Hà Giang

Tác nghiệp ở Trường Sa

16:35, 18/06/2020

BHG - Đã đi tác nghiệp tại nhiều nơi, nhưng chuyến đi Trường Sa cho tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc đặc biệt. Một trong những niềm tự hào và trải nghiệm đáng quý nhất của mỗi phóng viên là được đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc – Quần đảo Trường Sa, Nhà Giàn DK1 và Côn Đảo. Vẻ đẹp của biển đảo quê hương, câu chuyện của những người lính đảo, quá trình tác nghiệp thật sự là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, là niềm vinh dự, tự hào đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm.

Tác giả tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết.                         Ảnh: PV
Tác giả tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết. Ảnh: PV

Đầu tháng 1.2019, rời cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), con tàu HQ 571 đã thực hiện nhiều chuyến hải trình nối đất liền với Trường Sa đưa chúng tôi ra thăm quần đảo. Hầu hết chúng tôi là những người lần đầu được đến Trường Sa nên ai cũng rất háo hức. Tàu ra khỏi vịnh Cam Ranh, biển động hơn bởi gió và những con sóng dữ.

Trước khi theo hải trình, Trường Sa với tôi là những hình ảnh, câu chuyện qua báo chí, truyền hình, qua lời kể của các đồng nghiệp. Từ kinh nghiệm của những đồng nghiệp, tôi đã trang bị cho mình phương tiện và chút vốn tinh thần để tác nghiệp ở Trường Sa.

Sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, điểm đầu tiên chúng tôi được tiếp cận là đảo Sinh Tồn Đông rồi tiếp những ngày sau đó là 5 đảo: Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Song Tử Tây và Đá Nam.

Tác nghiệp trên đảo Đá Nam.                                                 Ảnh: PV
Tác nghiệp trên đảo Đá Nam. Ảnh: PV

Do chưa có cầu tàu vào căn cứ con nước, từ tàu vào các đảo, chúng tôi phải di chuyển bằng những chiếc xuồng. Khi ngồi trên xuồng, để an toàn cho người và hành lý, mỗi chúng tôi được phát một áo phao, dép, mũ và một túi nilon chuyên dụng để bảo quản đồ đạc. Thời điểm lên đảo, rời đảo luôn được Ban Chỉ huy Đoàn công tác tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh sóng to, gió lớn… Di chuyển từ tàu xuống xuồng và từ xuồng lên tàu, từ xuồng vào đảo là cả một nghệ thuật, bởi những con sóng dữ, có lúc sóng đẩy xuồng ra xa rồi lại xô mạnh vào mạn tàu… Có lúc sóng nâng xuồng lên rồi đột ngột hạ xuống. Chỉ cần một bước chân bị hụt hay lỡ nhịp sóng nâng xuồng lên là rất dễ xảy ra tai nạn. Được hướng dẫn và sự trợ giúp đắc lực của các thủy thủ, việc cập đảo đều diễn ra an toàn.

Để tạo điều kiện cho các nhà báo tác nghiệp, chúng tôi luôn được ưu tiên xuống xuồng vào đảo trước và về tàu sau cùng. Đặt chân lên đảo, mọi người đều háo hức và tranh thủ từng phút giây quý giá trong khoảng thời gian hạn hẹp để gặp gỡ, chụp ảnh, quay phim, tìm hiểu về hoạt động, cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân trên các điểm đảo. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều cởi mở, nhiệt tình hỗ trợ các nhà báo tác nghiệp.

Tác nghiệp ở Trường Sa vất vả và gian khổ. Nắng nóng cháy da. Đứng ngoài trời vài phút để chụp ảnh, chúng tôi phải mặc áo chống nắng, nhưng 2 tay vẫn bỏng rát. Vậy mà, bên Cột mốc chủ quyền, những chiến sĩ vào ca gác vẫn đứng nghiêm trang bồng súng, thật đáng khâm phục sự rèn luyện của họ.

Chịu sóng gió, chịu sự thay đổi thất thường của thời tiết nơi biển, đảo thì sự can đảm và phải biết tận dụng thời gian hoàn cảnh tác nghiệp cũng được thử thách. Mọi kinh nghiệm làm báo được chia sẻ, được phát huy một cách tối đa.  Mỗi chuyến lên đảo, về tàu, bất kể giờ giấc, tôi và các đồng nghiệp lại tiếp tục cập nhật những tư liệu về hành trình, viết bài, dựng hình và làm công tác chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau.

Chúng tôi cũng được tham gia cùng quân và dân trên các đảo với trải nghiệm thú vị, như: Chào cờ bên Cột mốc chủ quyền, trồng cây xanh, gói bánh trưng bằng lá bàng vuông. Vui nhất là những chương trình văn nghệ giao lưu “cây nhà lá vườn” giữa chủ và khách tại các đảo. Dưới ánh điện lung linh, ánh trăng huyền ảo, hòa sóng biển, những bài hát, bài thơ về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về Trường Sa cứ ngân lên, thật xúc động, rồi thi kéo co, nhảy bao bố. Đặc biệt, hôm ở đảo Song Tử Tây, sau gần 3 giờ đến đảo, đã diễn ra trận thi đấu bóng đá nữ giữa 6 nữ phóng viên của Đoàn công tác với người dân ở đảo. Không tập duyệt trước, cũng chẳng có huấn luyện viên, chỉ 1- 2 lần hội ý vậy mà trận đấu diễn ra hoành tráng, các chị em rất ăn ý khi chuyền, bắt bóng.

Đến với Trường Sa, đến với các điểm đảo, cảm giác được đứng bên cạnh Cột mốc chủ quyền của Tổ quốc nơi đảo xa, được chạm tay vào cột mốc thật thiêng liêng và xúc động xen lẫn tự hào.

Xúc động khoảnh khắc khi chia tay Trường Sa về đất liền, chúng tôi nhớ mãi những gương mặt, những nụ cười giòn tan của quân và dân Trường Sa; nhớ vườn hoa, cây cảnh được bộ đội tạo dáng công phu, nhớ những chùm hoa bàng vuông khoe mình trong đêm trăng huyền ảo, nhớ những vườn rau xanh mướt của các chiến sĩ, tiếng trẻ bị bô học bài.

Vâng, đến với Trường Sa để được hòa mình vào cuộc sống ở đảo, cảm nhận được phần nào những vất vả, thiếu thốn, ý chí quyết tâm của những con người nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là động lực để những người làm báo chúng tôi  tiếp tục gắn bó với nghề, mang đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm chất lượng, hấp dẫn.

Hoa Sim


Cùng chuyên mục

Tập huấn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2020

BHG - Ngày 17.6, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020. Đến dự có đại diện Công an tỉnh; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở GD&ĐT; trên 200 cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT, THCS&THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và những đơn vị có thí sinh dự thi trong kỳ thi năm nay.

 

17/06/2020
Kỷ niệm khó quên

BHG - Trong cuộc đời mỗi người, hẳn ai cũng có những kỷ niệm của riêng mình. Với tôi, có lẽ kỷ niệm phải cách ly 14 ngày trong chuyến công tác lên Đồng Văn, huyện đầu tiên của tỉnh có người bị nhiễm bệnh Covid -19 đã để lại ấn tượng sâu sắc. Là phóng viên của Tòa soạn Báo Hà Giang, được Ban Biên tập giao nhiệm vụ theo dõi địa bàn huyện Đồng Văn - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc...

16/06/2020
Di sản báo chí các thời kỳ trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Những tài liệu, hiện vật trưng bày trong bảo tàng mang đến bức tranh khá toàn cảnh, khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam.

16/06/2020
Cô giáo Lê Thị Lan "Giỏi việc trường, đảm việc nhà"

BHG - Nhắc đến cô Lê Thị Lan, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, thị trấn Vị Xuyên, không chỉ học sinh, mà các đồng nghiệp trong ngành Giáo dục Vị Xuyên ai cũng biết cô là một giáo nhiệt tình, năng động và trách nhiệm trong công việc. Cô Lan sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang...

16/06/2020