Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Kỳ đầu: Những bước chuyển mình

19:23, 07/01/2021

BHG - Với các chính sách bao phủ toàn diện, sự năng động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, vượt khó của người dân, những năm gần đây vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.

Trình diễn Lễ Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).
Trình diễn Lễ Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).

Nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi - địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước; ngày 12.3.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Sau hơn 6 năm triển khai, các chính sách dân tộc đã thổi “luồng gió” mới đến vùng đồng bào DTTS của tỉnh, khuyến khích nhân dân phát huy nội lực, đem đến những bước chuyển mình cho mảnh đất biên cương địa đầu cực Bắc.

Có dịp đến những địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh sẽ được chứng kiến sự đổi thay trên mỗi bản, làng, thôn, xóm, nơi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhiều con đường liên thôn, liên xóm được mở mới và bê tông hóa; những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Các lễ hội văn hóa, du lịch cộng đồng không ngừng được quảng bá, phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ KT - XH địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý khẳng định: Việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc gắn với mục tiêu phát triển toàn diện KT – XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ta giai đoạn 2014 – 2020 đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, hạ tầng thông tin được đầu tư ngày càng đồng bộ, phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, trở thành nguồn lực quan trọng giúp nhân dân vươn lên phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm mạnh qua các năm, người dân có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao.

Con số 33.163 hộ thoát nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 (tỷ lệ giảm nghèo bình quân toàn tỉnh đạt 4,2%/năm, trong đó các huyện, xã nghèo giảm 6%/năm) là minh chứng sinh động, khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc chăm lo đời sống các hộ nghèo DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 22,53% năm 2020. Cùng với việc giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm, bước chuyển mình trong nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa cũng là kết quả đáng ghi nhận. Đồng bào dần thay đổi tập quán canh tác từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn và bước đầu có thị trường tiêu thụ, như: Sản phẩm cam, chè, mật ong Bạc hà, dược liệu... Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh có 188 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một dấu ấn quan trọng trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 – 2020 trên địa bàn tỉnh ta đó là, từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc phát huy nội lực, nhiều xã nghèo của tỉnh đã vượt qua khó khăn hoàn, thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều tập trung phần lớn đồng bào DTTS sinh sống, xuất phát điểm thấp (năm 2010 bình quân các xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí), nên để được công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương phải nỗ lực vượt bậc. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng cách làm sáng tạo của các địa phương, tính đến cuối tháng 12.2020, toàn tỉnh có 41 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Vượt qua những khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào các dân tộc đã nỗ lực vươn lên, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng NTM. Để hôm nay, đến mỗi vùng quê trên địa bàn tỉnh, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt trong cuộc sống của người dân, từ các tuyến đường giao thông đến trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… đều khoác lên mình “tấm áo” mới, tạo nên diện mạo trù phú và ấm no cho mỗi vùng quê.

Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh cũng có những bước tiến đáng kể. Công tác giáo dục có nhiều tiến bộ, 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1. Cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Mạng lưới y tế ngày càng phát triển, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Hầu hết các trạm y tế xã đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đồng bào DTTS cơ bản được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tỉnh quan tâm. Triển khai đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học; tổ chức nhiều hoạt động truyền dạy tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống của các dân tộc cho thế hệ trẻ. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy, tạo nên nền văn hóa giàu truyền thống và đậm đà bản sắc cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Nhìn lại những kết quả đáng tự hào của tỉnh ta trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 – 2020 để soi chiếu vào những khó khăn, thách thức của đất nước nói chung và vùng đồng bào DTTS trên toàn quốc nói riêng mới thấy những thành tựu trong giai đoạn qua của tỉnh ta rất quan trọng. Thành tựu đó xây dựng nên nền tảng vững chắc để đồng bào các dân tộc tiếp tục vượt khó, vươn lên xây dựng quê hương cực Bắc ngày càng giàu đẹp, hòa nhập cùng sự phát triển và đổi mới của đất nước!

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Kỳ cuối: Đón vận hội mới.

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

BHG - Trong 2 ngày 29 và 30.12, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội về phía T.Ư có nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Về phía tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể...

 

30/12/2020
Thiên nhiên tuyệt đẹp trong loạt ảnh đoạt giải Nature Photographer of the Year 2020

Giải ảnh quốc tế Nature Photographer of the Year 2020 đã công bố tên của những người chiến thắng trong một sự kiện ảnh thường niên diễn ra hai ngày 13-14/12/2020 vừa qua tại Hà Lan.

29/12/2020
NSND Như Quỳnh và chuyện chưa kể khi đóng "Chuyện của Pao" 15 năm trước

BHG - Mới đây, NSND Như Quỳnh đã tiết lộ chuyện chưa kể khi lên Đồng Văn đóng vai bà Kía trong bộ phim nổi tiếng "Chuyện của Pao". Bộ phim "Chuyện của Pao" được sản xuất năm 2006. Phim do Ngô Quang Hải làm đạo diễn, Đỗ Hải Yến đóng vai chính. Chuyện phim kể về người H'Mông ở vùng núi phía bắc Việt Nam và từng giành được 4 giải Cánh Diều Vàng. Mới đây, bộ phim lại được phát sóng trở lại trong "Tuần phim Việt trên VTVgo".

 

28/12/2020
Đồng Văn "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm"

BHG - Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một trong những chuyên đề sát thực, có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động tại các cơ sở mầm non trong xu thế thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại kết quả tích cực cho ngành Giáo dục nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng.

 

27/12/2020