Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

11:14, 31/03/2020

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo son để chiến thắng mọi thiên tai vả kẻ thù.

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.


Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vường trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

* Giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị giáo dục đạo lý truyền thống dân tộc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tụ nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.


Giá trị giáo dục lòng yêu nước

Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức về các vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Ngay từ những năm 40 - 43 (SCN) trong cuộc chiến tranh xâm lược, nữ tướng Hai Bà Trưng đã đọc lời thề Sông Hát trước khi xung trận:

"Một, xin rửa sạch quốc thù
Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”

Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc được khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định như trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt:

“Sông núi nước Nam, vua Nam ở”

Đến thời đại Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ của Người:

"Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”

Giá trị giáo dục tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc

Ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên. Truyền thuyết Quốc tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh hạ 100 người con trong đó 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển lập ra trăm họ, là Thủy tổ của Bách Việt trong đó có Lạc Việt và Âu Việt của nước Văn Lang thời vua Hùng, nước Âu Lạc thời vua Thục.

 


Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng" (cùng bọc mẹ - nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng. Với sự “Hội tụ” sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Giá trị văn hóa tâm linh

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố văn hóa tâm linh được tiềm ẩn từ các kiến trúc tín ngưỡng đình, đền, miếu - nơi thờ phụng, thực hành tín ngưỡng đến các nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục, diễn xướng dân gian.

Hàng năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao Tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của quốc gia và gia đình là những hình thức kết nối sức mạnh của tổ tiên như là phương thức gặp gỡ và vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại.

Từ cộng đồng người Việt ờ Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa mở rộng ra phạm vi cả nước, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng Ngài với tư cách ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Giá trị lịch sử

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử - một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay. Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc.

Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các truyền thuyết huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các lễ hội dân gian Rước Vua về làng ăn Tết, Rước Chúa gái, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan... là minh chứng khẳng định Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về thời đại Hùng Vương. Đằng sau truyền thuyết huyền thoại là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Hệ thống các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Ren, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng như Nha chương, trống đồng, rùi, mũi tên... cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại - trung tâm khởi phát của người Việt cổ.

Đ.T (Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo T.Ư)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ, nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn khiêm tốn; vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác xã hội hóa (XHH) và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, cải tạo môi trường cảnh quan… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

 

30/03/2020
Hùng An nỗ lực xây dựng xã đạt Đô thị loại V

BHG - Ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Hùng An (Bắc Quang) tiếp tục phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020. Nhiều thuận lợi cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đang quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu năm…

 

30/03/2020
Trập trùng Cao Sán

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi... 

30/03/2020
Tuyên truyền phòng chống Covid-19 hiệu quả bằng tiếng Mông

BHG - Trước tình hình dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đã được các cấp, các ngành trong tỉnh ta đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Tại huyện Đồng Văn, với đa phần dân số là đồng bào Mông, các cán bộ tuyên truyền nơi đây đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, trong đó có việc xây dựng các video clip hướng dẫn bà con phòng chống dịch Covid-19 bằng tiếng Mông, có phụ đề tiếng Việt.

26/03/2020