Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng

08:33, 01/04/2020

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418 - 1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng cổ Tích). Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.

Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng... Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức Lễ Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm Khải Đinh thứ 2 (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc đã xin Bộ Lễ “ấn định ngày quốc lễ vào 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày cả nước làm lễ tế Vua Hùng”. Bộ Lễ đã thẩm xét và quy định cụ thể các phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong những ngày Giỗ Tổ một cách chặt chẽ. Phần lễ được diễn trang nghiêm trong các ngôi đền trên núi Hùng, phần hội gồm nhiều trò diễn dân gian diễn ra xung quanh chân núi Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Và từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba đã trở thành ngày Giỗ Tổ của cả nước và đã đi vào thơ ca dân gian:


“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba ”


Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, một hình thức truyền khẩu cho truyền thống thờ cúng để mỗi người dân đất Việt từ bao đời nay coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày nay 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18 tháng 02 năm 1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương được nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan Nhà nước chủ trì. Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương: Năm lẻ 5, năm khác, tại Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là Chủ lễ dâng hương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm; Nghi thức tưởng niệm thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng dân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Năm tròn: Tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia. Tại Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; Chủ tịch nước là Chủ lễ dâng hương; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện kiều bào và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ dự lễ kỷ niệm.

Ngày nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi...), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hóa cội nguồn. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.

Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng trong cả nước và nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội Đền Hùng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Đền Hùng - Trung tâm tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng và tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng - là biểu tượng của nguồn cội, là hiện thân của những người đã khai sáng ra đất nước và dân tộc ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc. Đền Hùng là tiêu điểm, là cơ sở vật chất (vật thể) chủ yếu để thể hiện và biểu đạt hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc và độc đáo về tín ngưỡng phụng thờ Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam: Các Vua Hùng.

Ngày nay, trên cả nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đền thờ các Vua Hùng và các nhân vật liên quan thời kỳ Hùng Vương. Nhưng Đền Hùng (Phú Thọ) luôn được coi là nơi duy nhất đầu tiên thờ phụng Vua Hùng của cả nước trong cả một quá trình lịch sử lâu dài. Đây là điếm thiêng liêng trong tâm thức và tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay; điếm đến qua nhiều thế kỷ hành hương và thăm viếng mang tính tâm linh nguồn cội.

Các di tích tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng bao gồm: Đền Hạ, tương truyền nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trúng, sau nở thành 100 người con trai; chùa Thiên Quang thiền tự; đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), tương truyền nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước; đền Thượng (Kính Thiên Lĩnh điện) tương truyền nơi các Vua Hùng tiến hành nghi lễ 

tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh; lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ 6; cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi để thề nguyện gìn giữ cơ nghiệp nhà Hùng, bảo vệ non sông đất nước; đền Giếng (Ngọc tỉnh) thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18; đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2005; đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân xây dựng năm 2009. Ngã năm đền Giếng có dựng bức phù điêu Hồ Chủ tịch nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong. Các công viên, trung tâm lễ hội, hệ thống hồ nước, rừng quốc gia, vườn cây lưu niệm...tạo cho Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng, hùng tráng, tôn nghiêm và linh thiêng xứng tầm là nơi thờ cứng Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại phong kiến, các vương triều luôn coi trọng việc tế lễ Vua Hùng, xem đó là một việc hệ trọng của cả nước: Thời nhà Lê đã cho ghi chép Ngọc phả, cấp sắc cho Đền Hùng, ban lệnh chỉ cho dân sở tại “trưởng tạo lệ” với những ân tứ, quyền lợi được hưởng giành cho việc thờ tự các Vua Hùng. Thời nhà Nguyễn nhiều lần tu bổ, tôn tạo Đền Hùng, định lệ về ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và nghi thức cúng tế, đưa các Vua Hùng vào thờ ở miếu “Lịch đại đế vương” trong Kinh thành Huế. Ngày nay, Đảng, nhà nước ta quan tâm đặc biệt Đền Hùng bằng nhiều chính sách, biện pháp, đầu tư xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc.

Đ.T(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo T.Ư)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

31/03/2020
Quản Bạ, nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn khiêm tốn; vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác xã hội hóa (XHH) và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, cải tạo môi trường cảnh quan… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

 

30/03/2020
Hùng An nỗ lực xây dựng xã đạt Đô thị loại V

BHG - Ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Hùng An (Bắc Quang) tiếp tục phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020. Nhiều thuận lợi cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đang quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu năm…

 

30/03/2020
Trập trùng Cao Sán

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi... 

30/03/2020