Hà Giang

Dòng họ dân tộc Mông hiếu học

10:19, 24/02/2021

BHG - Dòng họ Ma xã Thái An (Quản Bạ) có 20 hộ, với 115 nhân khẩu, đây là dòng họ dân tộc Mông sinh sống tại thôn Séo Lủng 2. Từ khối đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong dòng họ với chung một mục đích, một lý tưởng xây dựng quê hương giàu mạnh. Dòng họ Ma xác định, để cuộc sống của các thành viên trong dòng họ phát triển, trước hết phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề học tập, có kiến thức thì việc gì cũng có thể làm được. Dòng họ đã đề ra quy ước về học tập đó là: Học nữa, học mãi, về già vẫn phải học; đối với các cháu học sinh thì phải học kiến thức, tri thức; người lớn tiếp tục học kiến thức của cuộc sống; người già học sự bao dung, học để thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ sau.

Gia đình anh Ma Xuân Chung tự hào với thành tích học tập của các con.
Gia đình anh Ma Xuân Chung tự hào với thành tích học tập của các con.

Ông Ma Mí Hòa, Trưởng dòng họ Ma xã Thái An vui vẻ nói: Tôi có 8 anh, em; bố mẹ mất sớm, lúc đó gia đình tôi 3 em còn nhỏ tuổi, tôi là con cả cố gắng làm việc để nuôi các em. Cuộc sống vô cùng khó khăn, khi thấy các anh con nhà Bác đi học cao đẳng và về có việc làm, tôi tự hứa bản thân mình sẽ cố gắng chăm lo cho các em của mình được đi học đầy đủ. Về phía gia đình tôi, tôi có 5 người con, trước đây khó khăn lắm, tôi còn lo được cho các em đi học, vì vậy với các con, tôi đã làm tư tưởng và dạy bảo, noi gương các anh, chị, cô, chú trong dòng họ phải phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt. Thành tích học tập của các con tôi luôn đạt loại khá trở lên, học hết bậc phổ thông 5 người con của tôi đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, người con trai cả hiện là sỹ quan quân đội công tác tại Quân khu 2, người con gái thứ 2 đang là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thái An, người con gái thứ 3 và thứ 4 hiện là giáo viên tại huyện Mèo Vạc và con gái út vừa tốt nghiệp THPT đang theo học chuyên ngành Sư phạm Mầm non tại Hà Nội.

Đối với dòng họ Ma, trẻ em đến tuổi đi học là phải tạo điều kiện để trẻ được đến trường học tập, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè, có như thế trẻ mới phát triển toàn diện về kiến thức và nhân cách. Từng trẻ trong dòng họ phải nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, các cháu đi học 100% phải tốt nghiệp trung học phổ thông và có kết qủa hạnh kiểm tốt. Đối với người lớn phải tích cực tham gia các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời; nhiệt tình hưởng ứng các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các phong trào do địa phương phát động; mọi thành viên trong dòng họ luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại dòng họ Ma xã Thái An có nhiều thành viên có thành tích tốt trong học tập, trong công tác tại địa phương như: 14 thành viên hiện đang là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sỹ quan quân đội, công an nhân dân đang công tác trong và ngoài tỉnh, 5 thành viên là cán bộ nghỉ hưu. 

Đồng chí Lẻo Thị Sầu, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quản Bạ, cho biết: Trong 5 năm qua, dòng họ Ma xã Thái An là dòng họ đầu tiên của huyện Quản Bạ tiêu biểu, điển hình trong học tập và được các cấp, ngành đánh giá cao về truyền thống hiếu học, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2018, dòng họ Ma được lựa chọn dòng họ tiêu biểu dự Lễ tuyên dương về gương sáng khuyến học, khuyến tài của tỉnh. Hàng năm, dòng họ Ma xã Thái An được Hội Khuyến học tỉnh, huyện và xã tặng giấy khen, danh hiệu dòng họ học tập tiêu biểu.

Bài, ảnh: HOÀNG CHÍNH (Quản Bạ)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

BHG - Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 26.7.2017 của  BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) GD&ĐT (Nghị quyết số 15); Hà Giang đã nhận được sự quan tâm, chung tay đầu tư, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; góp phần kiên cố hóa trường, lớp học; nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

 

24/02/2021
Đất trời Xuân Quản Bạ

Xuân 2021 - Tôi rời thành phố Hà Giang vào buổi sớm, đến địa phận Chum Vàng, Chum Bạc, cảnh sắc đã  không còn heo hút. Thấp thoáng những mái nhà nép mình dưới vườn cây ăn quả tươi tốt, ngô trải dài mướt mát, rì rào trong cái rét tê tái những ngày cuối Đông.

23/02/2021
Trò chơi dân gian của người Dao đỏ

BHG - Người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo còn được lưu giữ và phát huy. Trong đó, các trò chơi dân gian cũng rất phong phú, đa dạng và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Mỗi trò chơi đều xuất phát từ cuộc sống lao động hàng ngày của đồng bào, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường gắn kết cộng đồng.

22/02/2021
Người gìn giữ văn hóa truyền thống ở Sà Phìn

BHG - Chiếm phần lớn dân số của huyện Đồng Văn, dân tộc Mông có bề dày văn hóa, lịch sử với tiếng nói, chữ viết, trang phục vô cùng đặc sắc. Đứng trước sự hòa nhập giữa các nền văn hóa, nhưng văn hóa dân tộc Mông vẫn giữ nguyên được giá trị vốn có. Góp một phần trong đó nhờ có những người luôn nỗ lực bảo tồn, gìn giữ thông qua việc truyền dạy cho con, cháu mình. Họ có thể là những nghệ nhân dân gian, người có uy tín, có khi cũng chỉ là một người Mông mong muốn gìn giữ văn hóa đồng bào.

21/02/2021