Về nghe núi gọi tên mình

10:52, 05/10/2019

BHG - Cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy. Người từ lúc sinh ra đã uống nước mạch, ăn quả rừng hái chon von cành cao, phải sống xa thì nhớ nhung ghê lắm, có khi nhớ người thương cũng chỉ vậy mà thôi.

Bản làng yên bình dưới chân núi.
Bản làng yên bình dưới chân núi.

Tôi không nhớ nổi lần đầu leo núi mình mấy tuổi, cũng không nhớ mình đã bao lần căng bắp chân bước trên những con dốc mòn đầy gai và lá khô. Chỉ biết quãng tuổi xanh của mình gắn liền với đồi cao, khe sâu; vậy mà 30 năm đời người ấy, trẻ thế, khỏe thế mà chẳng đi hết nổi núi non quê mình. Bản tôi nằm giữa hai dãy núi, dãy núi lừng lững phía sau bản cao lắm, lại có hình người đàn ông đang nằm ngủ. Còn dãy phía trước, nơi mỗi buổi sáng cả bản nhìn thấy mặt trời trước nhất, nhỏ và thấp hơn lại từa tựa hình người đàn bà nằm ngủ. Lạ hơn cái cặp đôi khổng lồ ấy họ nằm đảo đầu nhau, để ra  một chỗ trống ở giữa ấy là bản tôi.

Ngày bé tôi vẫn hay nghe nội kể chuyện về nguồn gốc của bản. Câu chuyện một đám người mò mẫm vượt thác cao, vũng sâu xuôi dòng nước đi tìm nơi trú chân, tới khi gặp một con thác cao chặn đường họ cùng nhảy xuống, có người mất, người còn. Những người còn sống quyết định dừng chân lấy mảnh đất dưới chân thác làm nơi sinh cơ lập nghiệp, đặt tên con thác cũng là tên của bản. Từ hai dãy núi ấy, bao mạch ngầm chảy ra nuôi sống những đứa bé người Tày, người Dao cho tới khi lớn lên và về với rừng. Suối trong ngắt, mát và ngọt ngào biết bao. Nước chảy ra từ dốc suối, biến lưng núi thành ruộng bậc thang, chảy xuống chân núi, suối là ao sâu cá lội, là mương nước tưới đẫm ruộng màu mỡ. Những mó nước trong vắt gắn với bao đời người Tày bản tôi từ lúc mở mắt nhìn thấy mặt trời đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng là kết tinh của núi. Nếu người Kinh ở miền xuôi có giếng làng thì người Tày chúng tôi có mó nước. Mỗi dòng họ, mỗi xóm nghèo chân núi đều có mó nước chung. Nước từ máng vầu, máng tre chảy bất tận, chảy vào đôi xô theo đòn gánh kẽo kẹt về nhà. Nước tình tự với hạt gạo thành cơm, chảy vào chậu nước cười với đứa bé lảnh lót những trưa Hè. Đêm trăng, mó nước vang tiếng cười, nước loang loáng một màu vàng chảy trên cơ thể thanh tân trắng ngần, mạnh khỏe của những sơn nữ xinh đẹp.

Tôi thường ví rừng với biển, những lần một mình đi vào rừng như lặn sâu vào tán lá cao vút, xanh ngằn ngặt mà chẳng ngạt thở bao giờ. Lúc ấy chỉ thấy mình nhỏ nhoi trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, trên đầu là lá, là chim, sóc chuyền cành; trên nữa là mặt trời mà ánh sáng của nó cũng chẳng thể chiếu thủng những lá là lá ấy. Mùa nào rừng núi quê tôi cũng xanh thẳm, Xuân, Hạ, Thu, Đông đều vậy cả. Ở đâu mùa Thu rừng lá đổ vàng, đổ đỏ thì tôi không biết, chỉ biết cây lá ở núi đồi quê tôi vẫn xanh ngắt. Tôi thích nhất mùa Hè trên núi quê tôi, mùa ấy lá tươi tốt, hoa quả đua nhau nở, vào rừng lúc này thấy thơm lựng, ngọt ngào và đa sắc. Hè ấy, trám gặp gió lớn rụng rào rào trên lá, bứa chín vàng giữa những vạt nứa ngả nghiêng và cả đồi sim chông chênh vang tiếng Chào mào kêu như muốn giữ quả chín khỏi rơi vào tay lũ trẻ đầu trần.

Ký ức của người sống xa núi nhiều lắm, cái đám ấy tưởng mình được đi xa, thoát khỏi núi xanh, rừng thẳm, tha hồ rộng mắt nhìn trời biển đấy. Nhưng cứ thử dăm ba cái Tết, ngửa mặt phóng mắt bốn phương mà không thấy một chóp xanh sừng sững, không nghe được nổi một tiếng chim gọi bầy lòng chả buồn quay quắt. Lúc ấy thể nào chả nhớ lại hình ảnh mình đứng trên mom đồi trọc, dang tay mở ngực ra đón cơn gió thổi tung áo quần, đầu tóc. Thể nào chả muốn về mà dựa lưng vào núi thở than phiền muộn cuộc đời. Cứ về đi rồi dãi bày với núi, rồi gọi tên mình giữa trập trùng đất trời, núi bao dung lắm, nhận hết những ta thán ấy, về mà ăn miếng chua chát, đắng đót từ đất trời sinh ra. Người miền rừng khi xa quê lâu ngày có hai thứ phải tìm ăn khi về lại với núi. Một thứ ở trên trời, một thứ ở dưới đất: “Ba bát thịt trâu không bằng bát quả sổ” cái thứ quả tròn tròn xanh xanh ăn vào vừa chua, vừa chát ấy nếm một lần rồi không quên được đâu, nhắc tên là ứa nước miếng là muốn ngược dốc đi tìm mà ăn cho bõ thèm ngay. Còn thứ dưới đất phải đợi mưa đổ xuống, đợi sấm giật vang trời mới xé đất nhú lên, ăn vào đắng đót chứ ngọt ngào gì mà sao ai cũng nhớ. Cái thứ măng vầu đắng ngắt ấy lần nào chẳng chui vào câu chuyện miên man nỗi nhớ của đám con dân miền rừng khi xa quê gặp nhau chứ.

 Người Kinh có câu “cóc chết ba năm quay đầu về núi”, người Tày xa quê không về với núi thì sao còn là người Tày, khi mà nhau thai từ lúc lọt lòng đã được treo ở tàng cây trong cánh rừng dưới chân núi. Mỗi lần trở về, tôi lên tới núi hòa mình vào những cỏ cây, tôi vẫn thấy mình là đứa con của núi. Mùa măng mới vẫn có thể nhìn vết đất nứt mà lần ra củ măng nhu nhú, vẫn biết dừng bước lắng nghe khi tai bắt được tiếng con Dúi nhai rễ cây kèn kẹt dưới hang. Vẫn biết khum hai tay vào trước miệng hét tên mình vào núi để được nghe tiếng đáp da diết vọng từ thăm thẳm xanh ngắt của núi và rừng.

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bồng bềnh mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh

BHG - Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên dải Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên là thời điểm các thửa ruộng bậc thang chín vàng. Những thửa ruộng bậc thang như một kiệt tác của sức lao động của đồng bào các dân tộc, tạo điểm nhấn đặc biệt để hút khách du lịch. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách chỉ mất chừng 30 - 40 phút đi xe máy hoặc ô tô là đã có thể đặt chân đến các thôn vùng cao các xã Phương Thiện...

30/09/2019
Cô giáo Nhữ Thị Yến miệt mài "gieo chữ" nơi biên giới

BHG - Yêu nghề, mến trò; gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi vùng cao biên giới, cô Nhữ Thị Yến, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Nàn Xỉn - Xín Mần) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... 

 

30/09/2019
Gieo mùa hoa trên Cao nguyên đá

BHG - Chuẩn bị Lễ hội Hoa Tam giác mạch, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, đường liên xã... khẩn trương làm đất, gieo trồng hoa Tam giác mạch. Theo kế hoạch, năm nay huyện Mèo Vạc trồng 50 ha hoa Tam giác mạch ở 8 xã, thị trấn gồm: Pả Vi, Pải Lủng, Khâu Vai, Tả Lủng, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc và được chia thành 2 đợt: Đợt 1 trồng từ ngày 20 – 22.9, dự kiến hoa nở rộ từ ngày 10 – 20.11

27/09/2019
Lễ hội Nàng Hai trong đời sống đồng bào Tày Ngạn

BHG - Đến xã Vô Điếm (Bắc Quang) những ngày này, chúng tôi được hòa mình với nhịp sống bận rộn, khẩn trương nhưng rất háo hức, vui tươi của bà con - họ đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Cầu Trăng). Trên địa bàn huyện Bắc Quang, người Tày Ngạn sinh sống tập trung ở thôn Lâm, xã Vô Điếm với 151 hộ, 556 khẩu; có trên 100 khẩu sống rải rác tại các thôn khác trong xã. Người Ngạn khi di cư đến Việt Nam...

27/09/2019