Lễ hội Nàng Hai trong đời sống đồng bào Tày Ngạn

15:42, 27/09/2019

BHG - Đến xã Vô Điếm (Bắc Quang) những ngày này, chúng tôi được hòa mình với nhịp sống bận rộn, khẩn trương nhưng rất háo hức, vui tươi của bà con - họ đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Cầu Trăng).

Trên địa bàn huyện Bắc Quang, người Tày Ngạn sinh sống tập trung ở thôn Lâm, xã Vô Điếm với 151 hộ, 556 khẩu; có trên 100 khẩu sống rải rác tại các thôn khác trong xã. Người Ngạn khi di cư đến Việt Nam, họ được những cư dân nhường cho đất đai để cư trú, sinh sống và phát triển. Trong quá trình giao thoa văn hóa tự nhiên, do có nhiều điểm chung như ngôn ngữ, tiếng nói, trang phục với tiếng Tày nên họ giao tiếp bình thường với người Tày, người Nùng và cả người Giấy. Đời sống vật chất, tinh thần người Ngạn mang nhiều nét văn hoá gần gũi, tương đồng với người Tày. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra nhiều nét khác biệt của người Ngạn đó là: Cùng sinh sống trên địa bàn, nhưng nhóm người Ngạn có những khác biệt về phát âm; trang phục có khác biệt trong họa tiết; lễ vật trong cưới hỏi, tang ma. Nhưng, người Ngạn không được công nhận dân tộc riêng do chưa đảm bảo một số tiêu chí, vì vậy tộc người Ngạn được xem là một nhánh của tộc người Tày - Tày Ngạn.

Người Tày Ngạn thôn Lâm sống khá tập trung; nhà ở của họ chủ yếu là nhà sàn và nhà đất. Cộng đồng người Ngạn có vốn nghệ thuật dân gian phong phú, ngoài các truyện kể dân gian truyền miệng, các làn điệu lướn, đối đáp, giao duyên được trình diễn trong những ngày hội, đám cưới, lễ tết thì các nghi lễ cúng tế cũng rất phong phú.

Về tín ngưỡng, tộc người Tày Ngạn thờ cúng tổ tiên và các vị thần che chở cho gia đình, bản làng; gia đình nào cũng có bàn thờ Bà Mụ, thờ Vua bếp, Thần tài, Thổ công... Đặc biệt, Lễ hội Nàng Hai là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của tộc người Tày Ngạn. Lễ hội thường diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng hoặc Tết Trung thu; toàn thể con, cháu cùng đến đền thờ cầu mẹ Trăng, cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tốt, con cháu chăm ngoan khoẻ mạnh, người già khoẻ thọ trường. Đặc biệt, trong bài ca cúng tế thần Mặt trăng có bài “Mổ Lùng Hai” hay còn gọi là (Nàng Hai) với nội dung mời thần Mặt trăng xuống trần gian để bà con được trình bày về những việc đã làm trong năm, những diễn biến của thiên nhiên đối với đời sống lao động sản xuất, đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Nàng Hai cầu xin mưa thuận, gió hòa; xua đuổi thú giữ phá phách, nhốt chặt những con sâu, con bọ có hại, xin tiếp những hạt giống tốt để mùa màng trong năm tới bội thu; người người xin tránh được những tai ương, bệnh tật, giải trừ những nỗi oan ức, uẩn khúc trong cộng đồng. Đồng thời, thông qua các bài ca, nghi lễ - nghệ nhân thay mặt nhân dân trong thôn hỏi Nàng Hai về những biến cố năm tới có thể xảy ra để cùng nhau biết trước, có biện pháp đề phòng, đảm bảo cuộc sống. Thần Mặt trăng xuống trần gian theo lời mời của nghệ nhân và nhập vào Nàng Chổi (còn gọi là Nhù Quét) để nghe sự dãi bày. Khi thần Mặt trăng nhập vào Nàng Hai trên giàn cúng, nếu gia đình nào trong thôn có hiện tượng mất trộm, mất cắp lớn mà muốn tìm thì Nàng Chổi sẽ chỉ hướng và giúp tìm lại được...

Lễ hội Nàng Hai là phần nghi lễ rất độc đáo, có tính hướng thiện và giáo dục rất cao trong cộng đồng người Tày Ngạn. Do những tác động của kinh tế thị trường, của lối sống hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa của tộc người Tày Ngạn đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, trong đó có Lễ hội Nàng Hai. Trước tình hình đó, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phục dựng, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó có Lễ hội Nàng Hai của người Tày Ngạn.

Lễ hội Nàng Hai của đồng bào Tày Ngạn xã Vô Điếm năm nay vui hơn, ý nghĩa hơn bởi đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc và sẽ chính thức khai hội ngày 15.9 (âm lịch) tới. Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày Ngạn với nhiều hoạt động phong phú, tiêu biểu như các làn điệu lướn, đối đáp, giao duyên, các trò chơi dân gian truyền thống, cùng thưởng thức các món ẩm thực với hương vị đặc sắc.

Nguyễn Doãn Thiện (Văn phòng Huyện ủy Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gieo mùa hoa trên Cao nguyên đá

BHG - Chuẩn bị Lễ hội Hoa Tam giác mạch, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, đường liên xã... khẩn trương làm đất, gieo trồng hoa Tam giác mạch. Theo kế hoạch, năm nay huyện Mèo Vạc trồng 50 ha hoa Tam giác mạch ở 8 xã, thị trấn gồm: Pả Vi, Pải Lủng, Khâu Vai, Tả Lủng, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc và được chia thành 2 đợt: Đợt 1 trồng từ ngày 20 – 22.9, dự kiến hoa nở rộ từ ngày 10 – 20.11

27/09/2019
Đề xuất thi THPT giai đoạn 2021-2025 trên máy tính

Bộ GD-ĐT đang xây dựng lộ trình đổi mới kỳ thi THPT giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính. Tại cuộc họp sáng 25/9 của Hội đồng Giáo dục Quốc gia về công tác thi cử do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020. Theo đó, phương án mới này được tổ chức thi trên giấy như hiện nay,  đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tiến hành phương thức thi trên máy tính.

26/09/2019
Tập huấn, bồi dưỡng quản lý Nhà nước về du lịch năm 2019

BHG - Sáng 26.9, Sở VHTT&DL phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng quản lý Nhà nước về du lịch năm 2019. Với mục tiêu xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống, đồng thời, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Sở VHTT&DL tổ chức tập huấn cho 74 học viên là lãnh đạo, cán bộ một số sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố. Trong thời gian 5 ngày (26 - 30.9)...

26/09/2019
Khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại Hoàng Su Phì

BHG - Ngày 26.9, tại huyện Hoàng Su Phì, Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K7. Tham gia lớp bồi dưỡng có 143 học viên là công chức, viên chức đến từ các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện...

26/09/2019