Ánh sáng cách mạng trên quê hương Hồ Thầu

09:16, 17/08/2020

BHG - Ở bản Sang Suôi, nơi sâu xa của non Xuân Sơn, có đường quanh co “chín khúc uốn bền”, ngày nay quen gọi núi Chiêu Lầu Thi có đỉnh cao 2.402m so với mặt nước biển. Bản làng này được đổi tên thành thôn Quang Vinh khi xây dựng hợp tác xã (1962) đến nay.

Người dân xã Hồ Thầu chung sức làm đường bê tông nông thôn.                                                                   Ảnh: Tư Liệu
Người dân xã Hồ Thầu chung sức làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Tư Liệu

Thời kỳ 1947 – 1950, Sang Suôi chỉ có trên dưới 20 hộ. Khi Cách mạng tháng 8 thành công năm 1945, người dân tỉnh Hà Giang nói chung, Hoàng Su Phì nói riêng trong đó có xã Hồ Thầu chưa được tiếp thu đường lối của Đảng và Bác Hồ. Nhân dân còn nằm dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến. Đến năm 1947, Việt Minh mới đến Hồ Thầu gây dựng cơ sở cách mạng. Các ông Phổng Chìu Kinh ở bản Hồ Thầu, Triệu Tạ Mềnh ở bản Tầm Lang, Triệu Tạ Trình ở bản Chả Hồ, Triệu Tạ Chiêm ở bản Tân Minh và ông Triệu Quầy Và ở bản Sang Suôi của xã Hồ Thầu đã giác ngộ, tin và tham gia tổ chức Việt Minh, vận động quần chúng nhân dân giác ngộ đi theo Việt Minh làm cách mạng. Căn cứ của Việt Minh tại rừng già Tầm Lang – Chả Hồ của xã Hồ Thầu. Bản Sang Suôi vừa có người làm lý trưởng, binh đầu lại vừa có người đi làm Việt Minh, nên có người báo cho thực dân Pháp biết rằng: Triệu Quầy Và là con của Triệu Vàn Hín đi làm Việt Minh, nên Châu Đường là tri phủ ra lệnh tổ chức bắt Quầy Và. Sau nhiều lần phục bắt tại nhà nhưng không bắt được, thực dân Pháp lệnh bắt cả nhà ông Triệu Vàn Hín lên trên để xét hỏi, giam giữ.

Đồn Pố Lũng, chứng tích thời Pháp thuộc ở Hoàng Su Phì.              Ảnh: TRỌNG TOAN
Đồn Pố Lũng, chứng tích thời Pháp thuộc ở Hoàng Su Phì. Ảnh: TRỌNG TOAN

Bố, mẹ cùng vợ ông Triệu Vàn Hín bị bắt đưa lên nhà binh đầu giữ ở đó 10 ngày thì thả hai ông bà già và vợ đang có con nhỏ dưới 2 tuổi về nhà. Còn Quầy Dồng (là anh), Quầy Hin, Mùi Viện, Mùi Mán (em của Quầy Và) đều bị bắt đưa lên đồn sếp Chiêu tại thôn Hồ Thầu giam giữ một tháng để khai thác, xét hỏi, đều không ai khai báo Triệu Quầy Và làm gì và ở đâu. Vì ông Triệu Vàn Hín đã dự đoán trước là chúng có thể bắt bớ, nên ông đã dặn không được khai báo, không nói gì nhiều chỉ cần một câu: Không biết.

  Không những điều dự đoán đã xảy ra, mà bản thân ông Triệu Vàn Hín còn bị bắt đưa lên tận Tri Phủ nơi ở Châu Đường để giam giữ và xét hỏi. Sau nhiều lần bị quan ta và quan Tây xét hỏi, ông đều nhất quản trả lời với nội dung: Ở nhà tôi đã không biết con tôi ở đâu mà gọi, bây giờ các ông bắt tôi ở đây thì tôi biết đi đâu mà gọi, có phải con tôi ở đây không!?.

Cả quan Tây và quan ta đều thấy ông Hín trả lời như vậy nên đoán chắc ông không biết gì, nhưng lại nghĩ: Người con nào chả thương bố, cứ giam ông 6 tháng thế nào Quầy Và con trai ông cũng sẽ ra trình diện. Nghĩ vậy hắn cho ông Hín vào nhà giam, giam tiếp. Sau vài tháng tống giam, chúng cho ông ra ngoài đi lao động. Một hôm có một lính đến đưa cho một cái phong bì và bảo: Ông cầm công văn này vào Trung Thịnh cho Lý trưởng Củi. Ông Hín nghĩ mấy hôm trước có một người cùng ở, được giao đi đưa thư, chẳng thấy về, không biết hắn ta trốn rồi, nghĩ vậy ông rút ra đồng 5 hào đưa tên lính nói ông cho người khác đi. Tên lính cầm và quay đi.

Hơn một tháng sau, em rể và con cả lên thăm ông. Vừa nhìn thấy hai người, ông Hín quát: Về đi, đến làm gì. Con trai cả và em rể định thanh minh vì việc đến thăm ông muộn nhưng ông kiên quyết đuổi về không gặp nên 2 người đành phải ra về.

Sau 6 tháng giam giữ, ông được thả. Về đến nhà ông đứng trước cửa bảo vợ con lấy nước đổ vào đầu cho ướt hết, vợ và các con không ai dám đổ nước. Sau khi ông giục, cuối cùng bà mẹ lấy gáo múc nước trong bếp, múc đầy nước ra dội vào đầu, toàn bộ quần áo bị ướt hết, vợ đem cho một bộ quần áo khô để ông thay. Thay xong ông mới nói với cả gia đình rằng đổ nước vào đầu là dội cho sạch cái súi quẩy của bọn thực dân Pháp xâm lược, còn việc hai chú cháu lên thăm tôi, tôi đã không muốn liên lụy với bất cứ một người nào trong gia đình mình, thế mà chú rể, con cả lên thì tôi đuổi về, nhưng cả hai chú cháu không hiểu, chứ phải đâu tôi trách móc gia đình không thăm.

Thực tế trong thời gian đó ông Hín biết rõ Quầy Và đang ở trong tổ chức của Việt Minh tại Chả Hồ. Khi nghe tin mẹ ốm và chết, ông Quầy Và xin phép về thăm viếng mẹ, tổ chức cho về nhưng dặn Quầy Và chỉ xuất hiện khi trong nhà không có người ngoài, nếu có người ngoài thì đứng im như mình đang đứng chịu tang mẹ. Về đến nhà thấy đông người, ông không dám vào nhà mà đứng ở chuồng trâu chắp hai tay nói lẩm bẩm với mẹ: Con có lỗi với mẹ đã không về chăm sóc mẹ được, bây giờ con không vào nhà chịu tang mẹ, mong mẹ hiểu và thông cảm cho con. Nói rồi Quầy Và đành quay về đơn vị tiếp tục công tác.

Khi đất nước hòa bình, Đảng và Nhà nước tặng gia đình ông Triệu Vàn Hín Huân chương Kháng chiến hạng Nhì về thành tích cất dấu và nuôi cán bộ Việt Minh. Cá nhân ông Quầy Và được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

                                                                          Triệu Đức Thanh


Cùng chuyên mục

Ca khúc ra đời trên Quảng trường Nhà hát Lớn đúng ngày 19/8

Đó là ca khúc "19 tháng Tám" mà nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh hoàn thành đúng lúc ông và đồng đội tiến vào Quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19/8/1945, ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

15/08/2020
10 ngôi làng cheo leo vách núi đẹp nhất hành tinh

Xây dựng các công trình sát vách đá luôn có sự nguy hiểm nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chúng vẫn tồn tại và trở thành điểm tham quan hút du khách theo thời gian.

15/08/2020
Bắc Mê phát thanh trực tiếp đưa không khí Đại hội Đảng bộ huyện về cơ sở

BHG - Nhằm để đông đảo người dân trên địa bàn huyện Bắc Mê nắm và theo dõi chương trình Đại hội đại biểu huyện Bắc Mê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra trong 2 ngày 12 – 13.8, huyện Bắc Mê đã tiến hành sử dụng truyền thanh không dây và sóng FM tường thuật trực tiếp tiến trình và các nội dung tại Đại hội để đáp ứng sự mong mỏi và nhu cầu thông tin của người dân.

 

13/08/2020
Xứng tầm "hạt nhân" du lịch của tỉnh

BHG - 5 năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn có bước phát triển đột phá, xứng tầm là "hạt nhân" du lịch của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ, du lịch đã được huyện lựa chọn là một trong những khâu đột phá. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học của vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc. 

13/08/2020