Hà Giang

Người bạn đồng hành vượt "bão" truyền thông

18:40, 20/06/2020

BHG - “Bão” hay khủng hoảng truyền thông là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy đến với bất kể ai ở bất kỳ thời điểm nào. Khi xảy ra “bão”, Báo Đảng, Truyền hình địa phương phải khẳng định vai trò người bạn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền vượt “bão” truyền thông. Đây là một trong những nội dung đặc biệt lý thú mà nhiều anh, chị, em phóng viên, biên tập viên chúng tôi được thấm nhuần qua bài giảng của nhà báo Lê Nghiêm – nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) khi tham gia khóa Bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng III, tổ chức tại Hà Giang.

Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sở trong thời điểm tập trung chống dịch Covid-19 vừa qua
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sở trong thời điểm tập trung chống dịch Covid-19 vừa qua

“Bão” truyền thông là hiện tượng một sự việc, sự kiện vượt ra ngoài tầm kiểm soát; đe dọa đến uy tín, ảnh hưởng tiêu cực tới tổ chức, cá nhân và liên tục được công khai trên báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin tăng đột biến của công chúng. Có thể điểm tên một số sự kiện gây “bão” truyền thông, như: Vụ học sinh Trường tiểu học Gateway (Hà Nội) tử vong trên xe đưa đón; Con đường quan lộ thần tốc của “hot girl” Thanh Hóa; hay nhiều sự kiện khác…

Dẫn lời một chuyên gia: “Bạn không thể lúc nào cũng kiểm soát được những gì xảy ra với mình, nhưng bạn có thể kiểm soát cách mình xử lý nó và suy cho cùng, điều đó mới là quan trọng”, nhà báo Lê Nghiêm đã phân tích, giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn cách đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vượt “bão” truyền thông. Trước hết, khi một sự kiện bất lợi diễn ra trên địa bàn tỉnh vừa được “châm ngòi”, báo chí địa phương có thể rút “ngòi nổ”, giải quyết sự cố truyền thông trên nguyên tắc “phò chính, diệt tà”, tôn trọng sự thật khách quan để rộng đường dư luận. Đơn cử có thể kể đến câu chuyện: “Cậu bé mồ côi phải ăn hạt mít thay cơm” (diễn ra năm 2017 tại xã Thuận Hòa – Vị Xuyên), được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và chia sẻ trên mạng xã hội, khiến dư luận đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương ở đâu khi để gia đình cậu bé phải chật vật chống chọi với “giặc đói”?. Nhằm minh bạch thông tin, phóng viên Nguyễn Phương của Báo Hà Giang đã đến tận thôn Lũng Khỏe A, nơi cậu bé sinh sống để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Và sự thật: Cậu bé Tráng Văn Sầu vẫn có cơm, gạo để ăn; chính quyền địa phương vẫn luôn đồng hành cùng gia đình trên bước đường thoát nghèo bền vững…

Hoặc mới đây, một số tờ báo có đăng thông tin: “Nông dân Hà Giang đổ bỏ dưa cho bò ăn”; phản ánh tình trạng hàng nông sản gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu, thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; khiến hàng trăm tấn hàng có nguy cơ phải đổ bỏ, gây thiệt hại cho người nông dân. Tuy nhiên, khi nhà báo Thiên Thanh (Báo Hà Giang) mục sở thị, đã phản ánh sự thật trên Báo Đảng địa phương: Không có chuyện “Nông dân Hà Giang đổ bỏ dưa cho bò ăn”…

Ngoài việc giải quyết sự cố bất ngờ gây “bão” truyền thông, nhà báo Lê Nghiêm nhấn mạnh với chúng tôi rằng: Một sự việc, sự kiện có biến thành “bão” truyền thông hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phản ứng của người đối diện với vấn đề đó. Như vậy, người làm báo có thể tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan phương thức tránh “bão”. Một trong những phương thức quan trọng, buộc người phát ngôn phải học kỹ năng phòng ngừa “bão” truyền thông. Đó là nói sự thật, minh bạch thông tin và không né tránh trách nhiệm trả lời báo chí. Nếu quên nguyên tắc này sẽ khiến sự kiện ngay tức thì trở thành “bão” truyền thông. Vì với khả năng của người làm báo hiện nay, họ sẵn sàng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tìm hiểu ngọn ngành thông tin để tìm ra Chân – Thiện – Mỹ cung cấp đến công chúng. Không những vậy, người phát ngôn nên thừa nhận sự thật, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước sai phạm, khuyết điểm… liên quan đến sự việc, sự kiện bằng tinh thần cầu thị và bày tỏ quan điểm thượng tôn pháp luật. Có thể dẫn chứng sự phản ứng khéo léo của một số tổ chức, cá nhân trước nguy cơ “bão” truyền thông, như: Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh Thanh Hóa thừa nhận có sai sót trong việc chi trả gói an sinh xã hội 62.000 tỷ của Chính phủ hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19 tại địa phương này (nguồn vietnamnet.vn); “Sai phạm tại Lạng Sơn: Người đứng đầu “dính” trách nhiệm cũng bị xử lý!” (nguồn dantri.com.vn). Bài báo này cho thấy: Ông Phạm Hùng Trường - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lạng Sơn vừa gặp gỡ báo chí để trao đổi thông tin xung quanh việc xử lý trách nhiệm của những cán bộ, lãnh đạo liên quan đến hàng loạt sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý đất đai. Ông Trường khẳng định: Ai “dính” trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý, kể cả người đứng đầu tỉnh…

Với những gì mà nhà báo Lê Nghiêm truyền cảm hứng và bằng sứ mệnh, trọng trách cao quý của người làm báo, những người làm báo Đảng địa phương sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để xứng đáng là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Nhân dân luôn tin yêu và kỳ vọng

BHG - Hòa cùng dòng chảy của báo chí cả nước, Báo Hà Giang hôm nay đã có những bước tiến xa hơn, vững niềm tin là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, chính trị của Đảng. Song hành cùng với sự phát triển, Báo Hà Giang luôn nhận được tình cảm yêu quý của nhân dân, ý kiến tâm huyết, chân thành của bạn đọc gửi gắm để tiếp tục xây dựng tờ báo ngày càng lớn mạnh.

 

20/06/2020
Ngọn lửa nghề chưa phôi phai

BHG - Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam phóng viên Báo Hà Giang có dịp ghi lại những tâm huyết của một số nhà báo nguyên lãnh đạo, cán bộ các cơ quan báo chí nơi địa đầu Tổ quốc. 

19/06/2020
Chuyện kể sau ống kính máy quay

BHG - Để có những thước phim hay, khuôn hình đẹp, phóng sự chân thực làm lay động trái tim khán giả khi lên sóng… là cả quá trình sản xuất chương trình truyền hình khép kín vô cùng vất vả của những người làm truyền hình nơi cực Bắc Tổ quốc. Năm 2017, xuất phát từ thực trạng phụ nữ dân tộc Mông các xã biên giới bỏ gia đình đi lấy chồng bên Trung Quốc, để lại những đứa trẻ bơ vơ, thiếu tình yêu thương, đối diện nhiều nguy cơ bị bắt cóc, thất học, ngã vực, dịch bệnh…

18/06/2020
Nỗ lực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT

BHG - Còn gần 2 tháng, các thí sinh (TS) sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi diễn ra muộn hơn so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; công tác chuẩn bị đang được ngành giáo dục triển khai thực hiện trên tinh thần hướng đến một kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thành công.

 

18/06/2020