Hà Giang

Lưu giữ hương vị bánh trung thu truyền thống

10:29, 12/09/2019

BHG - Một mùa Trung thu lại về khắp phố phường, và trong đó chúng ta lại không thể không nhắc đến những chiếc bánh trung thu. Ngày nay, bánh nướng trung thu đã có muôn hình muôn vẻ, với nhiều sáng tạo để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Thế nhưng, chiếc bánh nướng, bánh dẻo mang đậm hương vị truyền thống vẫn có một vị trí rất riêng biệt trong lòng mỗi người.

Cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống Minh Huệ – thành phố Hà Giang.
Cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống Minh Huệ – thành phố Hà Giang.

Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống Minh Huệ, tổ 20, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang), trong căn phòng thơm mùi bánh mới, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, chủ tiệm, tâm sự: Để có được chiếc bánh ngon, tất cả các công đoạn như chọn nguyên liệu, pha chế nhân, nhào trộn bột, tạo khuôn hình và cuối cùng là nướng bánh đều rất quan trọng. Công đoạn nào cũng cần có kinh nghiệm, sự tinh tế và tỉ mỉ.

Khi bắt đầu mùa bánh mới, bà luôn tự tay lựa chọn nguyên liệu, pha chế nhân bánh, đấy chính là công đoạn tạo nên sự khác biệt của mỗi tiệm bánh. Mỗi vụ Rằm tháng 8, tiệm bánh Minh Huệ sản xuất khoảng 4.000 - 5.000 hộp bánh các loại, chỉ bán lẻ, không bán buôn, làm ra đến đâu là bán hết đến đó. Bánh sản xuất đắt hàng, ngoài việc tạo ra thu nhập cho gia đình, thì với bà Huệ, niềm hạnh phúc hơn cả đó là việc giữ được nghề gia truyền, sự ưa thích của khách hàng và khẳng định thương hiệu mà bà đã gây dựng hơn 30 năm qua.

Ngoài cơ sở sản xuất bánh trung thu Minh Huệ, cơ sở sản xuất bánh trung thu Hoàng Ban, tổ 2, phường Trần Phú, cũng là một cơ sở mang đậm hương vị truyền thống. Vừa tất bật bán bánh, vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Mai Thị Kiên, con dâu của bà Ban, cho biết: Được truyền cho kỹ thuật làm bánh cũng như để lại thương hiệu của bà dành cả đời để gây dựng. Vì vậy, vợ chồng tôi xác định mỗi chiếc bánh được ra lò và đưa đến tay người tiêu dùng không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận mà còn có ý nghĩa thiêng liêng là gìn giữ truyền thống của gia đình. Có lẽ vì thế nên bánh của gia đình sản xuất có độ dẻo và sự hòa quyện đặc trưng, khi cắt chiếc bánh ra phần vỏ bánh và nhân vẫn keo dính lấy nhau, không hề rời rạc, đặc biệt mang đúng hương vị truyền thống, các loại bánh nhân thập cẩm không ngọt, nhân thịt mỡ béo mà không ngấy, thoang thoảng hương vị lá chanh”.

Trong thời buổi KT-XH phát triển như hiện nay, máy móc công nghệ dần thay thế những ngành nghề truyền thống, nhưng thật đáng mừng, những chiếc bánh trung thu gia truyền vẫn giữ nguyên được giá trị. Trong tất cả các công đoạn làm bánh, có khác chăng chỉ là việc thay thế lò nướng than bằng lò nướng điện. Bà Nguyễn Thị Thúy Vân – Phó đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Giang, cho biết: Qua những đợt kiểm tra liên ngành trước dịp Tết Trung thu cho thấy, tuy bánh được sản xuất thủ công nhưng các cơ sở đều cơ bản đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Giang có 3 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản xuất bánh trung thu truyền thống. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện thủ công, đáp ứng các quy định về chế biến, hương vị, đóng gói, bảo quản sản phẩm, nhiều cơ sở đã chú ý tới mẫu mã, bao bì để mỗi chiếc bánh khi đến tay người tiêu dùng ngoài việc thưởng thức còn mang ý nghĩa gìn giữ và tôn vinh giá trị truyền thống.

 Theo thời gian, ngày Tết Trung thu dần trở thành dịp lễ cho trẻ em vui đùa bên chiếc đèn ông sao, nhưng giá trị của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống vẫn vẹn nguyên là biểu tượng của sự đoàn viên, lưu giữ một phần kí ức cho món ăn mang giá trị tinh thần của người Việt. Bên mâm cỗ trông trăng, được nhâm nhi từng miếng bánh, nhấp ngụm trà xanh đắng dịu và thưởng thức vẻ đẹp lung linh của ánh trăng đêm Rằm tháng 8 mới có thể cảm hết cái đẹp của đất trời giao hòa.

Bài, ảnh:  HẢI HÀ (Đài PTTH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì tổ chức bồi dưỡng kiến thức về quản lý du lịch

BHG - Ngày 11.9, UBND huyện Hoàng Su Phì phối hợp với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý du lịch cho 35 cán bộ quản lý cấp huyện, xã và Ban quản lý du lịch làng nghề du lịch của hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. 

11/09/2019
Quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản ở Đồng Văn

BHG - Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO nêu rõ: "Di sản ở mọi hình thức của nó phải được bảo tồn, phát huy và truyền thụ cho các thế hệ tương lai như là cơ sở dữ liệu lưu lại kinh nghiệm và những khát vọng của con người..."; huyện Đồng Văn có nhiều điểm du lịch, các di sản văn hóa và di sản địa chất. 

10/09/2019
Sẵn sàng Lễ hội đường phố thành phố Hà Giang

BHG - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm Trung thu, cũng là dịp thành phố Hà Giang tổ chức Lễ hội đường phố với nhiều nội dung hấp dẫn, mang tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu nhi.

 

10/09/2019
Một thập kỷ xây dựng niềm tự hào Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Đây được coi là vùng có nhiều đá nhất cả nước, thiếu đất canh tác nhất cả nước, thiếu nước sinh hoạt và khó khăn nhất cả nước. Khó khăn là vậy, nhưng nơi đây được thiên nhiên ban tặng thiên nhiên hùng vỹ, với rất nhiều giá trị di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và cộng đồng 17 dân tộc sinh sống.

 

10/09/2019