Xây ngôi trường mơ ước cho học sinh

09:36, 20/11/2020

BHG - Đề án chuyển học sinh từ điểm trường về học tại trường chính đã góp phần xây dựng nên nền tảng giáo dục giúp học sinh và thầy, cô yên tâm đứng lớp, học tập. Tại Bắc Mê, sau 5 năm triển khai đề án đã mang tới sự hài lòng, đồng tình và đánh giá cao từ phía chính quyền, phụ huynh và các trường học.

Thầy và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung (Bắc Mê) tăng gia sản xuất.
Thầy và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung (Bắc Mê) tăng gia sản xuất.

“Nhằm thực hiện hiệu quả đề án, huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu các trường triển khai tới toàn thể cán bộ, cẩn thận trong việc chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính theo lộ trình. Học sinh được chuyển về học tại trường chính phải đảm bảo các yếu tố: Chỗ học tập, chỗ ăn, ngủ, các công trình phụ trợ và các điều kiện khác để học sinh hoạt động. Sau 5 năm thực hiện, từ 105 điểm trường đến nay toàn huyện còn 86 điểm trường, chuyển được 1.332 học sinh về trường chính…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Ma Văn Tỏe, cho biết.

Kết quả xếp loại cuối năm học 2016 – 2017 và 2019 – 2020 cho thấy, học sinh ở điểm trường về học tại trường chính chất lượng được nâng lên, tỷ lệ được khen thưởng cao hơn, học sinh hình thành và phát triển các năng lực như: Tự phục vụ, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề, phát triển các phẩm chất chăm học, có trách nhiệm, rèn luyện tính trung thực, kỷ luật. Trong 5 năm, có 40 phòng học được xây mới, phòng ở 36, nhà vệ sinh 24, nhà ăn 12, nhà bếp 11; diện tích đất được mở rộng tại các trường có học sinh chuyển về là 2.945 m2…

Nhằm tạo sức hút và để học sinh dễ dàng thích ghi, yên tâm học tập, tại các trường, huyện đã triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập của học sinh. Cô giáo Thào Thị Mây, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Dịnh, cho biết: “Để thực hiện tốt đề án, trường thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất và tiến hành rà soát, xét chuyển học sinh các điểm trường nhỏ lẻ về học tại trường chính. Qua đó, việc duy trì sỹ số, chất lượng dạy và học được nâng lên…”.

Là trường có tỷ lệ học sinh đông với 758 em, việc triển khai đề án đã góp phần giúp trường giảm từ 19 điểm xuống còn 15 và đưa được 392 học sinh về trường chính. Chia sẻ về những khó khăn và cách làm của trường, cô Trần Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung, chia sẻ: “Đề án đã thực sự trở thành chìa khóa giúp trường tháo gỡ khó khăn, từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Để chia sẻ và giúp các em từ các điểm trường về hòa nhập với môi trường mới, trường đã thành lập Ban quản lý học sinh bán trú nhằm giám sát và quản lý học sinh. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ; tổ chức hoạt động ngoại khóa; tăng gia sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh. Qua đó, việc học tại trường chính đã giúp các em được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, có quỹ thời gian học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nề nếp học tập…”.

Thỏa mãn niềm đam mê được đến trường, được cùng bạn bè tham gia các hoạt động ngoại khóa, đồng thời được trải nghiệm những trang thiết bị học tập hiện đại. Đó là tâm sự chung của các em khi được chuyển về trường chính, em Trắc Yến Chi, học sinh lớp 5A3 Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung, chia sẻ: “Nhà em ở thôn Bản Bó, trước đây em học tại điểm trường, ngoài thời gian học thì lên nương với bố mẹ, tối đến không có điện để học. Từ khi được chuyển về trường chính, được học 2 buổi/ngày, được ăn đúng giờ và còn được thầy, cô kèm thường xuyên, thời gian rảnh chúng em còn tham gia các hoạt động ngoại khóa…”.

Năm học 2019 – 2020, tỷ lệ học sinh chuyển về trường chính hoàn thành chương trình học đạt 99,4%, tăng 1,25% so với học sinh hiện đang học tại điểm trường... Kết quả đó đã khẳng định bước đi đúng đắn của đề án và dần hiện thực hóa những ước mơ về ngôi trường với đầy đủ điều kiện học tập của đông đảo học sinh vùng cao…

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhớ về một thời nhọc nhằn nghề giáo nơi non cao

BHG - Tôi còn nhớ chừng 20 năm trước, nhà văn Cao Xuân Thái, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang có bút ký Ngải đắng vùng cao được Đài tiếng nói Việt Nam phát trên chương trình Văn nghệ. Bút ký viết về cuộc sống của các cô giáo vùng cao Hà Giang trong những mùa đông khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh đến nỗi phải sử dụng cả những cọng rau ngải dại để làm canh.

20/11/2020
"Trồng người" nơi cực Bắc - Kỳ cuối: Kiên định mục tiêu đổi mới

BHG - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các cấp, các ngành phải xem giáo dục là quốc sách, con đường đổi mới giáo dục sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải kiên định mục tiêu đổi mới.

 

20/11/2020
Các trường học kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

BHG - Chiều 19.11, Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2020). Tới dự có đồng chí Đặng Ái Xoan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh. Cùng dự có nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên nhà trường và đại diện học viên.

20/11/2020
Những điều ước không cho riêng mình

BHG - Tại buổi gặp mặt giữa các thầy, cô giáo dân tộc thiểu số tham dự Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây; các thầy, cô bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

19/11/2020