Điểm hẹn nơi cực Bắc

17:21, 01/01/2021

BHG - Ai đã một lần lên Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu biên cương xa xôi, hẻo lánh, chắc chắn sẽ không thể không khắc khoải - vùng đất cổ xưa với bao câu chuyện huyền thoại; đồng thời là vùng đất với cảnh quan thiên nhiên núi non hùng vĩ, trời mây non nước đến nao lòng, giống như một bức thổ cẩm kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng.

Xóm Lô Lô dưới chân Cột cờ Lũng Cú. ảnh: HQ
Xóm Lô Lô dưới chân Cột cờ Lũng Cú. ảnh: HQ

Lên với Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên Địa chất toàn cầu, bạn sẽ ngỡ ngàng đến mê say, kinh ngạc trước vẻ đẹp thiên nhiên bắt đầu từ cửa ngõ Cổng trời Quản Bạ lên đến huyện Yên Minh, rồi hội tụ ở Đồng Văn và Mèo Vạc, biển đá trập trùng, nhấp nhô như không còn chỗ để cho cỏ cây sinh sống...

Quốc lộ 4C mang tên Hạnh phúc, từ thành phố Hà Giang, ngược phía Bắc lên Cao nguyên đá Đồng Văn, cách đây 61 năm trên 1.000 thanh niên xung phong và 1.200 dân công của 6 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc, gồm Cao - Bắc – Lạng - Thái –Tuyên – Hà và hai tỉnh Hải Dương – Nam Định mở tháng 9.1959 và hoàn thành năm 1965. Gần 6 năm, họ đã bỏ ra trên 2,2 triệu ngày công, đào đắp gần 3 triệu m3 đất đá để hoàn thành con đường dài 185 km Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc.

Hôm nay, con đường này đã được rải áp phan, lòng đường tu sửa mở rộng các đoạn cua nên xe đi êm hơn, trông đã đỡ nguy hiểm. Ngay từ cửa ngõ Cổng trời Quản Bạ, độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, nhìn xuống thị trấn Tam Sơn thơ mộng, trong phảng phất làn sương mỏng, để lộ ra hai quả núi tròn đều sát bên nhau sóng đôi, trông giống như bộ ngực tràn đầy nhựa sống của nàng tiên gửi lại nơi trần thế.

Đường lên huyện Mèo Vạc - điểm xa nhất trên cao nguyên bây giờ đi ô tô chỉ hết có 3,5 tiếng đồng hồ, so với trước đây phải đi hết một ngày đường. Để Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, tỉnh Hà Giang đã phải cố gắng rất nhiều, vượt lên thách thức khắt khe của tiêu chí khoa học về giá trị trầm tích và các giá trị lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc trên Cao nguyên đá và vai trò của chính quyền các cấp trong ý thức trách nhiệm  bảo tồn và phát triển Cao nguyên đá. Vậy là Công viên Địa chất toàn cầu tỉnh Hà Giang đến năm 2020 đã tròn 10 tuổi, tỉnh cũng vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Công viên Địa chất toàn cầu.

Lên Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ bị lạc vào “mê cung” của những câu chuyện thần thoại mà thiên nhiên, mảnh đất, con người, văn hóa nơi đây dệt nên sự đặc biệt. Với diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số khoảng gần 30 nghìn người, gồm 17 dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời, đông nhất là dân tộc Mông, đến Dao, Giấy, Nùng, Tày, Lô Lô, Bố Y, Hoa, Kinh... đã làm nên một trong những vùng đất còn thưa dân ở nhất của khu vực phía Bắc Việt Nam. Đồng bào các dân tộc ở đây sinh sống cây lương thực chính chủ yếu là ngô. Vì diện tích tự nhiên đến gần 90% là núi đá tai mèo, lại là vùng khí hậu khắc nghiệt, khô cằn, bạc màu, hạn hán một năm có đến gần 7 tháng/năm không mưa. Do thiếu đất canh tác trồng ngô, người dân phải gùi đất từ dưới bãi thấp lên núi, bỏ vào từng hốc đá để gieo hạt, một năm có một vụ ngô chính, hiện nay bà con trồng thêm cả ngô Xuân… Và cũng dễ hiểu vì sao lên Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng ta được thấy trong các gia đình đồng bào Mông, lương thực chủ yếu là ngô, được xay nhỏ như bột mì, họ đồ (xôi) lên chín 3 lần để ăn thay gạo. Em bé mới sinh ra cũng đã tập ăn ngô… Món ăn đó, tiếng địa phương gọi là mèn mén. Mèn mèn mà ăn với thắng cố, một loại thức ăn đặc trưng địa phương chỉ người Mông mới dùng, gồm thịt cùng với nội tạng… con bò hoặc dê… có hương vị của quả Thảo quả, gừng… được ninh kỹ trong một chiếc chảo to, dùng để ăn với mèn mén và uống rượu, phổ biến nhất vào ngày chợ của đồng bào tạo nên một món ăn hương vị thơm ngon đậm đà bản sắc…“độc nhất vô nhị” của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá.

Cao nguyên đá Đồng Văn còn có một số di tích văn hóa, kiến trúc cổ như khu di tích nhà Vương (Vua Mèo) - Vương Chính Đức là cha của Vương Chí Sình. Không làm vua như cha, nhưng Vương Chí Sình, một thủ lĩnh của người Mèo ngự trị trên Cao nguyên đá Đồng Văn những năm 40, 50 của thế kỷ XX, đã hợp tác với cách mạng và ông Vương Chí Sình đã được Hồ Chủ tịch mời tham gia đại biểu Quốc hội khoá I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiện nay, Dinh thự nhà Vương nằm trên xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn là một trong những địa chỉ tham quan rất ý nghĩa để khách hiểu thêm về kiến trúc thời xưa và dân tộc Mông Hà Giang. Cao nguyên đá Đồng Văn còn có Phố cổ thuộc thị trấn Đồng Văn hơn trăm năm tuổi và những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều hang động hàng triệu năm tuổi; những nguồn nước ngầm biểu hiện có những con sông ngầm sâu hàng trăm mét dưới tầng đá vôi ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… Đặc biệt trên Cao nguyên Đồng Văn có đỉnh Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh phúc (từ thị trấn Đồng Văn sang huyện Mèo Vạc) được mở tháng 9.1959; riêng đoạn đường Mã Pì Lèng chỉ 2 km, dân công, thanh niên xung phong phải treo mình đục đá, phá mìn… mở 11 tháng trời mới hoàn thành. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng ngỡ với tới trời, nhìn xuống dòng sông Nho Quế sâu thẳm như một nét chữ... Con sông Nho Quế hôm nay đã được ngăn dòng năm 2009 để xây dựng hai nhà máy thuỷ điện mang tên Nho Quế. Chinh phục Mã Pì Lèng là đỉnh cao của ý chí cách mạng và nghị lực phi thường, là mồ hôi, máu và nước mắt của những con người quả cảm, chân đất, đầu trần… vì con đường mang tên Hạnh phúc. Tháng 11.2009, Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là “Di tích thắng cảnh Quốc gia”.

Cao nguyên Đá Đồng Văn còn là xứ sở của các loài hoa Bạc hà, hoa lê trắng muốt, hoa đào địa phương tím hồng; đặc biệt là loài hoa Tam giác mạch, trời đất đã ban cho con người và mảnh đất khô cằn chập chùng đá núi này một sắc màu hiếm có, cánh hoa từ lúc mở cho đến khi tàn đủ ngũ sắc cầu vồng. Mùa hoa Tam giác mạch nở rộ vào tháng 10 sang giữa tháng 11 dương lịch. Trên các triền núi, dưới các thung lũng, bên những ngôi nhà trình tường… của đồng bào các dân tộc, hoa Tam giác mạch nở tràn, lung linh trong sương, long lanh dưới ánh nắng dịu dàng của miền đá xám cực Bắc, như đưa ta vào cõi tiên cảnh…

Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tự nhiên, mang dáng vẻ hoang sơ và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang tiếp tục được đầu tư để xứng đáng là Công viên Địa chất toàn cầu -  “kiệt tác” thiên nhiên nơi cực Bắc và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất nước ta đối với du khách trong nước và quốc tế...

Đặng Quang Vượng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

BHG - Trong 2 ngày 29 và 30.12, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội về phía T.Ư có nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Về phía tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể...

 

30/12/2020
Thiên nhiên tuyệt đẹp trong loạt ảnh đoạt giải Nature Photographer of the Year 2020

Giải ảnh quốc tế Nature Photographer of the Year 2020 đã công bố tên của những người chiến thắng trong một sự kiện ảnh thường niên diễn ra hai ngày 13-14/12/2020 vừa qua tại Hà Lan.

29/12/2020
NSND Như Quỳnh và chuyện chưa kể khi đóng "Chuyện của Pao" 15 năm trước

BHG - Mới đây, NSND Như Quỳnh đã tiết lộ chuyện chưa kể khi lên Đồng Văn đóng vai bà Kía trong bộ phim nổi tiếng "Chuyện của Pao". Bộ phim "Chuyện của Pao" được sản xuất năm 2006. Phim do Ngô Quang Hải làm đạo diễn, Đỗ Hải Yến đóng vai chính. Chuyện phim kể về người H'Mông ở vùng núi phía bắc Việt Nam và từng giành được 4 giải Cánh Diều Vàng. Mới đây, bộ phim lại được phát sóng trở lại trong "Tuần phim Việt trên VTVgo".

 

28/12/2020
Đồng Văn "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm"

BHG - Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một trong những chuyên đề sát thực, có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động tại các cơ sở mầm non trong xu thế thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại kết quả tích cực cho ngành Giáo dục nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng.

 

27/12/2020