Hà Giang

Nơi ấy… Trường Sa - Kỳ 1: Hành trình ra đảo

07:52, 06/08/2019

BHG - Từ một quần đảo thừa nắng gió, thiếu nước ngọt, thì nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, đã “thay da đổi thịt”. Ở đó, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vâng! Nơi ấy là Trường Sa.

Con tàu vận tải hiện đại - HQ 571 đã thực hiện nhiều chuyến hải trình nối đất liền với Trường Sa đưa chúng tôi ra thăm đảo. Hầu hết là những người lần đầu được đến Trường Sa nên ai cũng rất háo hức. Tàu ra khỏi vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), biển động hơn bởi gió và những con sóng dữ.

Chia tay đất liền ra đảo.
Chia tay đất liền ra đảo.

Buổi trưa ngày thứ ba trong hải trình trên biển, mọi người trên tàu trộn rộn khi loa truyền thanh nội bộ thông báo: “Tàu chuẩn bị đi qua đảo Gạc Ma”. Chẳng ai bảo ai, kể cả những người đang ngủ hoặc nằm bẹp vì say sóng đều mang điện thoại, máy ảnh, máy quay phim chạy ra mạn tàu, lên boong tàu.

Cùng các đồng nghiệp, bên mạn phải mũi tàu, theo hướng dẫn của cán bộ Hải quân, chúng tôi cùng hướng về Gạc Ma. Bên cạnh tôi, nữ phóng viên trẻ Báo Hà Nam có tên Hà Khánh Chi từ từ rút trong ba lô một lá thư rồi đọc. Đó là lá thư của ông Trần Văn Thu, huyện Kim Bảng (Hà Nam), anh của Liệt sĩ Trần Văn Bảy - chiến sĩ tàu HQ 604 (SN 1966, thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng). Trong cuộc chiến không cân sức ngày 14.3.1988 - ngày mà Trung Quốc bất ngờ tấn công xâm chiếm đảo Gạc Ma, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, anh Bảy và 61 đồng đội đã anh dũng hy sinh. Nghẹn ngào đọc lá thư, rồi Khánh Chi kể: Cách đây 2 năm, cô đã tìm đến gia đình liệt sĩ Trần Văn Bảy. Cô được gia đình cho xem lá thư của anh viết gửi về chỉ vài ngày trước khi hy sinh. Đợt này, khi biết mình được đi ngang qua vùng biển gần nơi anh Bảy hy sinh, Khánh Chi gọi điện báo cho ông Trần Xuân Thu biết. Ông Thu đã viết thư và nhờ Khánh Chi khi đi qua đảo Gạc Ma đọc và thả xuống biển. Khánh Chi cẩn thận gập lại lá thư, chắp tay và thả nhẹ xuống biển. Lá thư xoay tròn nhiều vòng rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt biển, mặc những con sóng xô. Chúng tôi - phóng viên các cơ quan báo chí và đoàn công tác lặng đi nhìn về đảo Gạc Ma, ai cũng rưng rưng nước mắt.

Phóng viên Hà Khánh Chi, Báo Hà Nam đọc thư của ông Trần Văn Thu gửi Liệt sĩ Trần Văn Bẩy. 			Ảnh: P.H
Phóng viên Hà Khánh Chi, Báo Hà Nam đọc thư của ông Trần Văn Thu gửi Liệt sĩ Trần Văn Bẩy. Ảnh: P.H

Con tàu di chuyển gần hơn về đảo Sinh Tồn Đông.

Ba ngày đêm liên tục trên tàu, vượt hơn 300 hải lý để đến Sinh Tồn Đông - đảo đầu tiên ở quần đảo Trường Sa trong hành trình của chúng tôi thật dài và vất vả. Giữa biển khơi bao la, gió luôn duy trì cấp 5-6, con tàu đã “giương vây” để giảm sóng, vậy mà vẫn lắc lư ngang dọc, chao đảo, lúc dềnh lên, khi đột ngột hạ xuống liên tục. Để thích nghi với sinh hoạt, đặc biệt là đi lại trên tàu là việc không hề đơn giản. Không ít  người trong đoàn vì say sóng,  không thể gượng dậy đi ăn...

Do chưa có cầu tàu và căn cứ con nước, từ tàu vào các đảo, chúng tôi phải di chuyển bằng những chiếc xuồng CQ, CV. Để an toàn cho người và hành lý vào đảo, mỗi người được phát một áo phao, dép, mũ và một túi nilon để bảo quản đồ đạc, tránh bị ướt khi ngồi trên xuồng. Ban Chỉ huy Đoàn công tác cũng phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm lên đảo, rời đảo nhằm tránh sóng to, gió lớn… Có những hôm, chuẩn bị cập đảo, tàu phải chạy quanh tìm vị trí sóng nhẹ nhất để neo đậu, và thuận lợi cho xuồng đưa bộ đội và đoàn công tác lên đảo. Di chuyển từ tàu xuống xuồng và từ xuồng lên tàu, từ xuồng vào đảo là cả một nghệ thuật, bởi những con sóng dữ, có lúc sóng đẩy xuồng ra xa rồi lại xô mạnh vào mạn tàu… Được hướng dẫn và sự trợ giúp đắc lực của các thủy thủ, việc cập đảo đều diễn ra an toàn. Đặt chân lên các đảo trong sự chào đón nồng hậu, thân tình của cán bộ, chiến sĩ, những mệt mỏi như tan biến sau hành trình gian nan. Đảo nổi (Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây) đã vậy, những cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo chìm (Đá Nam, Đá Thị) còn vất vả hơn rất nhiều. Thiếu nước ngọt, diện tích sinh hoạt và tăng gia cũng hạn chế.

Hành trình từ tàu vào đảo.
Hành trình từ tàu vào đảo.

Điều kiện vất vả là vậy, nhưng tại tất cả những điểm đảo ở quần đảo Trường Sa mà chúng tôi đến, cán bộ, chiến sĩ da sạm nắng, nhưng đôi mắt ngời sáng và nụ cười rất lạc quan.

Giữa mênh mông của biển, nắng đến cháy da, ở nơi “sóng cuồng, bão giật”... luôn luôn phải đương đầu, đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn trong công việc và những thiếu thốn về vật chất, tinh thần, tất cả những sự khắc nghiệt dường như lùi xa trước người lính đảo. Cũng chính trong nắng gió của biển, càng khẳng định rõ ý chí kiên trung, bản lĩnh kiên cường những cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây.

Được hòa mình vào cuộc sống ở đảo, khoảng thời gian lưu lại các đảo dù ít hay nhiều đã giúp cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí cảm nhận, hiểu được phần nào những vất vả, thiếu thốn, ý chí quyết tâm của những con người nơi đầu sóng ngọn gió, về những người đang chấp nhận hy sinh, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoa Sim

Kỳ 2- Linh thiêng Tổ quốc nơi đảo xa


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển vọng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ

BHG - Thôn Khố Mỷ cách trung tâm xã Tùng Vài (Quản Bạ) 6 km, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% là người Mông sinh sống, có khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có hang Khố Mỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia... Hội tụ nhiều yếu tố để gây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông...

31/07/2019
Hãy bình chọn cho cô gái Tày của miền đất Hà Giang tại Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam

BHG - Vượt qua vòng Chung kết cuộc thi Miss world Việt Nam (Hoa hậu thế giới – Việt Nam) khu vực phía Bắc, thí sinh Nông Thúy Hằng, cô gái Tày của miền đất Hà Giang đã lọt vào Chung kết Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đã Nẵng từ 22.7 – 3.8. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có một thí sinh lọt vào chung kết một cuộc thi sắc đẹp quốc gia danh tiếng. Không những thế, thí sinh Nông Thúy Hằng mang số báo danh 171 còn là một trong những người đẹp được đánh giá cao tại vòng chung kết khu vực phía Bắc bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng và tài năng được thể hiện qua các phần thi.

 

31/07/2019
Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

BHG - Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính "mũi nhọn", nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".

 

31/07/2019
Kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

BHG - Kỳ vĩ và đa sắc màu, đó là đặc điểm nổi bật của quần thể ruộng bậc thang được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia ở huyện Hoàng Su Phì. Với nhiều du khách yêu quý Hà Giang, mảnh đất phía Tây này luôn là điểm đến không thể bỏ qua, nhất là vào dịp mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào 2 mùa này sẽ làm nao lòng bất kỳ ai được chiêm ngưỡng bởi sự kỳ công tạo tác của con người, kết hợp với núi rừng hoang sơ đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa ít nơi nào sánh được.

 

27/07/2019