Một Hà Giang kỳ vĩ, nên thơ và phát triển

00:17, 29/11/2020

BHG - Hoành tráng, độc đáo, hấp dẫn, mới lạ là cảm nhận chung của du khách về Lễ kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu Unesco gắn với Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI vừa diễn ra tối 28.11 tại Quảng trường 26.3, Tp. Hà Giang.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc được dàn dựng hoành tráng, công phu
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc được dàn dựng hoành tráng, công phu

 Từ 19h, mặc dù còn 1 tiếng nữa mới diễn ra buổi lễ, nhưng mọi ngả đường đổ về Quảng trường 26.3, Tp. Hà Giang. Chưa năm nào, lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách như thế. Chị Đỗ Thị Quý, phường Nguyễn Trãi Tp. Hà Giang phấn khởi: “Gia đình tôi háo hức, chờ đợi sự kiện này suốt cả tuần nay. Hôm nay thời tiết đẹp, chúng tôi đến đây từ rất sớm, tìm một chỗ ngồi thuận lợi để thưởng thức trọn vẹn chương trình. Năm nay, sự kiện được tổ chức tại Tp. Hà Giang đã tạo điều kiện để chúng tôi được tham gia, trải nghiệm không gian lễ hội”.

Người dân, du khách trải nghiệm, thưởng thức uống rượu cần, đặc sản ẩm thực tỉnh Hòa Bình
Người dân, du khách trải nghiệm, thưởng thức uống rượu cần, đặc sản ẩm thực tỉnh Hòa Bình

Chương trình kỷ niệm 10 năm Công viên địa chất UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với Lễ hội hoa Tam giác mạch năm nay có nhiều đổi mới. Chương trình được tổ chức tại 2 điểm cầu Tp. Hà Giang và thị trấn Đồng Văn; được tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền hình và các nền tảng số của tỉnh để những người con xa xứ và du khách chưa có cơ hội đến thăm vùng đất này có thể được ngắm nhìn sự phát triển của vùng cực Bắc Tổ quốc. Khoảng thời gian trên sóng này sẽ trở thành sản phẩm du lịch, có thể đưa vào phát sóng rộng rãi không chỉ trên truyền hình mà còn hấp dẫn trên môi trường số như website của tỉnh, youtube, facebook… thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo T.Ư, tỉnh và đại điện Văn phòng Unesco tại Việt Nam đều khẳng định: Trải qua những kiến tạo địa chất, sự lao động sáng tạo của người dân địa phương, những biến đổi của tự nhiên và xã hội đã tạo cho Hà Giang những tài nguyên sẵn có, hấp dẫn để phát triển du lịch. Trong 10 năm gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành T.Ư và sự đồng lòng quyết tâm của tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH của tỉnh, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Năm 2020 khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 1,5 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2020 đạt 14,6%/năm, đóng góp 8,8% GDP của tỉnh, diện mạo của các huyện vùng Cao nguyên đá có nhiều thay đổi; nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa, di sản gắn với phát triển du lịch bền vững được nâng lên. Nhiều sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu của Hà Giang, trong đó tiêu biểu là Lễ hội hoa Tam giác mạch được tổ chức thường niên.

Không gian ẩm thực tỉnh Điện Biên tại lễ hội
Không gian ẩm thực tỉnh Điện Biên tại lễ hội

Với chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá”, chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc được dàn dựng hoành tráng, công phu với 3 chương gồm: Huyền thoại miền đá, Đá nở hoa và Sắc hoa vươn xa, thể hiện bức tranh Cao nguyên đá với sự hòa quyện của nhiều loài hoa, vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết để vươn lên, tỏa hương sắc cho đời, trong đó tiêu biểu là hoa Tam giác mạch, loài hoa thân thảo mộc, nhỏ bé, yếu ớt, nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Sắc hoa Cao nguyên đá còn là sắc hoa đa dạng văn hóa đồng bào dân tộc trên miền cực Bắc; đồng thời cũng là khát vọng vươn lên của một Hà Giang đổi mới, trẻ trung, phát triển trên con đường hội nhập. Vẻ đẹp thơ mộng, bình dị của những loài hoa trên đá cũng là vẻ đẹp chất phác, thân thiện của cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Tất cả tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho du khách khi đến nơi đây.

Anh Đoàn Minh Sơn, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật rất đặc sắc với âm thanh, ánh sáng, nhạc nước hấp dẫn, mới lạ, độc đáo; thể hiện được cả quá trình hình thành, phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn; vẽ nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với loài hoa Tam giác mạch; đồng thời thể hiện sự da dạng, phong phú, tinh tế trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn”.

Tại điểm cầu thị trấn Đồng Văn đã tái hiện không khí phiên chợ vùng cao rộn ràng, sôi động, đa sắc màu dân tộc, đậm chất văn hóa địa phương. Du khách cũng sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm về hoa Tam giác mạch và các sản phẩm được làm từ hoa Tam giác mạch.

Bên cạnh Lễ hội, Liên hoan ẩm thực, triển lãm ảnh đẹp, giới thiệu sản phẩm đặc trưng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 cũng là sự kiện độc đáo thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của đông đảo người dân và du khách. Chị Nguyễn Thanh Hương, du khách vượt quãng đường xa xôi từ Tp. Hồ Chí Minh ra với Hà Giang xúc động: “Lần đầu tiên tôi được thưởng thức những món ăn độc đáo như thế này. Những món ăn dân giã hàng ngày của đồng bào các dân tộc, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm ẩm thực ngon miệng, thú vị. Bức tranh văn hóa ẩm thực Tây Bắc thật tuyệt vời”.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Triệu Thị Tình, chia sẻ: “Bên cạnh chương trình khai mạc Lễ kỷ niệm 10 năm Công viên địa chất UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI được tổ chức chu đáo, đổi mới, hấp dẫn thì chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội năm nay cũng đều thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh về một Hà Giang hùng vĩ, thơ mộng, đậm đà bản sắc, đầy khát vọng vươn lên, phát triển và hội nhập mạnh mẽ”. 

Lễ kỷ niệm 10 năm Công viên địa chất UNECSO gắn với Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2020 với sự độc đáo, hấp dẫn trong cách tổ chức và nội dung khẳng định vị thế của một Hà Giang bản sắc, an toàn và thân thiện trong lòng du khách, đồng thời thể hiện quyết tâm của tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Công viên địa chất UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cầu trở thành trung tâm du lịch quốc gia; qua đó kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển KT – XH, tạo nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ghi chép: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày hội Văn hóa du lịch và ẩm thực các dân tộc huyện Quản Bạ

BHG - Nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch, ẩm thực và giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện đến với du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian 1,5 ngày, từ chiều 27 – 28.11, tại sân vận động huyện Quản Bạ, UBND huyện Quản bạ tổ chức ngày hội Văn hóa, du lịch và ẩm thực các dân tộc huyện Quản Bạ năm 2020. Dự có lãnh đạo huyện cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách.

 

28/11/2020
Ấn tượng hương vị và sắc màu ẩm thực Tây Bắc

BHG - Trong khuôn khổ Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2020, sáng ngày 28.11, tại Công viên cây xanh, TP. Hà Giang đã diễn ra các hoạt động của liên hoan ẩm thực du lịch Tây Bắc. Tại đây, 8 tỉnh gồm: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai đã giới thiệu các món ăn độc đáo, mang đậm sắc hương của núi rừng Tây Bắc. Đó là những hương vị rất quen thuộc của rau rừng, các thực phẩm quen thuộc như cá, thịt lợn, gà…

28/11/2020
VTV1 giới thiệu về Lễ hội Hoa Tam giác mạch Hà Giang

BHG - Lễ hội Hoa Tam giác mạch Hà Giang lần thứ VI, năm 2020 là một sự kiện văn hóa nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến Hà Giang. Trước sự kiện lễ hội năm 2020, nhiều báo, đài trong cả nước đã đưa tin, phát sóng giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế. Trong đó, đặc biệt là nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam đã thông tin, tuyên truyền về lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang.

28/11/2020
Điểm lại những dấu mốc phát triển của CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Từ những năm đầu thế kỷ XXI, người dân cả nước có lẽ chỉ biết đến hình ảnh về Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ là một địa bàn xa xôi, nghèo khó nhất của đất nước. Du khách ít đặt chân đến đây bởi đường xá, các điều kiện phục vụ ăn nghỉ cũng hết sức hạn chế. Quốc lộ 4C hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc huyền thoại xuyên qua 4 huyện vùng cao núi đá đã được mở từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng chỉ đủ hé lộ về một vùng đất với những cảnh quan cực kỳ hùng vĩ như Mã Pì Lèng...

27/11/2020