng được các công trình phúc lợi hoặc có làm thì hiệu quả sử dụng thấp. Tiếp nữa là đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng. Các dự án kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá, kinh tế cửa khẩu... phải được triển khai đồng bộ. Đưa giống mới năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi gia súc: Bò, ngựa, dê... Trồng rừng tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, bệnh thành tích. Tuy nhiên, Đồn đã tham gia dự án làm kênh mương cấp nước cho xã. Một đường kênh bằng xi măng cốt thép từ đầu nguồn Xín Chải, dài gần 5.000 m, kinh phí hơn 6 tỷ đồng đã hoàn thành, 150 hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này. Một đường kênh nữa từ thôn Mỏ Cớ, dài 2.000 m cũng được đưa vào khai thác, đảm bảo cho việc canh tác và 1.000 hộ sử dụng. Đặc biệt, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 1.300 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 395 kg, không còn hộ đói, tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Thượng Phùng! Cái địa danh nghe vang như tiếng trống trận, như tiếng trống lễ hội bản làng vào mùa “ăn năm uống tháng”. Cái rốn gió của cả cao nguyên ngàn đời cứ thổi trong tôi không dứt... 

Bút ký của Cao Xuân Thái


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề đan lát của người Tày xã Phương Tiến

BHG - Đan lát từ cây tre là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, bằng bàn tay khéo léo của mình, họ biến thanh tre rừng thành những vật dụng chắc chắn, đẹp mắt phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Trước sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, nghề đan lát trong vùng đồng bào thiểu số nói chung, dân tộc Tày nói riêng không còn phổ biến. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình, những nghệ nhân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) đã tích cực khôi phục nghề đan lát. 

26/10/2021
Ngỡ ngàng sắc Thu miền cực Bắc

BHG - Cao nguyên đá vào Thu, bầu trời trở nên trong xanh với những tia nắng hanh hao. Khắp rẻo cao được nhuộm bởi sắc lúa vàng mê mải, những "bậc thang" vàng óng xen lẫn trong sắc xanh của đồi chè Shan tuyết. Hoa Tam giác mạch bung những cánh mỏng manh, khoe vẻ đẹp dịu dàng, e ấp trên các triền đồi. Dưới trời xanh trong vắt, các cô gái Tày, Nùng, Dao, Mông trong sắc váy thổ cẩm rực rỡ, thoăn thoắt thu hoạch lúa, hương lúa chín dào dạt hòa cùng khói lam chiều bảng lảng trên những nếp nhà… Tất cả tạo nên một Hà Giang nồng nàn, quyến rũ trong sắc Thu.

25/10/2021
Sự cần thiết cải tạo, bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang hiện nay

BHG - Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16.7.1998 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định 5 quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó quan điểm thứ 5 chỉ rõ vấn đề liên quan đến các hủ tục: "Văn hoá là một mặt trận, xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng"...

25/10/2021
Việt Nam nhận giải 'Điểm đến hàng đầu châu Á'

Việt Nam đoạt giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á" của World Travel Awards 2021. Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), được mệnh danh là Oscars của ngành du lịch, lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á (Asia's Leading Destination), vượt qua Indonesia, Thái Lan, Nepal và Lào. Những quốc gia chiến thắng được bình chọn bởi chuyên gia trong ngành du lịch và công chúng.

24/10/2021