Điểm lại những dấu mốc phát triển của CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

15:53, 27/11/2020

BHG - Từ những năm đầu thế kỷ XXI, người dân cả nước có lẽ chỉ biết đến hình ảnh về Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ là một địa bàn xa xôi, nghèo khó nhất của đất nước. Du khách ít đặt chân đến đây bởi đường xá, các điều kiện phục vụ ăn nghỉ cũng hết sức hạn chế. Quốc lộ 4C hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc huyền thoại xuyên qua 4 huyện vùng cao núi đá đã được mở từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng chỉ đủ hé lộ về một vùng đất với những cảnh quan cực kỳ hùng vĩ như Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, cổng trời Quả Bạ và cuộc sống cực kỳ mộc mạc, cô liêu của miền biên viễn cực Bắc.

Lễ hội hoa Tam giác mạch là sự kiện thể hiện sự nỗ lực của Hà Giang trong việc quảng bá Công viên đá và phát triển du lịch
Lễ hội hoa Tam giác mạch là sự kiện thể hiện sự nỗ lực của Hà Giang trong việc quảng bá Công viên đá và phát triển du lịch

Thế rồi bằng các chuyến đi của các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học, một hình ảnh Cao nguyên đá với những di sản độc đáo về địa chất, một vùng đất Tột Bắc đất nước với cộng đồng dân tộc đa sắc màu dần được nổi bật trong những tác phẩm văn học, báo chí hay những ví dụ khoa học sinh động về một vùng đất khắc nghiệt, chứa đựng phong phú những giá trị về lịch sử hình thành, phát triển của vỏ trái đất. Đến năm 2001, một dự án hợp tác Việt - Bỉ mang tên “Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển CVĐC ở một số khu vực Đông Bắc Việt Nam” được triển khai và Hà Giang đương nhiên là địa phương điển hình để nghiên cứu. Từ các năm 2002 - 2006 các nhà khoa học trong và ngoài nước của Dự án Hợp tác Việt - Bỉ đã thực hiện nhiều đợt khảo sát Cao nguyên đá Đồng Văn với các hang động, nghiên cứu địa chất karst... Qua đó, đến cuối năm 2006 các nhà khoa học đề xuất với tỉnh Hà Giang về ý tưởng tìm kiếm một mô hình phát triển kinh tế dựa trên chính những giá trị lợi thế của Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên cơ sở đó, nhiều cuộc hội thảo khoa học về mục tiêu xây dựng CVĐC Cao nguyên đá đã được tổ chức.

Một dấu mốc quan trọng sau quá trình nghiên cứu, tháng 9.2009 Hà Giang đã tổ chức một hội thảo quốc tế về xây dựng CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, thu hút trên 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Đây là tiền đề quan trọng để ngày 19.11.2009, UBND tỉnh ra các quyết định quan trọng về việc thành lập CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn và thành lập Ban quản lý CVĐC. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị gia nhập mạng lưới CVĐC Toàn cầu. Đến ngày 27.11.2009, Hồ sơ đề nghị công nhận CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình Ban điều hành Mạng lưới CVĐC Toàn cầu.

Đường lên Cột cờ quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn)
Phong cảnh dưới chân Cột cờ quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn). ảnh: Hải Quỳnh

Sau những chuyến đi thực tế và thẩm định của đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC Toàn cầu tại Cao nguyên đá Đồng Văn, hình ảnh về một vùng đất đặc biệt của Việt Nam với những giá trị di sản địa chất, địa mạo, các giá trị văn hóa đặc sắc đã chinh phục được các nhà khoa học quốc tế trong việc đồng thuận công nhận đây là một vùng đất đặc biệt, có thể trở thành CVĐC Toàn cầu. Qua đó, những ngày đầu tháng 10.2010 là những ngày thật đặc biệt khi tại Hy Lạp, Hội đồng tư vấn của mạng lưới CVĐC Toàn cầu đã chính thức công nhận CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu.

Bà con người Mông trao đổi, mua bán vải lanh truyền thống tại chợ Mèo Vạc
Bà con người Mông trao đổi, mua bán vải lanh truyền thống tại chợ Mèo Vạc

CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được xây dựng với vô vàn những lợi thế, song cũng đứng trước không ít thách thức. Trong đó, đặc biệt nhất là điều kiện KT – XH của Hà Giang còn khó khăn nhất cả nước. Lần đầu tiên Việt Nam có một CVĐC Toàn cầu, chúng ta chưa có mô hình tiền lệ hoặc kinh nghiệm xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị CVĐC. Trong khi các mô hình CVĐC Toàn cầu của thế giới mỗi vùng một điều kiện khác nhau, rất khó có thể học tập, áp dụng cứng nhắc được. Đặc biệt nhất, 4 huyện vùng Cao nguyên đá lại thuộc diện 30a, cơ sở hạ tầng cực kỳ khó khăn, nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản còn nhiều hạn chế; các áp lực về phát triển đời sống KT – XH, trong đó có hoạt động xây dựng của vùng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Trước muôn vàn khó khăn, thêm một dấu mốc quan trọng của Cao nguyên đá, ngày 7.2.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2021 – 2020 và tầm nhìn 2030. Ngày 7.4.2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg về Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Đến ngày 21.12.2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg, về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Công viên đá, không chỉ có nhiệm vụ bảo tồn mà nó còn mang ý nghĩa tạo sinh kế cho vùng.

Trong những nỗ lực xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn 10 năm qua, Hà Giang đã nhận được sự hỗ to lớn của các bộ, ban, ngành T.Ư. Qua đó, từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để giữ vững tư cách thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu. Qua đó, tỉnh đã ban hành được Quy chế quản lí, bảo vệ và phát triển CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; BQL CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực hiện khoanh vùng 30 cụm di sản trong CVĐC; xây dựng được các nội dung giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy các giá trị của Công viên đá. Các nỗ lực về tạo sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm theo các hình thức đầu tư Nhà nước và xã hội hóa. Từ những nỗ lực đó, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng trong 2 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên của Mạng lưới CVĐC Toàn cầu vào các năm 2014 và 2018, Công viên đá của chúng ta đã xuất sắc vượt qua.

Những năm qua, với định hướng rõ ràng và quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang, Cao nguyên đá từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế, trở thành đầu kéo không chỉ cho phát triển du lịch mà còn cho sự phát triển toàn diện của Hà Giang. Cao nguyên đá giờ đây không chỉ là biểu tượng của Hà Giang, mà còn tự hào với hình ảnh chủ quyền đất nước nơi Tột Bắc. Quá trình vượt khó xây dựng CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trong khoảng 2 thập kỷ qua thực sự là một bản hùng ca về câu chuyện “biến khó khăn thành cơ hội phát triển” của Hà Giang.  

                                                                                      Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sững sờ ngắm vũ điệu của con người hòa vào vẻ đẹp của thiên nhiên

Với ý tưởng vẻ đẹp con người hoà vào vẻ đẹp của thiên nhiên, một nhiếp ảnh gia người Nga đã cho ra đời một dự án sáng tạo.

27/11/2020
Sẵn sàng cho Lễ hội Hoa Tam giác mạch

BHG - Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VI gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu sẽ chính thức khai mạc. Thời điểm này, lượng du khách đến với miền đá không ngừng tăng lên. Mọi công tác chuẩn bị triển khai đúng tiến độ, đảm bảo sự kiện diễn ra an toàn, hiệu quả và tôn vinh được những giá trị đặc sắc của con người, mảnh đất, văn hóa truyền thống các dân tộc Hà Giang.

 

27/11/2020
Một thập kỷ - điểm đến CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Ngày 3.10.2010, tại hòn đảo Levos xinh đẹp của đất nước Hy Lạp, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC)  Toàn cầu của UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là CVĐC Toàn cầu. Tin vui bay về Việt Nam trong sự hân hoan, bởi đây là CVĐC Toàn cầu đầu tiên của đất nước ta và thứ 2 của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt nhất là cấp ủy, chính quyền và những người dân mảnh đất địa đầu Tổ quốc đón nhận thông tin này với niềm vui và tự hào khôn tả.

 

25/11/2020
"Đại sứ" du lịch

BHG - Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên khách du lịch (DL) đến Hà Giang sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cấp, các ngành về xây dựng điểm đến DL an toàn và sức hút diệu kỳ từ hoa Tam giác mạch, DL đang trở lại "đường đua" với lượng khách tăng cao những tháng cuối năm.

 

24/11/2020