Hà Giang

Xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch

17:19, 08/07/2019

BHG - Là tỉnh có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và đi sau so với các tỉnh trong vùng miền núi phía Bắc về phát triển du lịch (DL). Vì vậy để cạnh tranh và bứt phá, ngành DL Hà Giang cần xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh, điểm đến khác biệt để khẳng định vị thế và thu hút du khách.

Khách du lịch trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Khách du lịch trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi, tạo ra sự khác biệt rất lớn về tài nguyên du lịch là Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn với sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa tộc người... Điều đó tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong phát triển DL với các địa phương khác. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, chất lượng sản phẩm DL, mở và khai thác hiệu quả nhiều tuyến du lịch, điểm tham quan hấp dẫn trên Cao nguyên đá, như: “Hành trình lên khởi nguồn của sự sống”, “Giai điệu cuộc sống trên miền đá”, “Hành trình tới tự hào và hạnh phúc”. Phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, Dao, Lô Lô; khôi phục và phát triển các lễ hội đặc trưng, như: Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông; giải Marathon Quốc tế chạy trên cung đường Hạnh phúc; đua thuyền kayzac trên sông Nho Quế; dù lượn trên thảm hoa... tạo nên sản phẩm DL đa dạng, độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” trong bản đồ DL của du khách. Trong 6 tháng đầu năm, khách DL đến Hà Giang đạt trên 700 nghìn lượt người; mục tiêu đến hết năm 2019, sẽ đón trên 1,3 triệu lượt khách. Điều này khẳng định, DL Hà Giang bước đầu đã có thương hiệu.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu DL không thể chỉ dựa vào một điểm đến là Cao nguyên đá Đồng Văn, trong khi Hà Giang còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác, như: Di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dẩn, thác Tiên, đèo Gió (Xín Mần); du lịch lòng hồ Thủy điện Bắc Mê; Trung tâm Văn hóa du lịch thành phố Hà Giang và hàng loạt các di tích, văn hóa, tâm linh. Hiện nay, tỉnh đã định vị 3 vùng không gian DL mang tính đặc thù là: Vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; vùng cây ăn quả, miệt vườn gắn với chiến trường xưa ở các huyện, thành phố động lực; vùng danh lam thắng cảnh Quốc gia Ruộng bậc thang ở phía Tây. Bên cạnh lợi thế về tài nguyên, để xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành DL, điều quan trọng nhất chính là sản phẩm và chất lượng dịch vụ DL. Hà Giang đã tạo được sự đa dạng trong phát triển sản phẩm DL dựa trên tiềm năng, thế mạnh vùng; nhưng chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu: Cơ sở hạ tầng phục vụ DL hạn chế khiến phát triển DL trong mùa cao điểm khó khăn; các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí còn ít; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DL thiếu và yếu; đặc biệt là thiếu về kỹ năng phục vụ, giao tiếp, ngoại ngữ, quảng bá và tìm kiếm thị trường…

Hiện, tỉnh đang phát huy sức mạnh liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đã xây dựng, liên kết tuyến DL vòng cung Tây Bắc; ký kết hợp tác phát triển DL với Cục DL châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); tham gia các hội chợ DL quốc tế; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá, giới thiệu DL; ký kết hợp tác với nhiều công ty DL trong các nước. Nhưng cạnh tranh trong mối liên kết vùng, nếu không tạo được thương hiệu DL khác biệt, Hà Giang không thể níu kéo thời gian lưu trú của du khách. Thực tế, xây dựng thương hiệu DL không chỉ để tạo dựng hình ảnh, nhận diện điểm đến với các đối thủ mà còn như một thứ “bảo hiểm” DL, giảm rủi ro cho du khách khi họ quyết định lựa chọn điểm đến; khi xây dựng được thương hiệu DL mạnh, đồng nghĩa với việc DL tỉnh nhà đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ, kiến thức, thông tin, an ninh…

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, DL Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ; tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung, đồng thời là một trong những địa bàn DL trọng điểm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, DL Hà Giang cần có những bước tiến vững chắc để khẳng định thương hiệu; trong đó, tập trung vào một số giải pháp quan trọng: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận điểm đến; thu hút đầu tư, phát triển các dự án DL trọng điểm để khai thác lợi thế; xây dựng sản phẩm DL đa dạng mang tính đặc thù của từng địa phương; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá DL bằng nhiều hình thức; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy quản lý phục vụ phát triển DL; tuyên truyền nâng cao ý thức DL trong cộng đồng dân cư và đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ DL.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Độc đáo du lịch trải nghiệm vùng chè Shan tuyết

BHG - Là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 cả nước, với diện tích trên 20.000 ha, sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn; chè Shan tuyết là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh phát triển sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết từng bước vươn ra các thị trường lớn, thì các vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh đều gắn với địa thế núi rừng trùng điệp, cùng nhiều điểm đến thu hút du khách...

28/06/2019
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn vừa có Chỉ thị 1216/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

 

28/06/2019
Quang Bình tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Pà Thẻn

BHG - Sáng 28.6. Vụ Văn hóa Dân tộc thuộc Bộ VHTT&DL phối với Sở VHTT&DL và UBND huyện Quang Bình mở lớp tập huấn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Pà Thẻn tại huyện Quang Bình. Tham gia lớp tập huấn có 60 học viên đến từ 5 xã: Tân Bắc, Tân Trịnh, Tân Nam, Xuân Minh và thị trấn Yên Bình. Trong thời gian 2 ngày, các học viên sẽ được chính các nghệ nhân người dân tộc Pà Thẻn trực tiếp giảng dạy về các lối hát đối, hát giao duyên...

28/06/2019
Kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra an toàn, nghiêm túc

BHG - Sáng 27.6, các thí sinh bước vào ngày thi thứ 3 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đây là môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Năm nay, toàn tỉnh có 5.180 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 3.308 thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp; 1.686 thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng...

27/06/2019