Hà Giang

Tả Sử Choóng mảnh đất giàu tiềm năng du lịch

19:27, 24/09/2021

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 22 km về phía Tây Nam, Tả Sử Choóng là vùng đất xinh đẹp với hàng chục ha ruộng bậc thang uốn lượn đã được công nhận di tích quốc gia và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao. Những nét đặc trưng riêng biệt trên vùng đất danh thắng này tạo nên sự hấp dẫn riêng có đối với du khách mà ít nơi nào có được.

Xây dựng điểm dừng chân, ngắm cảnh phục vụ nhu cầu của du khách.
Xây dựng điểm dừng chân, ngắm cảnh phục vụ nhu cầu của du khách.

Tháng 9, chúng tôi có dịp ghé thăm vùng đất Tả Sử Choóng khi đất trời đang vào Thu, cảnh sắc thiên nhiên khiến du khách choáng ngợp. Từng tầng, nấc ruộng bậc thang nối nhau như chạm tới trời xanh, sóng lúa ngả từ màu xanh sang màu vàng óng ả, hòa quyện cùng khói lam chiều bảng lảng. Xa xa là những nếp nhà nhỏ xinh nép mình bên sườn núi. Tất cả tạo nên vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng cho vùng đất rẻo cao này. Tả Sử Choóng có 24 ha ruộng bậc thang đã được xếp hạng di tích quốc gia. Với đặc trưng về khí hậu, địa hình, nguồn nước nên ruộng bậc thang ở đây có vẻ đẹp riêng, được bao quanh bởi rừng cây, xen kẽ với thác nước, hòa quyện cùng khung cảnh núi non hùng vỹ, tạo nên những thửa ruộng bậc thang trải dài ngút tầm mắt.

Trải nghiệm bắt cá Chép trên những thửa ruộng bậc thang ở Tả Sử Choóng.
Trải nghiệm bắt cá Chép trên những thửa ruộng bậc thang ở Tả Sử Choóng.

Với nguồn nước dồi dào, Tả Sử Choóng có nhiều thác nước nguyên sơ, quanh năm tung bọt trắng xóa. Điển hình có thể kể đến thác nước Hóa Chéo Phìn. Buổi sáng, trong tiết trời lành lạnh, một làn sương mờ ảo bao quanh dòng thác trắng xóa, trông từ xa như một dải lụa vắt ngang lưng đồi. Dòng nước từ trên cao, len qua những tảng đá “mồ côi” tạo nên dòng chảy mềm mại. Thác nước Hóa Chéo Phìn không tạo thành xoáy nước hung dữ mà dịu dàng như một cô gái xõa mái tóc dài đang say sưa ca hát giữa núi rừng. Không chỉ có những thác nước tự nhiên đẹp mê mải, đến Tả Sử Choóng du khách còn được thỏa sức vượt nắng gió, chinh phục những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú; tham quan rừng chè Shan tuyết cổ thụ hay trải nghiệm bắt cá Chép trên những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng…

Cùng với những thửa ruộng bậc thang đẹp như mơ, uốn quanh các sườn núi cheo leo và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Tả Sử Choóng còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Với nhiều dân tộc cùng sinh sống tại 5 thôn, bản, trong đó dân tộc Mông chiếm phần đa, những năm qua, bà con vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Lễ hội Gầu Tào. Đây là Lễ hội vui Xuân của đồng bào Mông được tổ chức để cầu phúc cho cả bản, làng; mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ trang nghiêm, huyền bí, du khách sẽ được hòa vào không khí náo nhiệt của ngày hội gồm nhiều trò chơi vui nhộn như: Leo cột mỡ, thi giã bánh dày, thi đan quẩy tấu, đánh yến, đánh cù. Du khách còn được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc như: Thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn, múa gậy Sinh Tiền… tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho vùng đất Tả Sử Choóng.

Khai thác lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, người dân nơi đây đã bắt đầu biết làm du lịch, dịch vụ để nâng cao thu nhập. Hiện, trên địa bàn xã có 4 hộ làm dịch vụ homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được xác định là 1 trong 2 khâu đột phá của Đảng bộ xã Tả Sử Choóng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT - XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; xây dựng 1 làng văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển dịch vụ homestay. 

Bí thư Đảng ủy xã, Hoàng Xuân Hòa cho biết: Hiện nay, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về cách làm du lịch; quy hoạch và bảo vệ những khu có phong cảnh đẹp. Tích cực huy động nguồn lực, xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối các tour, tuyến du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những dịch vụ thiết yếu như điểm ăn uống, lưu trú. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như gạo chất lượng cao, gà đen, lợn đen bản địa, chè, Thảo quả gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Mùa vàng" online

"Trên những bậc thang vàng/Lúa uốn mình như lụa/Mây cuốn chân người đi / Hoàng Su Phì thương nhớ…". Những ca từ lãng mạn, nên thơ mà kỳ vĩ về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vang lên trên các nền tảng số của Tập đoàn FPT, báo điện tử VnExpress, facebook, youtube, các kênh truyền thông của tỉnh Hà Giang… mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ, thú vị, cảm xúc đặc biệt về một "mùa vàng khác lạ".

24/09/2021
Giao lưu trực tuyến thanh niên tình nguyện ASEAN – Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2021

BHG - Ngày 24.9, Liên đoàn thanh niên tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức hoạt động giao lưu trực tuyến thanh niên tình nguyện ASEAN – Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2021 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc. Dự diễn đàn về phía Trung Quốc có: Đồng chí Trương Triều Huy, Bí thư Đảng ủy Trung tâm hướng dẫn hoạt động thanh niên tình nguyện, Trung ương Đoàn...

24/09/2021
Xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc

BHG - Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 104.661 học sinh (HS)/4.408 lớp/173 trường tiểu học; trong đó khối lớp 1 có 21.576 HS. Tổng số giáo viên cấp tiểu học trên 5.800 người. Hiện nay, ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với HS từ lớp 3 - 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS và Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với lớp 1 và lớp 2.

24/09/2021
Lễ cúng mừng cơm mới của người Nùng xã Chiến Phố

BHG - Xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì là iịa bàn có 450 hộ và 2.679 khẩu là đồng bào Nùng. Hàng năm, vào mùa lúa chín (cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch), đồng bào Nùng nơi đây thường tổ chức lễ cúng mừng cơm mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp hàm chứa giá trị văn hóa độc đáo về tín ngưỡng, tâm linh, thể hiện sự tôn vinh cây lúa - cây nông nghiệp quan trọng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Nùng.

23/09/2021