Phát triển du lịch gắn với sản phẩm hàng hóa

14:51, 04/08/2019

BHG - Du lịch – 1 trong 3 “trụ cột” nền kinh tế của tỉnh đang có bước phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy KT – XH và nâng cao đời sống người dân. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh ta đang đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” gắn với xây dựng sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch (DL).

Khách du lịch lựa chọn hàng nông sản tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc.
Khách du lịch lựa chọn hàng nông sản tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc.

Thời gian qua, ngành DL của tỉnh có nhiều khởi sắc; lượng khách đến tỉnh tăng theo từng năm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, có gần 700 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhận diện rõ lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; nhiều danh lam, thắng cảnh; cộng đồng các dân tộc có nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo, nhất là có Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn… tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng DL; phối hợp xây dựng chiến lược phát triển DL; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển DL theo quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, việc phát triển DL gắn với xây dựng các sản phẩm hàng hóa phục vụ DL được đặc biệt chú trọng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ DL, như: Chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, Hồng không hạt. Bên cạnh đó, tham mưu khai thác một số sản phẩm DL mới, khác biệt để tạo điểm nhấn, như: Khảo sát, lựa chọn một số cơ sở sản xuất công nghiệp đủ điều kiện đưa vào tua du lịch lồng ghép thăm quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; cung cấp hình ảnh, nội dung thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình DL sát với mùa vụ từng địa phương, nhằm đạt hiệu quả tối đa cho từng sản phẩm.

Trong quá trình xây dựng các sản phẩm chủ lực phục vụ DL, tỉnh đã lồng ghép hỗ trợ gần 3 tỷ đồng từ các nguồn kinh phí, như: Xúc tiến thương mại, khuyến công, chương trình mục tiêu Quốc gia, Nghị quyết 209, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh… Bước đầu, các sản phẩm có chất lượng và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và khách DL. Các sản phẩm được nhiều du khách ưa chuộng, như: Mật ong Bạc hà, chè công phu Độ Khoa, trà hữu cơ Cao Bồ, các sản phẩm dược liệu, bánh Tam giác mạch… Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phát triển DL dịch vụ. Anh Nguyễn Văn Minh, du khách Hà Nội chia sẻ: “Đã hai lần đến với Hà Giang, ngoài cảnh quan đẹp thì tỉnh cũng có một số sản vật để lựa chọn mua làm quà. Lần trước đi đúng vào vụ cam nên anh em trong đoàn lựa chọn mua cam Sành và lần này mọi người mua mật ong Bạc hà. Hy vọng, dịp sau khi đến với Hà Giang sẽ được thưởng thức nhiều sản vật khác”.

Phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển DL được xem là hướng đi hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm còn hạn chế; chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề; cơ chế, chính sách hỗ trợ còn thiếu và không đồng bộ; thiếu nguồn lực, kinh phí thực hiện; có sản phẩm được hỗ trợ phát triển nhưng thiếu vốn đầu tư. Một số hợp tác xã đăng ký sản xuất các sản phẩm nhưng chưa thực hiện do chưa đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất. Công tác xúc tiến, quảng bá chưa thực hiện thường xuyên; nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời tới khách DL; còn nhiều hạn chế trong kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chưa xây dựng được chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm phù hợp.

Đi tìm lời giải cho “bài toán” này, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải: Cần thiết phải quan tâm mức hỗ trợ đầu tư, giúp người sản xuất ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ để tạo bước chuyển biến trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm hàng hóa có trong danh mục phục vụ DL theo hướng chuyên nghiệp và tạo thương hiệu cho sản phẩm; nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm chưa có tem mác, bao bì; xác định nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm và mở rộng vùng nguyên liệu sang các vùng lân cận đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Phát triển các sản phẩm và mở rộng nghiên cứu thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến. Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chí OCOP…

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển vọng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ

BHG - Thôn Khố Mỷ cách trung tâm xã Tùng Vài (Quản Bạ) 6 km, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% là người Mông sinh sống, có khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có hang Khố Mỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia... Hội tụ nhiều yếu tố để gây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông...

31/07/2019
Hãy bình chọn cho cô gái Tày của miền đất Hà Giang tại Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam

BHG - Vượt qua vòng Chung kết cuộc thi Miss world Việt Nam (Hoa hậu thế giới – Việt Nam) khu vực phía Bắc, thí sinh Nông Thúy Hằng, cô gái Tày của miền đất Hà Giang đã lọt vào Chung kết Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đã Nẵng từ 22.7 – 3.8. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có một thí sinh lọt vào chung kết một cuộc thi sắc đẹp quốc gia danh tiếng. Không những thế, thí sinh Nông Thúy Hằng mang số báo danh 171 còn là một trong những người đẹp được đánh giá cao tại vòng chung kết khu vực phía Bắc bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng và tài năng được thể hiện qua các phần thi.

 

31/07/2019
Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

BHG - Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính "mũi nhọn", nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".

 

31/07/2019
Kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

BHG - Kỳ vĩ và đa sắc màu, đó là đặc điểm nổi bật của quần thể ruộng bậc thang được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia ở huyện Hoàng Su Phì. Với nhiều du khách yêu quý Hà Giang, mảnh đất phía Tây này luôn là điểm đến không thể bỏ qua, nhất là vào dịp mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào 2 mùa này sẽ làm nao lòng bất kỳ ai được chiêm ngưỡng bởi sự kỳ công tạo tác của con người, kết hợp với núi rừng hoang sơ đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa ít nơi nào sánh được.

 

27/07/2019