Hà Giang

Phát triển du lịch bền vững, kinh nghiệm từ đất nước "mặt trời mọc"

16:44, 08/10/2019

BHG - Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Lợi thế đó đã thu hút ngày càng nhiều du khách, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, những điểm “nghẽn” như: Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, thiếu khu vui chơi và trạm dừng chân có chất lượng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu… đã khiến việc xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch còn gặp khó khăn.

Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của Nhật Bản tại Hội thảo.
Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của Nhật Bản tại Hội thảo.

“Nàng tiên” ngủ quên dần được đánh thức

Có du khách khi đến thăm Hà Giang đã ví von nơi đây giống như một “nàng tiên” đang ngủ quên, một phần bởi nhịp sống lặng lẽ, dịu dàng và bình yên của rẻo cao; một phần khác là bởi ngành du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Tuy nhiên, những năm gần đây, với nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch của tỉnh, “nàng tiên” ngủ quên dần được đánh thức.

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nội dung như: Đề án đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Chương trình 29 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 35 hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển du lịch…

Chuyên gia phát triển du lịch của tổ chức JICA khảo sát tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi
Chuyên gia phát triển du lịch của tổ chức JICA khảo sát tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi

Ngành Văn hóa của tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan và các huyện, thành phố tiến hành triển khai quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu du lịch trung tâm thành phố Hà Giang; khu du lịch thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ); khu Phố Cổ, Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); khu du lịch lòng hồ Thủy điện Bắc Mê… Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc xây dựng các làng văn hóa du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 12 làng/8 huyện, thành phố được công nhận làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Nhiều làng đón lượng khách cao như: Thôn Lũng Cẩm trên, thôn Lô Lô Chải, thôn Nặm Đăm với doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, hoạt động quảng bá và kêu gọi thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch cũng được đẩy mạnh, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong việc phát triển mạng lưới du lịch của địa phương. Với những chủ trương, định hướng đầu tư phát triển đúng đắn, ngành du lịch của tỉnh những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh ta mỗi năm đều tăng 10%. Tính riêng trong năm 2018, lượng khách du lịch đã đạt trên 1 triệu lượt người; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Những điểm “nghẽn” và kinh nghiệm từ đất nước “mặt trời mọc”

Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch của Nhật Bản, những phát hiện ban đầu về triển vọng du lịch của Hà Giang và một số kiến nghị”. Trước đó, tổ chức JICA đi khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch của 4 huyện vùng Cao nguyên đá và các huyện phía Tây của tỉnh. Tại Hội thảo, chuyên gia về phát triển du lịch của tổ chức JICA đã thẳng thắn chỉ ra những điểm “nghẽn” trong phát triển du lịch của tỉnh như: Công tác quy hoạch chưa đồng bộ; giao thông chưa thuận tiện, thiếu hệ thống đường mòn trong các khu du lịch sinh thái; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu về ngoại ngữ, kỹ năng; thiếu các khu vui chơi để giữ khách lâu hơn; thiếu các trạm dừng chân có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của du khách; sản phẩm du lịch còn đơn điệu…

Chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển du lịch của đất nước Nhật Bản, tiến sĩ Ando Katsuhiro, chuyên gia về phát triển du lịch của tổ chức JICA nhấn mạnh: Nhật Bản là quốc gia có xuất phát điểm về du lịch và một số điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử và tài nguyên văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhờ có chính sách quản lý, vận hành, phát triển du lịch hợp lý, nên số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản luôn tăng mạnh theo từng năm. Trên cơ sở coi du lịch là định hướng chiến lược, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo các bộ, ngành có sự liên thông và phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch; tạo ra những chiến lược và sản phẩm du lịch tốt, có chất lượng cao; khai thác hiệu quả, đồng bộ tài nguyên sẵn có; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và các chiến dịch phát triển du lịch đặc thù, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước mình…

Sau khi khảo sát thực tế tại một số huyện, tổ chức JICA đã đưa ra nhận định về kế hoạch tổng thể phát triển du lịch của Hà Giang, theo đó tỉnh ta có thể chia làm 3 khu vực phát triển du lịch, gồm: Vùng Cao nguyên đá tập trung khai thác tiềm năng của Công viên Địa chất gắn với điểm du lịch chính là cột cờ Lũng Cú; khu vực núi đất gồm các huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, trải nghiệm nông trại nông nghiệp và cây ăn quả; khu vực phía Tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình tập trung bảo tồn và khai thác cảnh quan ruộng bậc thang, thương hiệu hóa các sản phẩm từ lúa gạo.

Qua khảo sát thực tế tại Hà Giang và trên cơ sở phân tích và nhận định về thành quả cũng như nguyên nhân của sự phát triển du lịch Nhật Bản, tiến sĩ Ando Katsuhiro đã đưa ra 3 gợi ý hướng đến phát triển du lịch bền vững cho tỉnh đó là: Gìn giữ và nâng cao bản chất của tài nguyên du lịch gồm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc thiểu số, sử dụng hiệu quả các tài nguyên về nông, lâm nghiệp; tạo giá trị dịch vụ, nghĩa là tạo thương hiệu cho 3 vùng và các tour du lịch ứng với mỗi vùng đó; đẩy mạnh việc thiết lập các tổ chức vận hành du lịch hoạt động quy củ như các ban quản lý du lịch, hợp tác xã du lịch, củng cố liên kết với các nguồn nhân lực đến từ các công ty du lịch trong và ngoài nước…

Từ chia sẻ của đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cùng với những kinh nghiệm về phát triển du lịch từ đất nước Nhật Bản sẽ gợi mở ra hướng đi phù hợp cho ngành du lịch của tỉnh, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế và biến những bất lợi thành cơ hội để xây dựng thương hiệu, tạo bước phát triển mới cho du lịch tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cô giáo Nhữ Thị Yến miệt mài "gieo chữ" nơi biên giới

BHG - Yêu nghề, mến trò; gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi vùng cao biên giới, cô Nhữ Thị Yến, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Nàn Xỉn - Xín Mần) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... 

 

30/09/2019
Bồng bềnh mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh

BHG - Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên dải Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên là thời điểm các thửa ruộng bậc thang chín vàng. Những thửa ruộng bậc thang như một kiệt tác của sức lao động của đồng bào các dân tộc, tạo điểm nhấn đặc biệt để hút khách du lịch. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách chỉ mất chừng 30 - 40 phút đi xe máy hoặc ô tô là đã có thể đặt chân đến các thôn vùng cao các xã Phương Thiện...

30/09/2019
Gieo mùa hoa trên Cao nguyên đá

BHG - Chuẩn bị Lễ hội Hoa Tam giác mạch, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, đường liên xã... khẩn trương làm đất, gieo trồng hoa Tam giác mạch. Theo kế hoạch, năm nay huyện Mèo Vạc trồng 50 ha hoa Tam giác mạch ở 8 xã, thị trấn gồm: Pả Vi, Pải Lủng, Khâu Vai, Tả Lủng, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc và được chia thành 2 đợt: Đợt 1 trồng từ ngày 20 – 22.9, dự kiến hoa nở rộ từ ngày 10 – 20.11

27/09/2019
Lễ hội Nàng Hai trong đời sống đồng bào Tày Ngạn

BHG - Đến xã Vô Điếm (Bắc Quang) những ngày này, chúng tôi được hòa mình với nhịp sống bận rộn, khẩn trương nhưng rất háo hức, vui tươi của bà con - họ đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Cầu Trăng). Trên địa bàn huyện Bắc Quang, người Tày Ngạn sinh sống tập trung ở thôn Lâm, xã Vô Điếm với 151 hộ, 556 khẩu; có trên 100 khẩu sống rải rác tại các thôn khác trong xã. Người Ngạn khi di cư đến Việt Nam...

27/09/2019